Giải pháp hấp thụ hiệu quả vốn FDI chất lượng cao vào Việt Nam
VOV.VN - Để thu hút đầu tư chất lượng cao trở thành hiện thực cần tăng cường xem xét-giải quyết nhiều vấn đề, đó là cải thiện mạnh mẽ hạ tầng mềm như quản trị công, nguồn nhân lực hay môi trường kinh doanh…
Tính tới ngày 20/2 vừa qua, vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giải ngân được khoảng 2,55 tỷ USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ 2022. Xét theo lĩnh vực đầu tư, số vốn này được giải ngân cho 17/21 ngành kinh tế, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư hơn 2,17 tỷ USD, kế đến là hoạt động bất động sản với tổng vốn đầu tư gần 397 triệu USD. Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu. Các nhà đầu tư nước ngoài đang dốc vốn vào 39 tỉnh, thành phố với các điểm đến lần lượt là Bắc Giang, TP.HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai ...
Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách tháng 2 ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ trước. Tính chung 2 tháng ước đạt gần 57.000 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ trước.
“Trong khi đó, vốn FDI đăng ký điều chỉnh tính đến ngày 20/2/23 đạt 535,4 triệu USD – thấp nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2019-2023, vốn FDI thực hiện cũng giảm 4,9% so với cùng kỳ 2022 cho thấy khó khăn của kinh tế thế giới khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài chưa mở rộng quy mô và các dự án hiện hữu tại Việt Nam”, bà Ngọc cho biết.
Trong khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu kinh tế Economica Việt Nam cho rằng, đầu tư công tăng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, cơ quan quản lý - khẳng định phương thức điều hành đang ngày càng đổi mới-tích cực. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy nền kinh tế không thể chỉ trông chờ vào đầu tư công. Cần thúc đẩy đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư tư nhân trong nước và cần đẩy mạnh quá trình triển khai nguồn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam.
“Đầu tư công tạo ra chất kích thích để đầu tư tư nhân nhìn vào đó có động lực, có thêm không gian mới để thực hiện quyết định đầu tư của mình. Nó có vai trò mạnh mẽ hơn nữa nếu có thể là vốn mồi cho đầu tư tư nhân ví dụ qua hình thức đối tác công tư. Con số 2 tháng đầu năm chỉ là hiện tượng, không phản ánh bức tranh kinh tế tổng thể nhưng là chỉ dấu cho thấy đầu tư tư nhân chưa được kích thích bởi đầu tư công nên rất cần đảo ngược xu thế này”, ông Lê Duy Bình lý giải.
Làm thế nào để đảo ngược xu thế này là một câu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế mới, nhưng không phải không có lời giải. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh cải thiện môi trường đầu tư để củng cố niềm tin của thị trường, củng cố nhiệt huyết kinh doanh của cộng đồng DN, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong dân, Việt Nam cần có những biện pháp bảo an thị trường, để các nhà đầu tư tư nhân đã gia nhập thị trường sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư còn các nhà đầu tư tiềm năng thì sẵn sàng dốc vốn. Tất nhiên, trong tiến trình này, điều kiện bắt buộc là coi trọng lựa chọn các dự án đầu tư và quan tâm hỗ trợ nguồn vốn này thực hiện hiệu quả.
Đồng thuận quan điểm này, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) kiến nghị, với các nhà đầu tư châu Âu vào cơ sở hạ tầng là 1 hình thức thu hút đầu tư, nên Việt Nam cũng cần quan tâm nhiều hơn vào cả quy hoạch, mặt bằng và đặc biệt đẩy mạnh hình thức đối tác PPP, trong đó nhấn mạnh là quy trình đầu tư cần đặc biệt minh bạch.
“Hiện tại chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia vào hình thức này. Một phần do chính sách thu hút đầu tư PPP chưa phù hợp và chưa thực sự ưu đãi, trong khi với các nhà đầu tư châu Âu đầu tư vào đường sá, logistics, hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng xanh phục vụ cho phát triển bền vững là thế mạnh và họ hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam”, ông Minh cho biết.
Một số liệu chính thức từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam còn cho thấy, “93% doanh nghiệp Đức tiếp tục mong muốn đầu tư vào Việt nam, nhiều doanh nghiệp có ý định dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh từ Trung Quốc sang Việt Nam”. Điều đó có nghĩa, mặc dù thu hút đầu tư có phần chững lại trong 2 tháng đầu năm, nhưng triển vọng vẫn tích cực. Triển vọng đến từ các yếu tố nền tảng như chính trị xã hội ổn định, các chính sách vĩ mô ngày càng hoàn thiện và có tầm nhìn chiến lược – lâu dài…
Bà Đào Thu Trang – Trưởng Bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam nhìn nhận, DN Đức đã lạc quan hơn điều đó cho thấy cùng các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Điều này cũng phản ánh rõ rệt sự phát triển của DN Đức tại Việt Nam nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung
Rõ ràng, trong hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư hiện đang có những rào cản bên cạnh những thuận lợi, triển vọng. Nếu có thể cải thiện sớm những bất cập, việc thu hút đầu tư sẽ chất lượng, hiệu quả hơn. Để triển vọng thu hút đầu tư chất lượng cao trở thành hiện thực cần tăng cường xem xét-giải quyết nhiều vấn đề, đó là cải thiện mạnh mẽ hạ tầng mềm như quản trị công, nguồn nhân lực hay môi trường kinh doanh, cùng nhiều vấn đề nền tảng khác…
Trong đó cần nhắc lại, đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng là cỗ xe tam mã, là kiềng 3 chân, là động lực của nền kinh tế... Xuất khẩu và tiêu dùng nếu suy giảm cũng khó thu hút đầu tư và ngược lại. Điều này không hề dễ dàng trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, bất định, nên rất cần những chiến lược tổng thể-bài bản: Ở cấp vĩ mô là điều phối, định hướng và ở cấp doanh nghiệp, tỉnh, thành, ngành là chương trình hành động với nỗ lực đổi mới sáng tạo không ngừng./.