Mùa xuân trên vùng chuyên canh tôm - lúa ở Sóc Trăng

VOV.VN - Mô hình luân canh tôm – lúa đã và đang khẳng định về tính bền vững và ổn định về mặt sản xuất lẫn hiệu quả kinh tế tại tỉnh Sóc Trăng.

Dưới cái nắng ấm áp của những ngày đầu xuân, ông Trần Văn Tiến  hàng ngày đều ra thăm đồng lúa của gia đình. Phía trên là ruộng lúa ST24 đã ngả màu vàng chắc nịch, cong oằn, ngả đầu vào nhau, bên dưới là những con tôm càng xanh đã lớn bằng ngón tay trên ruộng lúa rộng 4.000m2. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nên lúa và tôm đều phát triển rất tốt.

Ông Tiến tính toán, vụ này ông thu về lúa sạch khoảng 500kg/công; trong khi tôm càng xanh sẽ cho thu nhập sau tết. Sau đó đến khoảng tháng 4, ông sẽ đưa nước mặn vào luân canh một vụ tôm. Ông Tiến cũng là một trong những hộ gắn bó với mô hình tôm - lúa từ lúc mới bắt đầu hình thành. Nhờ mô hình này, mà gia đình ông luôn có thu nhập ổn định.

 “Tại ấp Hòa Đê này thì  làm 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, cho bền vững. Làm tôm xong tôi  xả nước cho sạch phèn hết rồi mới trồng lúa. Mình phải xen canh, vùng này có 6 tháng mặn, 6 tháng ngọt. Nước ngọt khoảng tháng 8 là xạ lúa”, ông Tiến nói.

Luân canh tôm  - lúa là mô hình sản xuất bền vững.

Vùng đất Mỹ Xuyên có vị trí thật đặc biệt. 6 xã của huyện gồm Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Ngọc Tố, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2 sẽ có 6 tháng mặn và 6 tháng ngọt. Bà con ở đây cứ thuận theo tự nhiên mà làm nông nghiệp. Mùa khô, khi nước từ biển chảy vào, bà con sẽ đưa mặn vào nuôi tôm. Ngược lại, mùa mưa, khi nguồn nước trời dồi dào, kết hợp đổ về từ thượng nguồn, bà con lại nước đưa vào rửa phèn, mặn để canh tác lúa. Cứ thế, mô hình luân canh tôm - lúa luôn vững vàng từ năm này qua năm khác.

Ông Tạ Minh Bạch, ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 cho biết, ông có 6.000m2 làm mô hình luân canh tôm - lúa. Theo đó, mỗi vụ nuôi tôm, ông thu về hơn 1,5 tấn tôm hàng hóa, trong khi cây lúa cũng thu về trung bình khoảng 500kg/công. Ông Bạch nhận định, đây là mô hình sản xuất ăn chắc và rất bền vững, nhất là trước những thách thức của biến đổi khí hậu như hiện nay nên ông sẽ tiếp tục gắn bó trong thời gian tới. 

“Làm mô hình tôm - lúa này lợi nhuận không lớn nhưng lại bền hơn. Tôm cũng có lãi mà lúa mình cũng có ăn. Bền vững là trồng một vụ tôm, rồi lại trồng một vụ lúa. Khi trồng lúa sẽ giúp cải tạo lại môi trường sạch, trong khi chất, phân tôm thì làm cho lúa tốt”, ông Tạ Minh Bạch chia sẻ.

Mô hình lúa - tôm càng xanh.

Vùng chuyên canh tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên đã hình thành và phát triển đến nay hơn 20 năm. Theo đó, có khoảng 10.000 ha được người dân duy trì sản xuất hàng năm, nuôi từ 1 - 2 vụ tôm và trồng luân canh một vụ lúa. Trong những năm qua, để tăng lợi nhuận, giá trị mô hình tôm - lúa, bà con đã sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, đưa những giống lúa có giá trị kinh tế cao vào canh tác. Đến nay, đã có 2 hợp tác xã nuôi tôm đạt chứng nhận VietGAP, riêng lúa thì có khoảng 60ha đạt chứng nhận hữu cơ.

Bên cạnh đó, bà con còn phát triển thêm mô hình kinh tế phụ trên vùng chuyên canh tôm - lúa, như: trồng màu trên bờ bao, chăn nuôi bò, dê, nuôi tôm càng xanh, cá nước ngọt xen canh với lúa,… góp phần tăng thu nhập và giá trị sản xuất.

Ông Tăng Thanh Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Mô hình tôm - lúa này rất thân thiện với môi trường. Sau vụ tôm thì mình trồng lại lúa, chất thải của tôm sẽ là nguồn phân bón cho lúa sử dụng, còn ngược lại, lúa sẽ làm sạch môi trường ao nuôi tôm, góp phần cho vụ tôm năm sau sẽ dễ thành công hơn. Ngoài ra khi luân canh tôm lúa sẽ giúp cắt đứt mầm bệnh, vụ tôm nuôi tiếp theo mầm bệnh sẽ ít hơn”.

Trong những năm qua, sản lượng nuôi tôm của huyện Mỹ Xuyên không ngừng tăng dần qua từng năm, nếu năm 2015 chỉ là hơn 30.000 tấn thì năm 2018 đã tăng lên 33.600 tấn. Song, đáng phấn khởi hơn cả là tỷ lệ tôm bị thiệt hại giảm mạnh, niên vụ tôm 2019, chỉ có khoảng 8% diện tích tôm bị thiệt hại. Nhờ mô hình sản xuất thông minh, việc trồng lúa trên nền tôm đã giúp cải tạo môi trường sinh thái để tôm phát triển bền vững. Bên cạnh đó, bà con ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên hiệu quả kinh tế mang lại hiệu quả cao.  

Con tôm cũng phát triển tốt.

Hiện nay, Mỹ Xuyên đang xây dựng đề án “lúa thơm tôm sạch”, đặc biệt huyện Mỹ Xuyên sẽ khai thác và đưa những dòng lúa ST đặc sản của tỉnh, nhất là ST25, vừa được công nhận gạo ngon nhất thế giới để bà con canh tác. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đang xây dựng tuyến đường trục từ trung tâm thành phố Sóc Trăng về vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa của Mỹ Xuyên, với kinh phí gần 1.200 tỷ đồng, điều này sẽ góp phần đưa kinh tế - xã hội của 6 xã vùng luân canh tôm - lúa ngày càng phát triển, có điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho vùng hòa nhập vào sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Xuyên nhấn mạnh: “Trong năm vừa qua, dòng lúa ST25 của kỹ sư, anh hùng lao động Hồ Quang Cua  được thế giới công nhận là gạo ngon nhất thế giới, vậy tại sao chúng ta không quy hoạch vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên sản xuất bằng giống lúa ST25, để là vùng nguyên liệu luôn. 10.000 này nếu chỉ sản xuất lúa ST25 thì ai cũng mong muốn và kỳ vọng. Nếu mà chúng ta tác động một cách cụ thể bằng chủ trương, chính sách, bằng định hướng đến với bà con thì vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên sẽ phát triển vươn lên”.

Nếu như mới tái lập tỉnh năm 1992, muốn về 6 xã của vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên là một chặng đường đầy vất vả, thậm chí là ngồi đò cả buổi trời mới tới nơi. Bây giờ, có thể đi xe 2 bánh, 4 bánh theo tuyến Dù Tho, Quốc lộ 1A rẽ vào đường Tỉnh 940 rộng thênh thang. Thích nhất là vẫn đi qua những tuyến đường dal uốn lượn qua những cánh đồng lúa, vuông tôm, những ngôi nhà tường mới được xây dựng lên từ lợi nhuận của con tôm, cây lúa.

Vào những ngày cuối năm, về vùng tôm - lúa như được hòa mình vào khung cảnh nhộn nhịp của mùa tôm ôm cây lúa, nghe bà con kể về câu chuyện làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên, nông nghiệp sạch hay câu chuyện làm giàu từ con tôm, cây lúa… chúng tôi mới cảm nhận được, vì sao huyện Mỹ Xuyên nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung rất tâm huyết giữ vững và phát huy mô hình sản xuất độc đáo, được nhà khoa học đánh giá là một trong những mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mô hình lúa - tôm đang phải đối diện với nhiều thách thức
Mô hình lúa - tôm đang phải đối diện với nhiều thách thức

VOV.VN - Biến đổi khí hậu cùng cơ sở hạ tầng chưa kịp đáp ứng khiến mô hình nuôi tôm trên đất lúa đối diện với việc giảm diện tích và phát triển kém bền vững.

Mô hình lúa - tôm đang phải đối diện với nhiều thách thức

Mô hình lúa - tôm đang phải đối diện với nhiều thách thức

VOV.VN - Biến đổi khí hậu cùng cơ sở hạ tầng chưa kịp đáp ứng khiến mô hình nuôi tôm trên đất lúa đối diện với việc giảm diện tích và phát triển kém bền vững.

Mô hình canh tác lúa - tôm cần hướng đến tính bền vững
Mô hình canh tác lúa - tôm cần hướng đến tính bền vững

VOV.VN - Việc khai thác và phát huy sản xuất lúa – tôm tại ĐBSCL cần được tiếp tục thực hiện với những định hướng rõ rệt hơn.

Mô hình canh tác lúa - tôm cần hướng đến tính bền vững

Mô hình canh tác lúa - tôm cần hướng đến tính bền vững

VOV.VN - Việc khai thác và phát huy sản xuất lúa – tôm tại ĐBSCL cần được tiếp tục thực hiện với những định hướng rõ rệt hơn.

Mô hình lúa – tôm ở Cà Mau cho hiệu quả kinh tế cao
Mô hình lúa – tôm ở Cà Mau cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Mô hình lúa – tôm đang giúp người dân Cà Mau có thu nhập khoảng 60 – 70 triệu đồng/ha/năm, cao hơn khoảng 30% so với trước đây.

Mô hình lúa – tôm ở Cà Mau cho hiệu quả kinh tế cao

Mô hình lúa – tôm ở Cà Mau cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Mô hình lúa – tôm đang giúp người dân Cà Mau có thu nhập khoảng 60 – 70 triệu đồng/ha/năm, cao hơn khoảng 30% so với trước đây.