Làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho tăng tốc sản xuất phục vụ Tết
VOV.VN - Những ngày này, người dân ở Làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) bắt đầu chuẩn bị các điều kiện, vật chất để khởi động việc tăng tốc sản xuất kinh doanh phục vụ cao điểm thị trường Tết dương lịch cũng như tết cổ truyền .
Gia đình bà Lê Thị Nga tại ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho có hàng chục năm làm nghề gói bánh tét, bánh ít. Mỗi ngày, gia đình này sản xuất trên dưới 500 chiếc bánh, cung cấp cho thị trường tại thành phố Mỹ Tho. Riêng các ngày lễ, ngày rằm thì số lượng tăng lên do đơn đặt hàng nhiều hơn. Ở thời điểm này, bà Nga cũng như các hộ làm bánh phải chuẩn bị trước nguyên vật liệu để sản xuất mùa vụ Tết.
Bà Nga chia sẻ: "Bây giờ mình chuẩn bị nếp, đường đậu, lá…nhân công thì qua ngày 20 âm lịch mới cần nhiều. Bánh ít, bánh tét mấy ngày tết làm nhiều hơn ngày thường. Giá cả gần tết khi đường, đậu nếu có lên thì mình mới tính ra, báo giá bánh có lên hay không. Mình làm suốt không có nghỉ Tết".
Đối với các hộ làm nghề sản xuất bún, hủ tiếu ở làng nghề lúc này cũng bắt đầu tăng tốc do nhu cầu thị trường đang tăng. Bún, hủ tiếu là 2 mặt hàng thiết yếu mà mỗi gia đình đều sử dụng trong các bữa ăn nhất là Tết dương lịch, Tết cổ truyền nên các cơ sở sản xuất phải chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho mùa cao điểm.
Bà Lê Thị Kim Thu, chủ cơ sở sản xuất hủ tiếu tại ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong chia sẻ: “Bây giờ thì 5 giờ là làm, làm từ khâu như: người làm bột, người ra bánh, ra bánh xong đem phơi. Thời tiết nếu nắng thì xong sớm, mưa thì trễ hơn. Chuẩn bị Tết thì đã có gạo, bột mì, Tết nghỉ có 1 ngày mùng 1 vì mấy ngày Tết nhu cầu cần mà nghề này cần Tết. Mấy ngày Tết làm gấp đôi, giá thì tùy nếu gạo lên thì nó lên, lúc trước hũ tiếu có 17-18 nghìn/kg nay lên 21 nghìn đồng/kg.”
Gần đây, có nhiều cơn mưa trái mùa, nhiệt độ ban ngày giảm gây bất lợi cho nghề sản xuất hủ tiếu nhất là các cơ sở, hộ dân làm bằng thủ công khá vất vả.
Tuy vậy, giá cả các mặt hàng bánh, hủ tiếu, bún ở làng nghề Bánh - Bún - Hủ tiếu Mỹ Tho vẫn ổn định chất lượng và giá cả để giữ uy tín với khách hàng.
Làng nghề Bánh - Bún - Hủ tiếu Mỹ Tho được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận vào năm 2007. Làng nghề hiện có 22 cơ sở sản xuất bánh, bún, hủ tiếu có khoảng 100 lao động tham gia sản xuất quanh năm. Các cơ sở tập trung chủ yếu ở 2 ấp Mỹ Hòa và Hội Gia xã Mỹ Phong và một số hộ ở phường 9, TP. Mỹ Tho. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là bánh tét, bánh ít, hủ tiếu, bánh hỏi, bánh tầm, với số lượng sản phẩm bán ra khoảng 120 tấn/tháng, được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Hàng năm, các cơ sở, hộ trong làng nghề sản xuất tăng tốc mùa vụ Tết và hoạt động xuyên Tết cổ truyền để phục vụ nhu cầu của người dân vui Xuân, đón Tết. Ông Trương Văn Thuận, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất Hủ tiếu Mỹ Phong nói: “Tết thì sôi động hơn ngày thường, bây giờ chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất Tết. Tết thì hàng có tăng hơn gấp 1,5 lần so ngày thường, giá thì cũng vậy chứ mình không tăng, giữ giá bình ổn. Mình làm do kinh nghiệm thôi, chọn kỹ nguyên liệu, thời tiết tốt thì bánh đạt chất lượng thôi. Ở đây có 8 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở áp dụng công nghệ mới làm bánh ra không phải phơi nắng nên giảm chi phí”.
Sản xuất bánh, bún, hủ tiếu là nghề truyền thống của người dân Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Qua bao thăng trầm, thay đổi của cuộc sống nhưng nghề này vẫn tồn tại và gắn bó với nhiều hộ dân trên bước đường mưu sinh. Người dân làng nghề luôn phát huy bàn tay khéo léo, góp phần bảo tồn, lưu truyền được những giá trị văn hóa ẩm thực mang tính đặc trưng, thấm đậm hồn quê.