Khởi nghiệp: Hành động trên tinh thần “yêu nước có lợi nhuận”
VOV.VN-Cần hiểu bản chất của khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp phải được hiện thực hóa để phục vụ phát triển đất nước trên tinh thần yêu nước có lợi nhuận.
Gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ... ngày càng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam. Hiện tinh thần khởi nghiệp đang được hưởng ứng mạnh mẽ trên cả nước. Vậy nên hiểu thế nào về khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp cần được hiện thực hóa như thế nào để phục vụ phát triển đất nước?
Cần hiểu đúng về “khởi nghiệp”
Trước hết, thuật ngữ “start-up” (từ tiếng Anh) ra đời gắn với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin trên thế giới. Ban đầu, nó thường được dùng để chỉ các hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức nào đó trong việc phát triển sản phẩm mới hoặc công việc mới mà có tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cho nên, start-up thường gắn với đặc tính là mới, tiềm ẩn rủi ro nhưng có tiềm năng phát triển. Sau đó, dần dần khái niệm “start-up” này được các ngành nghề khác cũng sử dụng để chỉ các hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực của mình.
Chia sẻ quan điểm về “khởi nghiệp”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan hoan nghênh tinh thần khởi nghiệp và cho rằng, cần phải hiểu cho thống nhất thế nào là khởi nghiệp. Theo ông, từ “start-up” áp dụng ở một số nước tiên tiến nó chỉ ra những người sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin để làm ra những sản phẩm khác biệt, cải thiện làm ăn, đời sống của con người. Tức là “start-up không phải đơn thuần như là gánh hàng bán phở, bán bánh cuốn. Cái đó là lập nghiệp thôi, chỉ đơn thuần là mở ra kinh doanh gì đó để kiếm tiền, nhưng nó chưa phải là khởi nghiệp. Còn ta cần hiểu đúng nghĩa quốc tế của từ “khởi nghiệp” rồi hãy làm. Tôi sợ rằng bây giờ trong dư luận đang hiểu hơi khác nhau về từ này. Khởi nghiệp là đúng, nhưng khái niệm phải hiểu cho đúng bản chất, hiểu thống nhất đã rồi hãy làm, và cần cơ chế để khởi nghiệp thì mới có hiệu quả”- ông Vũ Khoan nhấn mạnh.
Mới đây, chia sẻ tại tọa đàm có chủ đề “Startup - Đường nào tới thành công?”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT, cho rằng cần phân biệt giữa chữ “Start-up và Entrepreneur” (tạm dịch là khởi nghiệp và lập nghiệp). Theo ông Bình, trong xã hội đang có sự nhầm lẫn khi hiểu về 2 khái niệm này. Ông Bình phân tích: Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn Start-up phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm.
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Trương Gia Bình nói trường hợp Uber hay Grab là những hãng taxi lớn trên thế giới nhưng không hề có một chiếc taxi nào. Đây là điều chưa từng xảy ra, đó là khởi nghiệp. Còn bán phở, bán cà phê…, theo ông Bình có thể gọi là lập nghiệp, chứ không thể gọi là khởi nghiệp.
Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021 cho rằng, khởi nghiệp chính là việc thực hiện một ý tưởng sáng tạo về kinh doanh hay công nghệ, có thể là một ý tưởng giải quyết một bài toán xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp đến dịch vụ, xóa đói giảm nghèo, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế…
Nhìn chung, trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập kinh tế và sự phát triển của khoa học công nghệ góp phần càng thúc đẩy thế giới hội nhập nhanh hơn, rộng hơn, đa dạng hơn và thế giới cũng trở nên “phẳng hơn” thì thiết nghĩ cũng không nên cứng nhắc đóng khung khái niệm “start-up” (khởi nghiệp) sơ khởi mà nên hiểu và áp dụng nó một cách rộng rãi hơn. Khởi nghiệp là một quá trình mà một cá nhân hoặc tổ chức hình thành ý tưởng kinh doanh, xây dựng nguồn lực để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh đó, rồi bắt tay vào hoạt động kinh doanh trên thị trường một cách chủ động, sáng tạo, linh hoạt để mang lại lợi nhuận cho bản thân và gia tăng các giá trị cho xã hội.
Nói như Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình, thì khi dấn thân vào Start-up là không chỉ lập ra một doanh nghiệp mà đó là doanh nghiệp để tạo ra những giá trị mới, có thể chưa từng có.
Tức là khởi nghiệp trên tinh thần bắt đầu hành trình hoạt động kinh doanh, sáng tạo góp phần mang lại lợi ích thúc đẩy sự phát triển xã hội, trong đó cá nhân hay tập thể khởi nghiệp cũng được hưởng lợi từ sự khởi nghiệp đó. Chủ thể bắt đầu một sự khởi nghiệp có thể từ trạng thái “chưa có gì để mất”, hoặc cũng có thể đang là một doanh nghiệp lớn trên thương trường nhưng họ bắt đầu với một giải pháp mới, ý tưởng mới, chiến lược và sản phẩm kinh doanh mới… Khi đó, dù bắt đầu khởi nghiệp từ đâu cũng đều phải đối mặt rủi ro nhưng bù lại là có cơ hội gặt hái thành công, thu lợi nhuận.
Môi trường khích lệ khởi nghiệp đã sẵn sàng…
Nói về tinh thần khởi nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, cho rằng, ngày nay, năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Với sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế hội nhập cùng những thách thức và cơ hội, thành bại của một cá nhân hay doanh nghiệp ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào định hướng khởi nghiệp. Mỗi ý tưởng sáng tạo ngay từ thời điểm khởi đầu đều có thể trở thành một công trình lớn trong tương lai.
Theo ông Lê Phước Vũ, để duy trì được ý tưởng khởi nghiệp không hề dễ dàng. Do đó, hơn bao giờ hết, cần một môi trường khích lệ khởi nghiệp, trong đó có những diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, chính sách hỗ trợ tạo thuận lợi cho các ý tưởng khởi nghiệp.
Liên quan đến điều này, ngày 16/10 vừa qua, tại lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021, trước đông đảo thanh niên, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khởi nghiệp càng nhiều càng minh chứng cho nền kinh tế năng động, chưa bao giờ khởi nghiệp có sự thuận lợi như bây giờ. Chính phủ đã và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp. Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược là: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Chương trình khởi nghiệp vừa là mục tiêu đột phá, vừa là phương thức phương tiện thực hiện 3 đột phá chiến lược này.
Thủ tướng cho rằng, hiện điều kiện khởi nghiệp đã sẵn sàng khi Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, bảo vệ quyền tài sản… môi trường chính trị xã hội ổn định, nước ta đang trong giai đoạn dân số vàng, tích cực tham gia các hiệp định thương mại song phương đa phương, là trung tâm sản xuất của thế giới, mở ra cơ hội và ý tưởng khởi nghiệp.
Rõ ràng, môi trường khích lệ khởi nghiệp ở Việt Nam đang được thúc đẩy. Việc hiện thực hóa tinh thần khởi nghiệp là của mỗi tổ chức, cá nhân làm chủ thể khởi nghiệp, trong đó trước hết là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên tinh thần khởi nghiệp, ông Lê Phước Vũ cho biết, “Tập đoàn Hoa Sen là công ty tăng trưởng toàn cầu, là một trong những công ty hàng đầu ở Việt Nam nhưng tôi nghĩ rằng, Tập đoàn Hoa Sen cũng đang bắt đầu khởi nghiệp. Cá nhân tôi trước đây hơn 20 năm tôi khởi nghiệp từ hơn 1 triệu đồng. Những năm vừa qua, Hoa Sen đã khởi nghiệp bởi những dự án hàng chục triệu USD, hàng trăm triệu USD và khởi nghiệp với dự án nhiều tỷ USD, với tinh thần nhằm tạo ra một doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững cạnh tranh trong hội nhập toàn cầu”.
Tinh thần không gục ngã trước thất bại
Cùng quan điểm ủng hộ thúc đẩy khởi nghiệp, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, thực tiễn chứng minh, công nghệ và sự sáng tạo sau cùng chỉ là công cụ, phương tiện để tiến lên một xã hội tốt đẹp hơn. Đối với Việt Nam hiện nay, cái thiếu nhất không hẳn là vốn, cũng không phải là công nghệ tiên tiến mà là một triết lý phát triển, một tinh thần khởi nghiệp và một nền tảng văn hóa bền vững cho sự phát triển đó.
Ý thức điều đó nên Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Hoa Sen xây dựng chương trình truyền thông “Tiến lên Việt Nam” để thúc đẩy tinh thần và văn hóa khởi nghiệp của người Việt Nam. Chương trình này nhằm mục tiêu hình thành một triết lý phát triển đất nước, trong đó nhấn mạnh văn hóa và tinh thần khởi nghiệp đóng vai trò quyết định trong công cuộc phát triển, chi phối tầm nhìn chiến lược và chính sách vĩ mô của nhà nước, hình thành một nhận thức mới mang tính thời đại. Trở thành đất nước khởi nghiệp, một địa phương, một doanh nghiệp, một doanh nhân khởi nghiệp là một trong những tiêu chuẩn mẫu mực của con người của xã hội Việt Nam hiện đại, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng, giàu mạnh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, không ít quốc gia đã dành nhiều nỗ lực để có những công ty khởi nghiệp. Ngay cả Israel, một trong những quốc gia khởi nghiệp thành công nhất thế giới, cơ hội thành công của các công ty mới khởi nghiệp là không cao. Việc bắt tay hành động và có thể thất bại là điều bình thường. Thành công là tốt, nhưng thất bại là một kinh nghiệm đáng nhớ, cũng là một hành trang. Vì vậy, rất cần xây dựng văn hóa khoan dung hay còn gọi là thất bại có tính xây dựng; cổ vũ khi một người thành công hoặc khích lệ mọi người nếu chẳng may tạm thời thất bại.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thế Kỷ, giới nghiên cứu quốc tế nhận ra một hiện tượng gọi là lưu chuyển chất xám. Theo đó, người tài sẽ ra đi và định cư ở nước ngoài rồi lại quay về cố hương bằng nhiều cách. Phần lớn thành công của Israel có được là nhờ mạng lưới kiều bào hải ngoại; cộng đồng người Hoa đóng góp tới 70% FDI vào Trung Quốc. Vì vậy, “Việt Nam cần sáng tạo hơn nữa trong việc sử dụng cộng đồng người Việt ở khắp nơi để thúc đẩy kinh tế và xây dựng đất nước; đầu tư với mục đích cá nhân nhưng với mục tiêu cho đất nước được gọi là lòng yêu nước có lợi nhuận”./.