Ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL hướng đến kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải
VOV.VN - Diện tích nuôi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay khoảng 6.000 ha với sản lượng trên 1,5 triệu tấn và là một trong trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phục vụ xuất khẩu. Năm 2022 xuất khẩu của ngành hàng cá tra của Việt Nam đã đạt hơn 2,4 tỷ USD và có mặt tại 140 thị trường trên thế giới.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL đang hướng đến sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến, bảo quản và vận chuyển nhằm nâng cao giá trị kinh tế bền vững của ngành hàng giá trị tỷ USD của vùng ĐBSCL.
Cá tra vùng ĐBSCL được nuôi chủ yếu tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre. Hiện nay, các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi tập trung, áp dụng các tiêu chuẩn nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Mỗi năm ngành hàng cá tra mang về giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, cá tra được nuôi chủ yếu ở vùng ĐBSCL và nuôi thâm canh trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp, quy trình nuôi và quản lý được kiểm soát chặt chẽ theo các quy định và tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa tận thu được những phụ phẩm từ cá tra để chế biến sâu, làm tăng ô nhiễm nguồn nước và tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, vùng nuôi cá tra chưa tập trung, quy mô nhỏ lẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi không đồng bộ để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Cũng theo bà Phạm Thị Thu Hồng, nếu phát triển như hiện nay chỉ chú trọng phát triển về diện tích và lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề môi trường sẽ là cản trở lớn cho việc phát triển nghề nuôi và xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. Vì vậy, các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi đồng bộ, tiến tới hình thành những vùng sản xuất cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhân rộng mô hình nuôi cá tra theo hướng tuần hoàn, tận dụng bùn thải thu hồi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để ngành cá tra phát triển bền vững cần chú trọng đến bảo vệ môi trường; nghiên cứu đưa ra các giải pháp xử lý chất thải phát sinh trong quá trình nuôi, chế biến cá tra; ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm giảm chi phí nuôi, giảm phát thải ra môi trường, tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng cá tra.
Bà Phạm Thị Thu Hồng đề xuất: “Ngành hàng cá tra chúng ta cần phải có một chiến lược hoạch định bền vững, trong đó quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường đặc biệt là đưa ra những nghiên cứu, những giải pháp phù hợp, tính thực tiễn cao để giảm thiểu phát thải ra môi trường nhiều nhất”.
Ngành hàng cá tra đã rộng cửa vào các thị trường khó tính và đang khai thác tốt các lợi thế từ các hiệp định tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, trước những thách thức và yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường thì doanh nghiệp cần nâng cao hình ảnh, tạo niềm tin với các đối tác, khách hàng để tiếp tục đưa chuỗi ngành hàng vào các thị trường mới có yêu cầu cao.
Trong đó, cần phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm ngành hàng và áp dụng công nghệ sản xuất sạch góp phần bảo vệ môi trường; Xây dựng hệ thống thu gom và quy trình công nghệ xử lý nước thải ao nuôi cá tra theo hướng tái sử dụng phục vụ cho vùng nuôi để nâng tầm doanh nghiệp, góp phần đưa ngành thủy sản phát triển bền vững.
Theo TS. Huỳnh Văn Hiền, Trường Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ, giảm phát thải carbon là mục tiêu toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Vì vậy, để hướng tới sản xuất cá tra theo kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải cần phải tập trung vào chất lượng con giống, khâu nuôi, khâu chế biến để giảm chi phí trong mô hình tuần hoàn. Ngoài ra, cần sản xuất có trách nhiệm để hướng tới nền kinh tế xanh toàn cầu và sản phẩm làm ra thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất tới tiêu thụ.
“Hiện nay chúng ta đang xây dựng một lộ trình áp dụng kinh tế tuần hoàn và đang tham gia vào quá trình sản xuất có trách nhiệm, giảm phát thải trong quá trình sản xuất” - TS. Huỳnh Văn Hiền nói.
Cần Thơ đang đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, BMP, VietGAP nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Diện tích nuôi cá tra của Cần Thơ khoảng 700 ha với sản lượng khoảng 180.000 tấn. Tuy nhiên, lượng bùn thải và phụ phẩm trong chế biến thủy sản chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp chế biến đã tận dụng các phụ phẩm từ cá làm thức ăn chăn nuôi để gia tăng giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi và chế biến cá tra. Vì vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ gia tăng hiệu quả kinh tế, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tính bền vững lâu dài, giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn; việc gắn kết các bên nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn là thách thức lớn nên cần sự phối hợp, chia sẻ gắn với lợi ích kinh tế.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ nhìn nhận, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi nhằm giải quyết từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải. Hiện đã có nhiều nghiên cứu nhằm khép kín chuỗi sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường như sử dụng nước thải nuôi cá tra cho canh tác lúa hay nuôi tảo sinh khối; sử dụng bùn thải làm phân bón cho cây trồng.
Qua đó, sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ ngành công nghiệp chế biến cá tra. Để thực hiện được mục tiêu cần hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết chuỗi ngành hàng để đưa công nghệ vào sản xuất trong phát triển kinh tế tuần hoàn.
“Tận dụng sản phẩm, phụ phẩm trong chế biến cá tra đó là một trong những nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm của cá tra, giúp cho người nuôi và chế biến có thêm thu nhập, điều này cũng giúp giảm tiêu cực đến môi trường từ ngành công nghiệp chế biến cá tra. Sử dụng bột cá thay thế cá biển trong nuôi trồng sẽ góp phần giảm bớt áp lực về chi phí, thức ăn cho người nuôi trồng, tăng cường mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thực phẩm” - bà Nguyễn Thị Lệ Hoa nói.
Chuỗi ngành hàng cá tra đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngành hàng cá tra hiện vẫn đang còn một số tồn tại, hạn chế trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý môi trường, mối liên kết, tiêu thụ cần được cải thiện. Trước những thách thức, ngành hàng cá tra cần phải tổ chức lại sản xuất, quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, đầu ra để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Nhóm đối tác công tư về Thủy sản được thành lập từ năm 2020. Đến năm 2022, Tổng Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định phê duyệt thành lập 6 tiểu nhóm, trong đó có ngành hàng cá tra. Đối tác công tư Thủy sản dựa trên cơ sở tự nguyện, bền vững giữa khối tư nhân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm thủy sản và khối công (nhà nước) gồm các cơ quan, tổ chức quản lý, đơn vị sự nghiệp của nhà nước liên quan.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, để phát triển bền vững chuỗi cá tra theo hướng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thì hợp tác công tư là một cách tiếp cận tốt, do có khả năng kết nối một cách bình đẳng, phù hợp theo năng lực và nhu cầu của tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý từ Trung ương đến các doanh nghiệp liên quan trong toàn chuỗi, kết nối các nhà khoa học, nghiên cứu cùng tham gia vào nghiên cứu, thực hiện. Khi ngành hàng cá tra định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là cơ sở đưa ra những giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
“Qua đối tác công tư chúng ta thấy rằng các nghiên cứu khoa học cũng đang tập trung vào đổi mới khoa học công nghệ để giúp cho chúng ta tăng cao năng suất, hiệu quả, giảm thiệt hại. Chúng ta đang tập trung rất nhiều nghiên cứu đó là những phụ phẩm mà trước đây chúng ta sử dụng chưa hiệu quả thì bây giờ nghiên cứu để sử dụng tốt hơn những phụ phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta cải tiến quy trình chính trong sản xuất giống, trong nuôi, trong thu mua, trong chế biến thì việc khai thác hiệu quả các phụ phẩm với những công nghệ phù hợp giúp rất nhiều giảm phát thải” - ông Trần Đình Luân nói.
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết và xu hướng toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó việc xác định đóng góp giảm phát thải là một trong những nỗ lực đang được thực hiện. Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng cá tra gắn với việc giảm phát thải thì cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công tư nhằm phát huy các sáng kiến, cách làm hay trong phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải.
Đồng thời, cũng phải nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến các khâu sản xuất giống, nuôi trồng, thu mua và chế biến nhằm tăng năng suất và tận dụng các phụ phẩm để tạo ra giá trị gia tăng, giảm phát thải trong chuỗi ngành hàng cá tra.