Lâm Đồng dừng dự án dân cư hơn 200 tỷ đồng trước sáp nhập tỉnh
VOV.VN - Tỉnh Lâm Đồng sẽ dừng dự án dân cư hơn 200 tỷ đồng trước sáp nhập tỉnh. Nội dung này được thông qua tại cuộc họp HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X tổ chức sáng nay. Đây là kỳ họp cuối cùng của mô hình HĐND 3 cấp trước khi hợp nhất với 2 tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng mới.
Kỳ họp thông qua 6 nghị quyết quan trọng, trong đó có 3 nghị quyết liên quan đến kế hoạch đầu tư công, 1 nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án, 1 nghị quyết liên quan đến quyết toán thu, chi ngân sách và 1 nghị quyết về bổ sung số lượng hợp đồng lao động chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục. Đây là những nội dung cốt lõi, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết trong cân đối, phân bổ nguồn lực, bảo đảm nhân lực và thúc đẩy triển khai hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, nghị quyết dừng chủ trương đầu tư dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư An Tôn, phường 5, thành phố Đà Lạt được nhiều cử tri quan tâm. Dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 181, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến 2026. Trong năm 2024, UBND tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch bố trí vốn 60 tỷ đồng, và đã giải ngân được 30 tỷ đồng. Nguyên nhân dừng do chủ dự án thời kỳ trước (doanh nghiệp được cấp chủ trương đầu tư từ năm 2003 đến 2022) đã thắng kiện UBND tỉnh Lâm Đồng tại Tòa án nhân dân cấp cao, khiếu kiện về quyết định hành chính của tỉnh này trong quản lý Nhà nước về đất đai.

Phát biểu kết luận kỳ họp, bà Phạm Thị Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các nội dung được xem xét, quyết nghị tại kỳ họp có ý nghĩa thiết thực, vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa tạo nền tảng cho giai đoạn chuyển tiếp, tiến đến thực hiệp sáp nhập tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

"Đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện các nghị quyết đã được thông qua, đảm bảo đúng tiến độ, không để chậm trễ trong giai đoạn chuyển giao mô hình chính quyền. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thành các đầu việc theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về tổ chức bộ máy, cán bộ, ngân sách, đầu tư công và các vấn đề an sinh xã hội trong điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính 2 cấp", bà Phạm Thị Phúc nói.