Giao quyền tự chủ để thành phố Thủ Đức phát triển
VOV.VN - TP.Thủ Đức được kỳ vọng sẽ sớm tạo được sức bật để trở thành “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.
Đúng ngày 1/1/2023, TP.Thủ Đức tròn 2 năm thành lập. Với quy mô dân số hơn 1,2 triệu người, là nơi tập trung Khu Công nghệ cao của TP.HCM, hệ thống các trường đại học, nguồn nhân lực chất lượng cao… TP.Thủ Đức được kỳ vọng sẽ sớm tạo được sức bật để trở thành “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, sau 2 năm thành lập, theo đánh giá thì TP.Thủ Đức vẫn chưa mấy thay đổi, đổi phá. Vì sao như vậy và Thủ Đức cần điều kiện tiên quyết gì để phát triển?
Giao quyền chứ không phải phân quyền
Hai năm kể từ khi 3 quận: 2,9 và quận Thủ Đức (cũ) được sáp nhập lại và mang tên TP.Thủ Đức với mô hình mới "Thành phố trong thành phố" ở TP.HCM, những tưởng sẽ có luồng sinh khí mới đến với Thủ Đức. Tuy nhiên, theo cảm nhận của người dân nơi đây thì hầu như cuộc sống vẫn chưa có gì chuyển biến.
Khi mới thành lập, TP.Thủ Đức đặt mục tiêu trở thành một đô thị sáng tạo, một trung tâm tương tác cao phía đông của TP.HCM, là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ phát triển. Mang theo mình một kỳ vọng quá lớn, nhưng hai năm qua, Thủ Đức chưa tạo được sự khác biệt, bởi thiếu thể chế phù hợp.
Với một mô hình đặc biệt là “thành phố trong thành phố” nhưng theo Luật Tổ chức chính quyền, mô hình quản trị hành chính công vụ đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư dự án, đầu tư công… đều tương đương cấp, quận, huyện. Dù rằng, lãnh đạo TP.Thủ Đức được Chủ tịch UBND TP.HCM giao chịu trách nhiệm một số thẩm quyền theo tổ chức chính quyền đô thị, song vẫn chưa đủ để thành phố tạo nên sự khác biệt. Nghẽn ở thể chế cũng chính bởi sự phân quyền nửa vời.
Đặt trong mối quan hệ giữa TP.Thủ Đức với TP.HCM, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần đặt vị thế của Thủ Đức trên thẩm quyền của cấp quận, huyện. Ở đây không phải là phân quyền mà là giao quyền, giao trách nhiệm.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên nói: "Điểm nghẽn nhìn từ quan hệ giữa TP.Thủ Đức với TP.HCM chứ không phải là những điểm nghẽn từ những khó khăn của TP.Thủ Đức. Bây giờ chưa thể đưa Thủ Đức thành thành phố độc lập thì không phải phân quyền mà là giao quyền nhiều hơn".
Để khai thác hết tiềm năng, nguồn lực của “thành phố trong thành phố” đã có không ít ý kiến về việc xây dựng một mô hình chính quyền phù hợp với TP.Thủ Đức. Đó là: một Thủ Đức độc lập với TP.HCM hay một Thủ Đức nằm trong TP.HCM.
Trong năm qua, TP.HCM cũng nhiều lần đặt ra với các cơ quan của Trung ương và Quốc hội về một cơ chế đặc thù cho Thủ Đức phát triển. Song, theo Thạc sĩ Lê Văn Thành – Viện Kinh tế và Phát triển đô thị TP.HCM, vấn đề của TP.Thủ Đức bây giờ là sắp xếp lại chức năng nhiệm vụ. Đó là quản lý Nhà nước phải tập trung còn các lĩnh vực khác thì giao lại cho tư nhân hoặc các cơ quan chức năng khác. Việc can thiệp của TP.HCM cũng nên chia từng giai đoạn theo hướng giảm dần, để từ đó nâng cao tính tự chủ của lãnh đạo TP.Thủ Đức.
Thạc sĩ Lê Văn Thành nói: "Trong phạm vi nào đó cần tự chủ được thì cần sắp xếp lại. Tự chủ rất quan trọng trong các chính quyền đô thị, phải làm chủ được thì mới quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Thì lúc đó chính quyền thủ đức sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Và khi đó người ta dám làm".
TP.HCM cũng cần có giải pháp trong thẩm quyền
Ra đời trong thời điểm làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 càn quét, ngoài thực hiện công tác phòng chống dịch, TP.Thủ Đức còn kiện toàn bộ máy công quyền. Việc sáp nhập, về nguyên tắc chuyển đầu mối từ 3 đơn vị sang còn 1 đơn vị đã tạo một sức ép rất lớn lên cán bộ công chức của thành phố có gần 1,2 triệu người. Đó là chưa kể, TP.Thủ Đức còn phải giảm 30% biên chế theo lộ trình.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ cho rằng, thời gian qua, điểm nghẽn về nguồn lực công vụ đã bộc lộ rất rõ ở TP. Thủ Đức. Lực lượng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố không chỉ chịu sức ép về công việc mà còn chịu sức ép rất lớn về mặt tâm lý khi TP.Thủ Đức sắp xếp bộ máy, sắp xếp nhân sự. Cho nên, bên cạnh việc ổn định về mặt tâm lý thì cần nhất là đào tạo lại lực lượng công vụ, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là xây dựng nhân lực số hỗ trợ cho việc quản trị, cũng như xử lý các văn bản của người dân.
Một lối đi cho TP.Thủ Đức trong bối cảnh hiện nay, theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, đó là TP.HCM phải có giải pháp trong phạm vi, thẩm quyền của mình. Và thực tế, TP.HCM hoàn toàn có cơ hội thực hiện được với các thẩm quyền được phân cấp.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nói: "Có một đồng chí chuyên viên chuyên tập trung vào TP.Thủ Đức, riêng và đặc biệt và giải quyết nhanh. Cái gì của Thủ Đức lên thì giải quyết ngay. Và như chính như vậy sẽ tạo nên sự thông thoáng. Ví dụ thí điểm một đơn vị thì chúng ta có một bộ phận chuyên gắn với việc hỗ trợ Thủ Đức. Các sở, ban, ngành cũng như vậy. Nếu trong trường hợp như vậy thì đấy là giải pháp của chúng ta chứ không phải là của Trung ương nữa. Và chúng ta sẽ tháo gỡ được một nút thắt rất tốt".
Thủ Đức- “thành phố trong thành phố” không chỉ là kỳ vọng của TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ về một đô thị sáng tạo, một thành phố chất lượng sống tốt với người dân mà còn là một mô hình thí điểm rất quan trọng. Đây sẽ là nơi đúc kết kinh nghiệm của cả nước trong xây dựng những trung tâm động lực phát triển của các thành phố trực thuộc Trung ương, của các vùng kinh tế trong tương lai. Hai năm hình thành và phát triển, với Thủ Đức còn đó những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, về thể chế phát triển, về nguồn nhân lực, về mô hình quản trị hành chính Nhà nước. Nhưng nhìn thấy điểm nghẽn tức là đã nhìn thấy những giải pháp. Trong đó, giải pháp cấp bách nhất, là xây dựng một thể chế linh hoạt để Thủ Đức là “hạt nhân” phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ./.