Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP - Chuyên gia kinh tế Việt nói gì?
VOV.VN - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng TPP vẫn còn “cơ hội” vì “Mỹ là thành viên đứng đầu nhưng không phải tất cả”.
Hiệp định TPP được 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới ký kết. Đây được xem là một bước đi quan trọng trong chiến lược của Tổng thống Barack Obama nhằm củng cố sức ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á. Chính quyền của ông Obama hi vọng, TPP ra đời sẽ giúp thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và 11 quốc gia khác tại khu vực Thái Bình Dương.
Việt Nam được cho là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Do thuế quan với một số mặt hàng xuất khẩu chủ đạo sẽ được xóa bỏ khi vào thị trường Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. |
Lý do của việc này là để bảo vệ công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Ông Trump nói rằng, ông thích tự do thương mại, nhưng các hiệp định hiện tại đã không được đàm phán công bằng và không phục vụ lợi ích của Mỹ.
Bình luận về sự kiện này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết ông không bất ngờ trước việc ông Trump rút Mỹ khỏi TPP vì ngay từ khi tranh cử ông Trump đã phê phán TPP và nói sẽ thực hiện điều này nếu đắc cử. Đánh giá cao vai trò “đầu tàu” của Mỹ trong TPP, nhưng ông Bùi Kiến Thành nói rằng việc không có Mỹ cũng không phải là TPP đã bị vô hiệu hoá.
“Mỹ là thành viên quan trọng, đứng đầu nhưng không phải tất cả,” chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói. “Bước tiếp theo, các quốc gia tham gia TPP phải ngồi lại, đánh giá tiềm năng hợp tác tiếp theo như thế nào nếu không có Mỹ,” ông Bùi Kiến Thành nói thêm.
Bình luận về phát ngôn của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, hồi tháng 11/2016, tại Argentina rằng “TPP sẽ trở nên ‘vô nghĩa’ nếu không có Mỹ”, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng “TPP vẫn còn nhiều cơ hội”.
“Vô nghĩa thì không hẳn, đó chỉ là một cách nói thôi. Nếu các nước khác quyết tâm thúc đẩy TPP thì vẫn còn cơ hội, bởi TPP không có Mỹ vẫn còn Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand, Singapore.. là các nền kinh tế tương đối phát triển” – ông Bùi Kiến Thành nêu quan điểm.
Vẫn theo ông Bùi Kiến Thành, câu hỏi đặt ra và cần sớm có lời giải là các nước cần hoạch định chiến lược phát triển tiếp theo khi không có Mỹ sẽ như thế nào? Hay phải tìm cách kéo Mỹ trở lại?
Trong một diễn biến khác, liên quan đến việc Trung Quốc đang xúc tiến tiến tới thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để vươn lên vị trí quốc gia đầu tàu trong việc lãnh đạo một khu vực giao thương tự do lớn hơn và nhiều tham vọng hơn trong tương lai.
Trả lời câu hỏi liệu “Trung Quốc có thể lấp đầy các khoảng trống tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Mỹ đang rút dần ảnh hưởng của mình?”, ông Bùi Kiến Thành nói: “Trung Quốc có thể có ý tưởng xây dựng cộng đồng trong đó Trung Quốc đứng vai trò lãnh đạo, nhưng là không phải phương án giống như là của Mỹ”.
Vị chuyên gia dày dặn kinh nghiệm này cho hay “cần phải xem Trung Quốc có chủ trương chính sách như thế nào, lợi ích các quốc gia tham gia, phải theo dõi và có sự thương thảo.”
Trước câu hỏi “Việt Nam ứng phó thế nào khi Mỹ rút khỏi TPP?”, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, đối với Việt Nam thị trường Mỹ là thị trường rất lớn, có thể nói là thứ nhì sau Trung Quốc. Thị trường Mỹ là thị trường rất tăng tiến và còn tiềm năng phát triển.
“Tuy nhiên, TPP dù không có Mỹ thì chúng ta vẫn phải tìm cách mà phát triển, sự hợp tác với nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra không có TPP chúng ta vẫn có các hiệp định song phương khác, tuỳ theo sức khoẻ của nền kinh tế, các lãnh đạo và các doanh nghiệp nên cùng ngồi lại đánh giá khả năng phát triển thị trường trong bối cảnh mới,” chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định./.