Giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất
VOV.VN - Nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiều 27/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn với chủ đề “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”.
Cuộc chiến chống Covid-19 hai năm qua đã làm nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực bị kiệt quệ. Trong khi đó, chi phí kinh doanh lại tăng cao khiến không ít doanh nghiệp trong cảnh “khó chồng khó”. Vì thế, tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí luôn là vấn đề các doanh nghiệp mong mỏi. Tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã. Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, hiện việc tiếp cận nguồn vay vốn rất khó khăn. Cùng với đó, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng, giá cước tàu tăng, cùng hàng loạt các phụ phí từ hãng tàu… trở thành gánh nặng tài chính lên chi phí logistics. Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp mong muốn được giảm thuế, phí để có thể phục hồi: "Những chính sách làm tăng chi phí hoạt động của dịch vụ logistics thì nên có sự kiểm soát và cắt giảm. Chẳng hạn như những chi phí liên quan đến vận tải, chi phí liên quan đến nhiên liệu, chi phí liên quan đến BOT, phí phát sinh khác như là các phụ phí, hạ tầng, cửa khẩu, cảng biển cũng nên cân nhắc điều chỉnh hoặc lùi thời gian áp dụng để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp".
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), trong thời gian vừa qua, ngành thuế đã nỗ lực làm mọi biện pháp giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa qua, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm nay (2021). Tuy nhiên, do nguồn lực của đất nước có hạn, nên việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có mức doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm , đồng thời doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019. Ông nhận định, trong lúc khó khăn những doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, dù nhận được chỉ đạo từ Chính Phủ, cũng như Quốc hội về việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Song, hiện dư địa của các tổ chức tín dụng đã hết hoặc còn rất nhỏ, thực tế người dân gửi tiền vào ngân hàng đang có sự sụt giảm. Do đó, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn, Chính phủ cần tăng vay tiền từ ngân hàng Trung ương, cũng như phát hành trái phiếu, qua đó tăng cường nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt giai đoạn khó khăn: "Quốc hội, Đảng, Chính phủ có rất nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng bây giờ cần phải có một chính sách tài khóa bằng tiền thật để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh này để nuôi dưỡng nguồn thu thì phải bằng cách là tạo nguồn thu cho doanh nghiệp, mà muốn tạo nguồn thu cho doanh nghiệp thì bên cạnh cái khó khăn đó phải đồng hành chia sẻ, một mình Ngành thuế không được, một mình Bộ Tài chính cũng không thể giải quyết được mà các bộ, ngành cùng vào cuộc, các tổ chức tín dụng mà cho vay thì phải có cơ chế cho nó phù hợp".
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ và đóng góp cùng Chính phủ trong giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh việc doanh nghiệp tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, cũng cần tiết giảm chi phí, tìm cách giữ chân người lao động và đầu tư để tăng năng suất, chất lượng./.