Nhiều doanh nghiệp sụt giảm niềm tin kinh doanh vì Covid-19
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu đã tác động tiêu cực không chỉ tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam năm vừa qua, mà còn kéo theo sự sụt giảm mạnh niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hơn 87% DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 cho thấy, dịch Covid -19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) trên diện rộng. Hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, hoạt động của họ trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của dịch là “hoàn toàn tiêu cực” lần lượt là 15% với doanh nghiệp tư nhân trong nước và 13% với doanh nghiệp FDI. Chỉ có 2% doanh nghiệp, trong đó chưa đến 1% là doanh nghiệp FDI, đánh giá Covid -19 có ảnh hưởng “tích cực” trong khi khoảng 11% trong mỗi nhóm nhận định “không bị ảnh hưởng gì”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thị trường nội địa bị thu hẹp và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp. Với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, chủ yếu hoạt động trong ngành bán buôn/bán lẻ và các ngành dịch vụ khác, các thách thức lớn nhất đến từ việc thị trường nội địa bị thu nhỏ, dẫn đến dòng tiền của doanh nghiệp bị sụt giảm (47%) và lượng khách hàng nội địa sụt giảm do khó tiếp cận (44%). Khối doanh nghiệp FDI chủ yếu gặp các khó khăn liên quan đến tiếp cận các thị trường quốc tế (50%), sụt giảm dòng tiền (42%) và gián đoạn các chuỗi cung ứng (42%).
“Covid-19 đã ảnh hưởng hết sức nặng nề đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Rất nhiều ngành nghề từ dệt may, du lịch cho đến hàng không, vận tải… ở trên các địa bàn của cả nước đều bị sụt giảm doanh thu so với năm trước. 30% doanh nghiệp cho biết họ phải sa thải lao động - đây là tỷ lệ rất cao, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của DN”, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.
Theo Trưởng Ban Pháp chế VCCI, tác động tiêu cực về mặt kinh tế ở các lĩnh vực ngành nghề là khác nhau. Các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành thông tin, truyền thông và sản xuất máy tính, thiết bị điện tử, xe có động cơ, sản xuất đồ da, may mặc bị ảnh hưởng nặng nhất về doanh thu và lao động. Ở đầu bên kia, bất động sản và tài chính là hai ngành vượt qua khủng hoảng hiệu quả hơn. Sự ứng phó của doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao đặc biệt quan trọng, bởi đây là các ngành kinh tế được coi là chủ chốt trong chính sách đầu tư bền vững của Việt Nam.
“Tác động của Covid -19 đối với doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu của các doanh nghiệp năm 2020 thấp hơn đáng kể, khi người tiêu dùng phải hạn chế ra khỏi nhà để bảo vệ sức khỏe hoặc tuân thủ giãn cách xã hội. Gần 66% doanh nghiệp tư nhân trong nước và gần 62% doanh nghiệp FDI báo cáo sụt giảm doanh thu năm 2020; tính trung bình, doanh thu của doanh nghiệp giảm khoảng một phần ba so với năm 2019”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Niềm tin kinh doanh sụt giảm mạnh
Đại dịch Covid -19 trên quy mô toàn cầu đã tác động tiêu cực không chỉ tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam năm vừa qua, mà còn kéo theo sự sụt giảm mạnh niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp.
Quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, giảm đáng kể so với mức 51% của năm 2019. Đây là mức thấp thứ 3 kể từ năm 2006, khi điều tra PCI bắt đầu được tiến hành trên quy mô cả nước. Con số này chỉ cao hơn mốc đáy của những năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.
“Trong điều tra PCI 2020, có tới 13% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa - đây mức cao nhất trong 15 năm VCCI tiến hành điều tra PCI tại toàn bộ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam”, Giám đốc Dự án PCI nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có thể thấy được mức độ thích ứng của DN là tương đối tốt. Hiện nay, các doanh nghiệp đang có những giải pháp đối phó với dịch bệnh trước mắt cũng như những giải pháp dài hạn, như: thay đổi, đa dạng hóa nguồn cung ra thị trường, chuyển đổi số…
Theo Giám đốc Dự án PCI, hiệu quả, mức độ phản ứng chính sách, tốc độ đưa ra chính sách của Việt Nam là tốt nhưng hiệu quả trên thực tế của từng chính sách lại khác nhau. Có những chính sách đi vào cuộc sống nhanh, mức độ dễ tiếp cận và hiệu quả đối với DN cao như giãn thuế, giảm tiền thuê đất, nhưng nhóm chính sách vay vốn, hạ lãi suất hay vay vốn để trả lương cho người lao động với lãi suất 0% thì tỷ lệ tiếp cận rất thấp.
“Vấn đề không phải là gói quy mô lớn bao nhiêu mà quan trọng là hiệu quả đối với doanh nghiệp như thế nào”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh và lưu ý một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm là tác động của Covid -19 không phân bố đồng đều giữa các địa phương. Tỷ lệ doanh nghiệp phải sa thải lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng cao hơn đáng kể so với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hoặc các tỉnh phía Nam xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh. Các ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng hơn các ngành dịch vụ, và trong một số ngành sản xuất như sản xuất ô tô, máy tính, thiết bị điện tử, mức độ ảnh hưởng của dịch là đặc biệt nghiêm trọng.
“Chính quyền các cấp cần ưu tiên việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân khắc phục ảnh hưởng của dịch một cách công bằng và hợp lý. Đặc biệt, Việt Nam nên cân nhắc đầu tư nguồn lực vào việc tái đào tạo và trang bị kỹ năng cho những người lao động bị mất việc làm do Covid-19 hiện đang cần tìm kiếm việc làm trong các khu vực kinh tế có khả năng ứng phó khủng hoảng linh hoạt hơn”, Giám đốc Dự án PCI khuyến nghị./.