Hợp tác xã giúp nhà vườn Hậu Giang nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra
VOV.VN - Thời gian qua, nhiều nông dân ở Hậu Giang còn cùng nhau thành lập hợp tác, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Trồng 1 ha chanh không hạt đã nhiều năm nhưng ông Nguyễn Trung Chánh ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành chỉ thật sự yên tâm, phấn khởi khi cách đây 2 năm ông nhận lời liên kết với Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP. Bởi từ thời điểm đó đến nay, mỗi năm vườn chanh của ông cho sản lượng từ 40-50 tấn nhưng ông không hề lo lắng về giá cả cũng như thị trường tiêu thụ.
“Kể từ khi Hợp tác xã thành lập thì bên đây kết hợp làm theo qui trình Hợp tác xã để bán cho Hợp tác xã. Làm theo dạng GlobalGAP xuất đi châu Âu được luôn đó. Nói chung mình làm theo qui trình thì giá cao hơn thương lái mua bên ngoài khoảng từ 2.000 đồng/kg trở lên” - ông Nguyễn Trung Chánh nói.
Từ khi thành lập, bên cạnh việc liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất theo công nghệ tiên tiến, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP còn tập trung giải quyết các vấn đề thị trường. Hiện Hợp tác xã tiêu thụ trái cây cho gần 100 thành viên và nhiều nông dân trong tỉnh thông qua việc ký kết hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước. Đối với trong nước, kênh tiêu thị mạnh là hệ thống siêu thị Co.opMart, Vinmart, các nhà hàng, chợ đầu mối.. Riêng thị trường tiêu thụ nước ngoài tập trung ở các nước Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu (Anh, Hà Lan, Đức…).
Qua gần 2 năm hoạt động, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP đã tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản cho nông dân Hậu Giang. Chỉ tính trong năm ngoái, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cước vận chuyển trái cây xuất khẩu sang các nước tăng cao, tuy nhiên Hợp tác xã vẫn giúp nông dân trong tỉnh tiêu thụ được số lượng lớn sản phẩm trái cây ở thị trường trong nước và sang nhiều nước, chủ yếu là chanh không hạt, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, thanh long, với tổng sản lượng nông sản được tiêu thụ lên đến hơn 2.500 tấn, đạt doanh thu hơn 71 tỷ đồng.
Theo ông Trần Bá Sơn- Giám đốc Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP, mục tiêu trọng tâm mà Hợp tác xã hướng tới trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 là tiếp tục mở rộng mặt hàng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới, trước mắt là nhãn và mít, đồng thời mở rộng diện tích nông sản đạt chứng nhận GlobalGAP, mã vùng trồng. Hợp tác xã phấn đấu đến năm 2024, tổng sản lượng nông sản của tỉnh được hợp tác xã bao tiêu khoảng 4.500 - 5.000 tấn, đến năm 2027 nâng lên hơn 10.000 tấn, đồng thời nâng số thành viên Hợp tác xã từ gần 100 thành viên lên hơn 400 thành viên.
“Hiện tại thì Hợp tác xã cũng đã gửi một số hàng mẫu sang các nước trên thế giới thì cơ bản ban đầu họ cũng rất đồng tình và rất thích sản phẩm của Hậu Giang. Bên cạnh đó thì Hợp tác xã cũng mở rộng thêm diện tích Glogap và mã số vùng trồng trong thời gian tới. Trong quí 3 năm 2022 thì dự kiến khởi công xây dựng mà máy sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, công suất khoảng 20.000 tấn/năm” - ông Trần Bá Sơn cho biết.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Hậu Giang có hơn 40.000 ha trồng cây ăn trái. Thời gian qua, Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với nông dân, tạo điều kiện cho các chủ thể này tham gia xây dựng OCOP từ chính những sản phẩm do mình sản xuất ra. Với những sản phẩm được công nhận OCOP đã giúp cho nông dân tiêu thụ được sản lượng tăng từ 1,5-2 lần so với khi chưa được công nhận.
Khi Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP ra đời đã trở thành điểm tựa vững chắc cho nhiều nông dân trong tỉnh, giúp họ nâng cao giá trị nông sản, tiếp tục tăng sản lượng tiêu thụ do có đầu ra ổn định. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang luôn có các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân, hỗ trợ các Hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP, qua đó góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Trong thời gian qua, Hợp tác xã trái cây sinh học OCOP đã tham gia với tỉnh Đề án OCOP hết sức hiệu quả. Trong thời gian tới chúng tội tiếp tục tập trung, giao cho mỗi địa phương phấn đấu mỗi năm 4-5 sản phẩm OCOP, ưu tiện cho nông sản trên địa bàn tỉnh. Với kế hoạch hết sức cụ thể, chúng tôi cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm để hỗ trợ cho các chủ thể và đề nghị các chủ thể cũng tích cực tham gia. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa bằng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới” - ông Trương Cảnh Tuyên khẳng định.
Với sự năng động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự nỗ lực đưa các sản phẩm nông sản OCOP của người dân Hậu Giang tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài nước, mô hình hợp tác xã bao tiêu đầu ra cho nông dân đang phát huy tối đa tiềm lực, lợi thế sẵn có của địa phương./.