Khoán xe công phải triệt để và hiệu quả
VOV.VN -Từ việc khoán xe tự nguyện, tới đây sẽ là bắt buộc, cho thấy sự quyết liệt trong việc sử dụng xe công, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng ngân sách mỗi năm.
Trong dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xe công, Bộ Tài chính đưa ra những quy định mới như khoán xe công bắt buộc đối với một số chức danh, thay vì tự nguyện như trước đây, cùng với việc giảm mạnh số xe phục vụ công tác chung.
Từ gần nửa năm nay, 5 Thứ trưởng ở Bộ Tài chính không dùng xe công đưa đón, mày nhận khoán hàng tháng chi phí đi lại từ nhà đến cơ quan (Ảnh minh họa: KT) |
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí là một trong số các Thứ trưởng đi làm bằng taxi. Ông chia sẻ, từ nhà đến cơ quan khoảng 10km, với giá taxi 15.000 đồng/km, tính ra 2 chiều đi lại trong 22 ngày làm việc thì khoảng 6,6 triệu đồng/tháng. Sử dụng xe taxi đi làm là việc bình thường, không ảnh hưởng đến công việc và tiết kiệm ngân sách khi đỡ phải thêm đầu xe cũng như chi phí cho xe công.
Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên thực hiện cơ chế khoán xe công bắt buộc với các chức danh thứ trưởng. Trong dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xe công, việc khoán xe công sẽ được nhân rộng hơn ở các bộ, ngành và địa phương.
Theo đó, sẽ khoán bắt buộc với chức danh từ thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng Giám đốc các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước…6,5 triệu đồng/tháng hoặc 16.000 đồng/km cho quãng đường từ nơi ở đến nơi làm việc.
Mặc dù ủng hộ chủ trương này, nhưng chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long vẫn băn khoăn, với phương án một chưa đảm bảo công bằng vì có thể quãng đường mỗi người đi khác nhau. Còn với phương án hai khoán 16.000 đồng/km lại đang cao hơn khoảng 30% so với thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù có nhiều điểm mới, nhưng trong dự thảo của Bộ Tài chính vẫn tập trung khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón lãnh đạo từ nhà đến cơ quan. Khi họp hành, công tác thì các cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo vẫn được sử dụng xe công đưa đón chung. Như vậy, thực tế mới khoán lộ trình ngắn và dễ tính toán, trong khi chi phí từ cơ quan đi các nơi mới là tốn kém nhất.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cần nghiên cứu để chuẩn hóa các công đoạn, yêu cầu đi lại với mức giá khoán phù hợp. Bên cạnh khoán cho cá nhân, cần phát triển các dịch vụ, tổ hợp xe công để phục vụ chung cho khối cơ quan Nhà nước, mới tiết giảm số lượng và chi phí xe công.
Tính đến cuối năm 2016, cả nước có hơn 34.200 xe công. Theo Bộ Tài chính, việc bắt buộc khoán xe công sẽ giúp giảm khoảng 700 xe phục vụ chức danh. Ngoài ra, hầu hết tiêu chuẩn sử dụng xe phục vụ công tác chung cũng giảm. Ước tính tổng số xe địa phương giảm khoảng 7.000 - 10.500 xe. Như vậy, khi áp dụng mức khoán chi phí đưa đón xe công và việc giảm số xe phục vụ công tác chung, ngân sách giảm được 3.400 tỉ đồng mỗi năm chi cho vận hành lượng xe này.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo sớm trình Chính phủ trong quý 2/2017, nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả xe công.
Từ việc khoán xe dựa trên ý thức tự nguyện, tới đây sẽ là bắt buộc, cho thấy sự quyết liệt trong việc sử dụng xe công, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm. Vấn đề còn lại là cần kiểm tra, giám sát khâu thực hiện sao cho minh bạch và hiệu quả.
Việc giải quyết xe công dôi dư và đội ngũ lái xe cũng cần được được tính toán hợp lý để không lãng phí hoặc gây xáo trộn. Về lâu dài cần hình thành dịch vụ tổ hợp xe công áp dụng chung cho các khối cơ quan nhà nước trên một địa bàn, để giảm số đầu xe của mỗi đơn vị, việc quản lý sẽ tập trung và hiệu quả hơn./.