Kinh tế 6 tháng - quyết tâm cao, vững vàng vượt thử thách

Giữ vững “tay lái” vĩ mô: 6 tháng đầu năm tăng trưởng trong thế trận khó

VOV.VN - Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng đi qua nửa chặng đường đầu năm 2025 với nhiều điểm sáng tích cực. Tăng trưởng GDP đạt 7,52%, nằm trong nhóm cao nhất khu vực, lạm phát được kiểm soát hiệu quả, thương mại tiếp tục xuất siêu...


Bước sang năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến đổi nhanh, phức tạp, khó lường song kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 7,52%- là mức tăng cao nhất trong 6 tháng giai đoạn 2011-2025. 

Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước ta theo đà đi lên, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Nếu như tăng trưởng Quý 1 đạt 6,93% thì Quý 2 đã đạt tới 7,96. Kinh tế vĩ mô của nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm vượt mốc 1,3 triệu tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán và tăng 28,3% so cùng kỳ năm ngoái.

Để có được kết quả này, thì vai trò điều hành linh hoạt và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai kịp thời các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết, công điện chỉ đạo và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong đó, ngày 5/2/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên. Kiên định với mục tiêu đó, ngày 31/5/2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 154, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành để năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên, quy mô GDP đạt khoảng trên 500 tỉ đô la Mỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. Cùng lúc chúng ta phải làm rất nhiều việc, bên cạnh tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, là phải ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát được lạm phát, để đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bỏ lại phía sau. Chúng ta không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần”.

Tinh thần “Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt” đó đã lan tỏa trong mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương, tao niềm tin, khí thế trong xã hội. 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam “ngược dòng” với triển vọng kinh tế toàn cầu, là điểm sáng về tăng trưởng.

Sự phản ứng chủ động, linh hoạt, quyết đoán trước các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trên thế giới, thể hiện qua điều hành của Chính phủ được các chuyên gia, cộng đồng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức tới hơn 60 chuyến làm việc với các địa phương và trên 1.000 hội nghị, cuộc họp để xử lý, giải quyết triệt để các vấn đề và trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra tiến độ công việc. Với sự khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, nhiều dự án vướng mắc về pháp lý đã được tháo gỡ, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp vào một Chính phủ hành động, kiến tạo.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhìn nhận: “Bản thân các thành phần kinh tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, yếu tố niềm tin đã tăng lên rất nhiều. Đứng trước bối cảnh thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động, ngày xưa chúng ta có thể hoạch định một kế hoạch dài 5 năm, nhưng bây giờ một năm cũng là dài rồi. Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng, điều này đã được cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận, đánh giá và cảm nhận được và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế theo hơi thở của thị trường”.

Qua 6 tháng đầu năm, sự tăng tốc của nền kinh tế theo từng tháng là khá rõ, và đây là cơ sở gia tăng niềm tin thị trường, biểu hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gia tăng. Trong tháng 6/2025, số doanh nghiệp thành lập mới lần đầu tiên đạt mức kỷ lục, hơn 24 nghìn doanh nghiệp, cao hơn mức trung bình khoảng 15 nghìn doanh nghiệp trước đây. Đáng chú ý, là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6 đạt hơn 14 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 91% cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, có hơn 61 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng hơn 57% so với cùng kỳ.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể thuộc Bộ Tài chính cho biết: “Đây là lần đầu tiên tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường cao hơn 1,2 lần so với số doanh nghiệp rút lui, cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi cũng như phát triển kinh tế đang được củng cố mạnh mẽ. Một điểm đặc biệt nữa là vốn bổ sung của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng tăng rất ấn tượng, với mức tăng trên 170% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là các doanh nghiệp đang hoạt động và họ đã có kế hoạch mở rộng quy mô vốn. Như vậy thì rõ ràng là niềm tin của doanh nghiệp cũng như họ nhìn nhận thấy cơ hội kinh doanh cũng như tiềm năng của thị trường đang rất khả quan”.

Các chuyên gia quốc tế đánh giá cao sự vững vàng trong định hướng phát triển, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và cam kết rõ ràng với các mục tiêu cải cách thể chế chính là yếu tố hết sức quan trọng để Việt Nam đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng, trong “thế trận khó” của bối cảnh toàn cầu.

Ông Carl Bernadac - Giám đốc Ban dự báo kinh tế và Chính sách công của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) bày tỏ: “Chúng tôi ấn tượng với những gì đang diễn ra tại Việt Nam nhằm hướng tới tính hợp lý về mặt thể chế, giúp gỡ bỏ rào cản, những thách thức về mặt thể chế mà chúng tôi đã gặp phải ở nhiều quốc gia. Rất hứa hẹn về khả năng thực hiện các chính sách phức tạp, cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, việc làm và chuyển đổi năng lượng, khả năng phục hồi sau các cú sốc khí hậu”.

Mặc dù vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lạc quan vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong cả năm 2025. Các yếu tố triển vọng là việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sự phục hồi của ngành sản xuất, hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm ngày càng hoàn thiện và việc ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đang được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã và đang tạo nên một sinh khí mới, đưa đất nước vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được kết quả tăng trưởng cao trong năm 2025. Quan trọng hơn cả là việc triển khai thực hiện các Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị đang mở đường cho một giai đoạn phát triển mới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam - hành trình kinh tế đầy ngoạn mục
Chuyên gia quốc tế: Việt Nam - hành trình kinh tế đầy ngoạn mục

VOV.VN - Việt Nam đang đi trên một hành trình phát triển kinh tế ngoạn mục. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định như vậy khi nói về mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua.

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam - hành trình kinh tế đầy ngoạn mục

Chuyên gia quốc tế: Việt Nam - hành trình kinh tế đầy ngoạn mục

VOV.VN - Việt Nam đang đi trên một hành trình phát triển kinh tế ngoạn mục. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định như vậy khi nói về mô hình tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua.

"Việt Nam đạt được thành tựu phát triển kinh tế ít quốc gia có thể làm được"
"Việt Nam đạt được thành tựu phát triển kinh tế ít quốc gia có thể làm được"

VOV.VN - Những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng làm được. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ duy trì định hướng đúng đắn như hiện nay.

"Việt Nam đạt được thành tựu phát triển kinh tế ít quốc gia có thể làm được"

"Việt Nam đạt được thành tựu phát triển kinh tế ít quốc gia có thể làm được"

VOV.VN - Những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng làm được. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ duy trì định hướng đúng đắn như hiện nay.

Công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%
Công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%

VOV.VN - Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025 do OECD thực hiện được công bố chiều 20/6 tại Hà Nội, đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập sâu rộng.

Công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%

Công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%

VOV.VN - Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2025 do OECD thực hiện được công bố chiều 20/6 tại Hà Nội, đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập sâu rộng.