Lãi suất cho vay cần giảm xuống mức 9-10%
(VOV)-Lãi suất cho vay cao, DN phá sản vẫn tiếp tục tăng, thu ngân sách khó khăn...
Báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4/2013 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố có đánh giá, mục tiêu tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu
UBGSTCQG phân tích: Tình hình sản xuất nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao và sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, dẫn đến hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tình hình sản xuất tăng trưởng chậm được phản ánh khá rõ nét qua chỉ số IIP 4 tháng năm 2013 tăng thấp.
Cùng với đó, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế đang gây ra những tác động tiêu cực khiến nguồn lực của doanh nghiệp dần cạn kiệt, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm, tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu (Ảnh: vietnamnet) |
“Sự suy yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ không chỉ làm gia tăng sức ép lên thu NSNN năm 2013 mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế của năm sau”- UBGSTCQG nhận định.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, theo UBGSTCQG là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu. Ngay cả đối với hoạt động xuất nhập khẩu, con số nhập siêu khoảng 1 tỷ USD trong tháng 4 cũng chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất trong thời gian tới mà chỉ mang ý nghĩa kĩ thuật do kim nghạch xuất khẩu (giảm 7,6% so với tháng 3) giảm mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu (giảm 7,6% so với tháng 3). Đáng chú ý, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm tới 20% so với tháng 3.
Không những thế, trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, cầu đầu tư cũng chỉ đạt mức thấp, kéo theo sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng đầu năm. Theo UBGSTCQG, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư so với kế hoạch đề ra là: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN chậm; Tín dụng tăng thấp.
Về tình trạng tín dụng tăng thấp, UBGSTCQG chỉ ra rằng, do lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; và tỷ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh dù huy động vẫn đạt mức tăng khá.
Theo tính toán của UBGSTCQG, những tháng đầu năm, thông qua phát hành trái phiếu, NSNN đã huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư nhằm gia tăng tổng cầu, tuy nhiên tốc độ giải ngân chậm đã khiến khả năng hỗ trợ tổng cầu từ NSNN không đạt được hiệu quả như mong đợi do còn một lượng vốn lớn chưa được giải ngân.
Trong trường hợp này, UBGSTCQG cho rằng, do đó mà tỷ lệ nợ xấu tăng cao gây tắc nghẽn nguồn vốn tín dụng ngân hàng cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN chậm đang tạo nên tác động kép gây ra hiệu ứng loại trừ đầu tư khu vực tư nhân ngoài mong muốn do nguồn vốn chủ yếu đi vào khu vực Nhà nước cho dù Chính phủ không chủ động mở rộng chính sách tài khóa.
Dựa vào những phân tích trên, UBGSTCQG cho rằng tốc độ hồi phục tổng cầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với xử lý nợ xấu. Trong khi đó, theo đánh giá của UBGSTCQG, khả năng cân đối NSNN năm 2013 sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn năm trước vì thu NSNN có xu hướng giảm trong khi nhu cầu chi vẫn tăng cao.
Vì vậy, UBGSTCQG đánh giá nếu như mục tiêu lạm phát 6-6,5% của năm 2013 nhiều khả năng đạt được thì sẽ cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013.
Cần giảm lãi suất cho vay xuống mức 9-10%
UBGSTCQG cho rằng, do lạm phát đang có xu hướng giảm và mục tiêu lạm phát 6-6,5% cả năm 2013 có khả năng đạt được nên trong những tháng còn lại của năm 2013 chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5,5% của năm 2013.
Để đạt được mục tiêu này, UBGSTCQG đề nghị: Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì cần hỗ trợ cả tổng cầu. Để mang lại hiệu quả, các giải pháp trên phải được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và tính toán sao cho đủ liều lượng. Từ nay đến cuối năm 2013 cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 02 và có cơ chế giám sát việc thực hiện để Nghị quyết thực sự được triển khai một cách sâu rộng.
Trong đó, đối với chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, kéo mặt bằng lãi suất cho vay xuống mức 9-10% nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư đẩy mạnh sản xuất; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa VAMC đi vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ khu vực xây dựng và thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, đối với chính sách tài khóa, cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh giải ngân trong 2 quý đầu năm cho những dự án đã có kế hoạch hoàn thành trong năm 2013. Hơn nữa, trong bối cảnh thu NSNN khó khăn, cần tiếp tục thực hiện quản lý chi thường xuyên tiết kiệm và hiệu quả hơn trong năm 2013 để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách./.