Khi nào thương mại điện tử trở thành tiên phong của nền kinh tế số?
VOV.VN - Đâu là những giải pháp trọng tâm, cần thúc đẩy để mục tiêu đưa thương mại điện tử trở thành lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.
Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đưa lĩnh vực này trở thành lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số - nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi - tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngay sau đó cũng đã diễn ra cuộc họp trực tuyến đầu tiên của Ủy ban Điều phối Thương mại điện tử ASEAN - Việt Nam là nước chủ nhà. Điều quan trọng, đâu là những giải pháp trọng tâm, cần thúc đẩy để các mục tiêu này sớm trở thành hiện thực?
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 gắn chặt với các chiến lược, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng phát triển kinh tế số- chuyển đổi số quốc gia được nêu trong Nghị quyết 52. Đáng chú ý, bên cạnh mục tiêu tổng quát gồm: Hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về khả năng mua-bán trực tuyế; xây dựng “thương trường ảo” lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa Việt và gia tăng giao thương trực tuyến xuyên biên giới…
Đưa thương mại điện tử trở thành lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. (Ảnh: KT) |
Bản kế hoạch còn nêu bật những mục tiêu cụ thể như đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị giao dịch trung bình 600 USD/người một năm. Tổng doanh thu từ lĩnh vực mua sắm trực tuyến đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đạt tới 50%. Cùng với đó, 50% nguồn nhân lực được đào tạo bài bản từ hệ thống giáo dục-đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Ấn tượng với những con số mục tiêu này, ông Nguyễn Bình Minh - ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phải chú ý đến điều này từ trước. Tất nhiên trước đây do nhiều vấn đề nhận thức về kinh tế chúng ta vẫn chứ trong đến sản xuất, công nghiệp, hạ tầng nhiều hơn nhưng xảy ra Covid-19 cũng là 1 phép thử để toàn thế giới nhìn lại cấu trúc nền kinh tế của mình. Thế giới đã phải ghi nhận thương mại điện tử có khả năng ổn định rất là cao trong khủng hoảng và đang là giải pháp thì vẫn sẽ là giải pháp trong tương lai gần”.
Thực tế, để đạt được mục tiêu, bản kế hoạch do Bộ Công thương đề xuất, đệ trình Chính phủ cũng đã nêu rõ 6 nhóm giải pháp như: hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu phát triển ngành trong bối cảnh kinh tế mới; nâng cao năng lực quản lý; đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trên môi trường này; củng cố lòng tin của người tiêu dùng trong nước hay thúc đẩy giao thương trực tuyến xuyên biên giới... Trong đó, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương đề nghị các giải pháp sát thực, cần sớm triển khai.
“Chúng ta phát triển thương mại điện tử với không gian rộng hơn, thay vì nhằm vào những thành phố lớn. Thứ hai, phải đưa được công nghệ mới quản lý tốt hơn về mặt chất lượng, tạo thuận tiện giảm chi phí cho thương mại điện tử. Thứ ba, phát triển hàng Việt. Đấy là cơ sở để tận dụng thương mại điện tử, đem lại ích lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa, đem lại sự cạnh tranh lành mạnh cho nhà sản xuất hàng Việt - là động lực phát triển kinh tế cả nước” - ông Đặng Hoàng Hải nói.
Nếu các mục tiêu đề ra có thể đạt được, thương mại điện tử Việt Nam có khả năng vươn lên vị trí thứ hai Đông Nam Á và là thị trường tiềm năng nhất khu vực, vào năm 2025.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lưu ý: “Trước hết, tôi hoàn toàn đồng thuận với kế hoạch này bởi thực tế đã chứng minh rồi, thương mại điện tử là xu thế không thể đảo ngược. Các nước phát triển đã thịnh hành lâu rồi. Tôi cho rằng việc cần làm để đạt được muc tiêu này là cơ quan chức năng, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy để thúc đẩy mua bán trực tuyến hay chính là thương mại điện tử. Và cũng cần quan tâm thay đổi thói quen người tiêu dùng bằng cách tăng cường các hoạt động tạo niềm tin cho họ…”
Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đưa lĩnh vực này trở thành lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số vào năm 2025, vào sáng ngày 19/5, cuộc họp trực tuyến đầu tiên của Ủy ban Điều phối Thương mại điện tử ASEAN cũng đã diễn ra dưới sự điều phối của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.
Trong vai trò đại diện nước Chủ nhà năm ASEAN 2020, cơ quan chức năng đã chủ động hướng nội dung cuộc họp tập trung vào các sáng kiến xây dựng “Khung Hội nhập số ASEAN” nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng của các nước trong việc thực thi 6 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: thương mại và logistics số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thanh toán số và nhận dạng số; kỹ năng số; cải tiến và doanh nghiệp và mức độ sẵn sàng về thể chế và hạ tầng. Đây chính là công cụ quan trọng thúc đẩy việc thu hẹp khoảng cách số, đặc biệt là gia tăng gắn kết các nước thành viên trong hoạt động thương mại trực tuyến, hướng tới nền kinh tế số.
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể. Người tiêu dùng ứng dụng mua hàng trực tuyến-hạn chế tiếp xúc thay vì mua hàng truyền thống ngày càng nhiều. Các các nhân, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực ngành nghề đang tìm đến kênh mua-bán này để quảng bá sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tận dụng được thời cơ này và tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp được nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia, mua-bán trực tuyến chắc chắn sẽ đạt hiệu quả-tiềm năng nhất trong tiến trình đưa kinh tế đất nước trở thành nền kinh tế số./.