Ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn
VOV.VN - Năm 2015, Cảnh sát môi trường đã phát hiện 3.365 vụ sản xuất, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn, nhiều nhất là ở Hà Nội và TP HCM.
Càng gần Tết, lực lượng chức năng càng bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ thực phẩm bẩn. Điều đó cho thấy, chuyện “thực phẩm bẩn bủa vây người tiêu dùng” mà có vị đại biểu Quốc hội từng nêu trên nghị trường là có cơ sở; đồng thời cũng báo động về đạo đức kinh doanh của một số người khi chỉ vì lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe con người.
Cuối năm, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển nội tạng đã trương sình, chân trâu bò thối, lợn sữa, gà không rõ nguồn gốc, sản xuất mì chính giả, dấm ăn, thịt hộp, tương ớt… quá hạn sử dụng đi tiệu thụ.
Cùng với đó là thông tin về rau muống tưới bằng nhớt thải, thịt heo có chất tạo nạc, thủy sản có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, đang làm dấy lên nỗi lo cho người tiêu dùng.
Bộ Công an cho biết, trong năm 2015, Cảnh sát môi trường cả nước phát hiện 3.365 vụ sản xuất, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm bẩn, nhiều nhất là ở 2 thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có cửa khẩu như Lạng Sơn, Quảng Ninh… Điều đó cho thấy, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động đỏ. Chuyện“Thực phẩm bẩn bủa vây người tiêu dùng” như một vị đại biểu Quốc hội từng nêu tại nghị trường cuối năm rồi là hoàn toàn có cơ sở.
Bắt giữ một lô thực phẩm bẩn (Ảnh minh họa: Internet) |
Ra chợ hay vào nhà hàng, người tiêu dùng thật khó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Càng bắt mắt, càng thơm tho thì có khi lại càng độc hại, trong khi hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm mới chỉ phát hiện được khoảng 30% số hóa chất nguy hại, trong tổng số hơn 2.000 hóa chất bảo vệ thực phẩm.
Điều đáng nói là không phải đến bây giờ người ta mới biết chúng ta đang bị đầu độc trong từng bữa ăn. Bởi cách nay hơn 3 năm, báo chí từng thông tin tình trạng người nuôi lợn sử dụng chất salbutamol để tạo nạc. Thế nhưng, biết rồi để đấy, salbutamol vẫn được nhập khẩu dưới danh nghĩa phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc điều trị hen suyễn. Bộ Y tế thừa biết salbutamol là chất độc chết người, nhưng lai chưa có sự cảnh báo cần thiết.
Salbutamol ở đâu ra? Đó là câu hỏi khó trả lời, nếu không có sự dũng cảm của một thanh tra Bộ NN- PTNT dám nói ra hồi tháng 12 vừa rồi. Bộ Y tế khẳng định chỉ cấp phép nhập 3,5 tấn salbutamol để sản xuất thuốc. Thế nhưng Tổng cục Hải quan lại cho biết chỉ 9 tháng của năm 2015 đã có 4,6 tấn salbutamol, cùng với 1,9 triệu bao tân dược có chứa salbutamol được nhập về. Sự chênh lệch khủng khiếp đó cho thấy công tác hậu kiểm lâu nay đã bị bỏ ngỏ.
Nông dân có thể vì hám lợi mà tặc lưỡi sử dụng chất tạo nạc để chăn nuôi. Nhưng liệu có thấm tháp gì so với cái lợi của những kẻ cấp phép, nhập khẩu thứ thuốc độc hại đó về bán cho họ. Người chăn nuôi vừa là kẻ thủ ác, cũng vừa là nạn nhân của những “con buôn máu lạnh” và những nhà quản lý vô cảm.
Ông bà ta thường nói: “Bệnh từ miệng mà vào” quả không sai. Ăn phải thực phẩm bẩn, trước mắt là ngộ độc, lâu dài có thể đối mặt với những căn bệnh mãn tính, gây đột biến gene, ung thư. Ngành Y tế cho biết: nếu như 5 năm trước, số người mắc bệnh ung thư khoảng 75.000 - 100.000 ca/năm thì nay đã lên tới 130.000 - 160.000 ca. Ước tính đến năm 2020, con số này sẽ là 200.000 ca. Hậu quả nhãn tiền là mỗi năm, hơn một nửa số ca ung thư đã chết. Ngày càng có nhiều “làng ung thư” bị phát hiện; nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra từ đơn lẻ, đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm người mắc ở các trường học, công ty, xí nghiệp.
Để bảo vệ chính mình, người dân không có cách nào khác là phải trang bị kiến thức về thực phẩm an toàn, mua thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, chí ít cũng nên mua ở cửa hàng quen. Phân biệt thực phẩm có màu sắc, mùi vị bất thường, không mua thực phẩm quá hạn.
Cơ quan chức năng cần coi tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc là một thứ tệ nạn, một loại tội phạm không thể dung thứ mà đấu tranh quyết liệt cùng những chế tài nghiêm khắc, thậm chí là truy tố trước pháp luật. Các đoàn thể quần chúng, dư luận xã hội cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa trong việc lên án, tố cáo những đối tượng có hành vi vô đạo đức, vì lợi nhuận mà bất chấp mạng sống người dân khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn./.