Nguy cơ từ ICOR tăng vọt!

Có thể coi hệ số ICOR cao là tiếng chuông cảnh báo để Chính phủ có sự điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp và điều chỉnh kịp thời. Gói kích cầu thứ 2 đã được thông qua cũng đặt ra yêu cầu phải đảm bảo hiệu quả đầu tư cao nhất, tránh nguy cơ lạm phát cao trở lại.

Thông qua gói kích thích thứ 2 là một quyết định hợp lý của Chính phủ nhằm giúp nền kinh tế tiếp tục khôi phục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, làm sao đảm bảo được đồng vốn đầu tư của Nhà nước nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng đạt được hiệu quả cao nhất, là một câu hỏi không dễ giải một sớm, một chiều.

Trên diễn đàn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 12, rất nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn) do Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố. ICOR năm 2009 bằng 8 là mức cao nhất từ trước tới nay. Điều này cũng có nghĩa là hiệu quả đầu tư đạt thấp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Trong kinh tế học, hệ số ICOR được tính toán làm cơ sở tham chiếu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trong ngắn hạn (theo quý, nửa năm hoặc một năm). ICOR giúp các nhà lập kế hoạch tăng trưởng kinh tế xác định để kinh tế kỳ này cứ tăng 1% so với kỳ trước thì cần tăng vốn đầu tư trong kỳ này lên bao nhiêu phần trăm so với kỳ trước.

Hệ số ICOR còn được sử dụng để so sánh vai trò của vốn với các yếu tố tăng trưởng khác như: công nghệ, hoặc so sánh hiệu quả sử dụng vốn (hay hiệu quả đầu tư) giữa các thời kỳ hoặc giữa các nền kinh tế. Hệ ICOR cao hơn chứng tỏ thời kỳ đó hoặc nền kinh tế đó sử dụng vốn kém hơn.

Với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, theo khuyến cáo của các định chế tài chính có uy tín như Ngân hàng Thế giới, ICOR ở mức 3 là đầu tư có hiệu quả và nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững.

Theo con số thống kê qua từng giai đoạn, từ năm 1995, hệ số ICOR của Việt Nam liên tục tăng: từ mức 3,5 giai đoạn 1991 – 1995, tăng đến 5,24 giai đoạn 2001 – 2003. Năm 2008, hệ số ICOR của nền kinh tế là 6,6 – đã gấp hơn 2 lần mức khuyến nghị, và đến năm nay, ICOR lại leo lên con số 8. Nói nôm na là phải bỏ ra 8 đồng vốn đầu tư mới được một đồng tăng trưởng!

Hệ số ICOR cao chứng tỏ tăng trưởng kinh tế không dựa nhiều vào yếu tố công nghệ. So sánh với các nước trong khu vực, ICOR của Việt Nam gần gấp đôi, có nghĩa là hiệu suất đầu tư của nước ta chỉ bằng một nửa.

Một số chuyên gia kinh tế ví von việc này cũng giống như một lực sĩ cử tạ phải tốn sức gấp đôi mới nâng được quả tạ cùng cân mục-tiêu-tăng-trưởng. Tính cạnh tranh của nền kinh tế, vì vậy mà cũng bị giảm đi. ICOR cao phản ánh hiệu quả đầu tư ngày càng thấp đi.

Điều đáng nói ở khu vực đầu tư công, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước, thành phần chủ đạo của nền kinh tế, thì hệ số ICOR lại cao vọt. Nếu hệ số ICOR chung của nền kinh tế là 8, ICOR của khu vực kinh tế Nhà nước lên tới 12.

Trước tình hình này, chính phủ đã có những động thái quyết liệt, buộc các ngành, địa phương rà soát lại các dự án đầu tư công, siết chặt việc rót vốn để tăng hiệu quả đầu tư. Nhưng vài tháng trở lại đây, khu vực này lại được đầu tư một lượng vốn rất lớn. Chỉ riêng 8 tháng của năm 2009, tổng số vốn chi cho đầu tư công đã tương đương với cả năm 2008.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, tổng vốn đầu tư phát triển cho cả năm chiếm gần 43% GDP. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt khoảng 161 ngàn tỷ đồng, tăng tới 63% so với thực hiện năm 2008 và tăng 42,7% so với kế hoạch năm.

Một khía cạnh khác của việc tăng đầu tư, theo quy luật, khi đầu tư của một quốc gia tăng trưởng mạnh, sẽ đưa nhiều tiền vào lưu thông. Tuy nhiên khi đầu tư không hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm, hiệu quả kinh tế của các dự án thấp cũng đồng nghĩa với việc sinh lợi thấp, giá trị của đồng tiền giảm, nguy cơ lạm phát cao tiềm ẩn khi hệ số ICOR tăng mạnh.

Có thể coi hệ số ICOR cao chính là tiếng chuông cảnh báo để Chính phủ có sự điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp và điều chỉnh kịp thời. Gói kích cầu thứ 2 đã được thông qua cũng đặt ra yêu cầu phải đảm bảo hiệu quả đầu tư cao nhất, tránh nguy cơ lạm phát cao trở lại. Tái cấu trúc nền kinh tế, mà trước hết là tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp Nhà nước để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, chính là ưu tiên vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên