Hà Nội thu 600 tỷ đồng/năm từ phí đường bộ đối với xe máy
VOV.VN -Điều mà dư luận quan tâm là ai sẽ giám sát số tiền thu được và liệu có đảm bảo chi đúng cho mục đích bảo trì đường bộ?
Theo thông báo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, bắt đầu từ hôm nay (21/7), thành phố Hà Nội triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, xe máy đăng ký lưu hành trên địa bàn thành phố, với mức thu từ 50.000-100.000 đồng/xe/năm.
Đây là quy định mới được Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua tại kỳ họp lần thứ 7 vừa qua. Việc thu phí này sẽ do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện.
Cụ thể, từ hôm nay, đối tượng phải nộp phí sử dụng đường bộ bao gồm xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy (trừ xe máy điện) với mức phí như sau: Loại có dung tích xy lanh đến 100cm3 thu 50.000 đồng/năm; loại có dung tích xy lanh trên 100cm3 thu 100.000 đồng/năm.
Các xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng và xe mô tô của các hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo được miễn nộp loại phí này.
Ông Vũ Minh Chiến, ở tổ dân phố 24, phường Ô Chợ Dừa, quận Hai Bà Trưng bày tỏ quan điểm: “Luật của Nhà nước quy định thì mình phải nghiêm chỉnh chấp hành. Theo tôi, đối với xe máy mức phí 50.000 đồng 1 năm là hợp lý, bởi đường xá muốn bảo trì cũng tốn kém rất lớn. Nếu bây giờ mỗi người đóng góp một ít thì sẽ bớt đi phần nào gánh nặng cho nhà nước, người dân lại có đường xá đi lại thuận tiện hơn…”
Về việc quản lý, sử dụng nguồn phí thu được, theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thì các phường, thị trấn được để lại 10%; các xã được để lại 20% số phí thu được.
Số tiền còn lại, trường hợp thành phố Hà Nội đã thành lập Quỹ bảo trì đường bộ địa phương thì hàng tuần, cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ địa phương mở tại Kho bạc Nhà nước.
Trường hợp thành phố Hà Nội chưa lập Quỹ bảo trì đường bộ địa phương thì cơ quan thu phí nộp vào ngân sách địa phương.
Nhiều người tỏ ra băn khoăn về cơ chế, cách thức thu như vậy có đảm bảo thu đúng, thu đủ, nguồn tiền thu được có đảm bảo chi tiêu cho việc tu sửa đường, có bị chi sai mục đích hay không.
Ông Nguyễn Đức Hùng, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm nói: “Từ cấp phường trở đi thì nguồn thu, nguồn nộp thế nào, giữ lại bao nhiêu cần phải được giám sát. Nộp tiền rồi chúng tôi hy vọng chất lượng đường xá sẽ được cải thiện tốt hơn…”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Đài TNVN, ngày hôm nay là ngày đầu các xã, phường, thị trấn trong thành phố Hà Nội thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Tuy nhiên, các xã, phường cho biết do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên vẫn đang đợi văn bản cụ thể để triển khai.
Bà Phạm Thị Xuân Mai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Chúng tôi đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể. Bước đầu xem các thông tư hướng dẫn, bây giờ mới là ước lượng xe máy qua điều tra cơ bản thống kê thôi. Ngày mai phường mới triển khai xuống tổ dân phố. Tem, lệ phí, biên lai cũng chưa có …”
Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 4,5 xe máy. Theo ước tính, với mức thu từ 50.000 đến 100.000 đồng/xe, dự kiến, mỗi năm Hà Nội sẽ thu được khoảng 600 tỷ đồng.
Nhưng, điều mà dư luận và nhân dân quan tâm là, sau thu phí, ai sẽ đứng ra kiểm soát, giám sát số tiền thu được, số tiền đó liệu có đảm bảo chi đúng cho mục đích bảo trì đường bộ hay không? Và, quyền lợi người dân, chủ phương tiện đã đóng phí được đảm bảo bằng gì… Những câu hỏi đó rất cần câu trả lời thấu đáo của cơ quan chức năng./.