Giá điện, giá xăng dồn dập tăng; sau kỳ nghỉ lễ, các bà nội trợ “méo mặt” vì các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá.
Rau, thịt, gạo... đều tăng giá
Tan ca chiều, trên đường về nhà chị Trần Ngọc Thu ghé vào quầy bán rau cải quen trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10, TP.HCM) gần chợ Hòa Hưng để chuẩn bị bữa cơm tối. “Lấy em đồ nấu canh chua cho 3 người ăn”, chị Thu "đặt hàng" như thường lệ.
Người mua kẻ bán đều lo lắng trước cơn "bão giá" đang ập đến. (Ảnh: Chí Nhân).
Món hàng vẫn là nửa trái khóm (thơm), hai trái cà chua, cọng bạc hà, năm bảy trái đậu bắp, ít giá, me, vài trái ớt và rau thơm. Nhưng hôm nay giá đã lên đến 40.000 đồng so với 35.000 đồng trước đó. “Mấy hôm nay giá cả tăng quá, thứ nào cũng tăng 1.000 - 2.000 đồng, em thông cảm nha”, người bán phân trần. Ghé sang sạp cá, một ký cá lóc nuôi 83.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 - 7.000 đồng một ký cũng vì "điện, xăng đều tăng, giờ cái gì cũng tăng giá" như lời chị bán cá giải thích.
Theo ông Lâm Đại Vinh: “Quỹ bình ổn hoạt động không hiệu quả, không những không giúp bình ổn thị trường mà còn khiến thị trường nhảy múa loạn xạ. Thế giới giảm nhiều, VN không giảm bao nhiêu, đến khi họ tăng ít thì mình tăng nhiều lần. Như thế doanh nghiệp nào chịu cho nổi”.
Một tiểu thương ở chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) cho biết, hôm nay (2.5) giá cà rốt Đà Lạt là 30.000 đồng/kg, trước lễ chỉ có 27.000 - 28.000 đồng/kg. Còn cà rốt Trung Quốc trước 15.000 đồng nay lên 18.000 đồng/kg; hành lá 40.000 - 42.000 đồng/kg thì nay lên 45.000 đồng/kg. "Các loại hành ngò trước đây hay tặng kèm khi khách mua rau nay cũng phải tính tiền, 2.000 đồng được 3 hay 4 cọng", người này cho biết và nói thêm: Đầu mối bảo do xăng dầu tăng nên mỗi loại tăng thêm vài ngàn đồng. Trước đây giá vốn nhập hàng một buổi chợ chừng 5 - 5,5 triệu đồng, sau tết tăng lên hơn 6 triệu, còn nay đã gần 7 triệu đồng cũng vẫn số lượng hàng như vây.
Khảo sát một vài ngôi chợ ở khu vực trung tâm TP.HCM có thể thấy phần lớn hàng hóa đều tăng giá. Mặt hàng thiết yếu là gạo cũng tăng bình quân từ 500 - 1.000 đồng/kg. Một vài mặt hàng đứng yên ở mức cao như thịt heo. Giá thịt nạc đùi, sườn già khoảng 98.000 - 105.000 đồng/kg, cốt lết 87.000 - 90.000 đồng/kg, ba rọi 110.000 - 115.000 đồng/kg...
Nguyên liệu tăng, hầu hết các quán ăn cũng chạy theo “bão giá”. Một quán hủ tiếu Nam Vang có tiếng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (đoạn gần chợ Hòa Hưng) đã tăng thêm 5.000 đồng, lên 50.000 đồng/tô. “Trước đây không dám tăng giá sợ mất khách, mình giữ giá nhưng làm khéo lại một tí. Nay thì chịu không nổi nữa, không tăng sẽ lỗ vốn”, chị chủ quán rầu rĩ giải thích với những khách quen.
Dịch vụ vận tải tăng giá 15 - 20%
Đặt 1 chiếc ô tô 4 chỗ qua ứng dụng Grab từ đường Hoàng Diệu (Q.4) đến đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), chị Nguyệt Minh khá bất ngờ vì dù không báo khung giờ cao điểm nhưng giá cước cũng tăng gần 10.000 đồng so với giá thường ngày chị đi. Tài xế lý giải do đợt vừa rồi điện, xăng tăng giá nhiều quá, tài xế Grab lại không thể tự do tăng giá cước nên nhiều người trước đây tranh thủ thời gian rảnh rỗi chạy kiếm thêm thu nhập nay tắt ứng dụng, không chạy nữa. Lượng tài xế giảm, cầu lớn hơn cung nên phần mềm tính giá tự động đẩy giá cước lên cao hơn.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, dự báo giá cước vận tải hàng hóa bằng container tại TP.HCM thời gian tới sẽ tăng khoảng 15 - 20%. Theo ông Vinh, phí nhiên liệu chiếm đến 40% cơ cấu chi phí vận tải. Giá dầu từ đầu năm đến nay tăng mạnh, cộng thêm giá điện tăng dẫn đến loạt mặt hàng như vỏ xe, nhân công... đều tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN).
“Liên tục 2 năm qua DN vận tải hàng hóa làm ăn không có lãi. Vài tháng trở lại đây, nhiều công ty đã phải dừng hoạt động, bán hàng loạt xe. Lượng phương tiện đang thiếu thốn, chi phí đầu vào liên tục tăng cao buộc các DN phải điều chỉnh giá cước. Mới đây, các DN vận tải hàng hóa tại TP.HCM đã phát hành mức giá mới tăng khoảng 15 - 20%. Khách hàng đồng ý thì chạy, không thì thôi chứ chúng tôi không còn đủ khả năng để bù lỗ thêm nữa”, ông Vinh than thở.
Giám đốc một công ty cho biết một xe đầu kéo chở hàng từ TP.HCM đi Nha Trang, quãng đường cả đi và về hết 900 km, tiêu thụ khoảng 360 lít dầu. Giá dầu tăng từ đầu năm đến nay gần 3.000 đồng/lít, lên mức 17.384 đồng/lít, tính ra hơn 6,26 triệu đồng tiền dầu. Nếu cộng thêm tiền phí đường bộ, giá nhân công..., mức chủ xe chi thấp nhất là 13 triệu đồng/xe/chuyến, chưa kể chi phí hao mòn và nhiều khoản tiền không chứng từ khác. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng kéo theo các chi phí khác trong nhóm ngành liên quan như dầu, dầu nhớt, mỡ bò, săm lốp... cũng tăng.
Như vậy, trung bình mỗi chuyến đi tăng thêm khoảng 1 - 1,5 triệu đồng, lên hơn 15 triệu đồng/xe/chuyến. Khu vực nội đô, giá vận chuyển hàng hóa từ Q.7 - H.Bình Chánh cũng tăng từ 1,7 triệu đồng lên khoảng 2,1 triệu đồng/xe/lượt.
Ông Lâm Đại Vinh nhận định: DN không phàn nàn về giá xăng, dầu quá cao vì nếu điều tiết theo đúng thị trường xăng dầu quốc tế, đây là điều cả người dân và DN đều phải chấp nhận. Vấn đề là cách điều hành giá xăng dầu của VN hiện nay không hợp lý. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, nhà nước lại dùng quỹ bình ổn kìm hãm lại, dồn đến đợt sau tăng quá cao khiến DN “méo mặt”. Bên cạnh đó, công thức tính giá xăng dầu không minh bạch, DN không dự trù trước được giá tăng/giảm của nhiên liệu để chốt khi ký hợp đồng với khách hàng./.