Phát triển tam nông dựa trên thế “tam trụ”

Giúp nông dân nâng cao đời sống theo định hướng trong Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển tam nông, cần thực hiện ba trụ cột: Đảm bảo an ninh lương thực, đào tạo nghề cho ND và phát triển thị trường đất nông nghiệp

Giúp nông dân (ND) nâng cao đời sống theo định hướng trong Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) là vấn đề không đơn giản. Theo gợi ý của Bộ NN&PTNNT cũng như nhiều chuyên gia, để đạt mục tiêu này cần xây dựng một “kịch bản” chi tiết để thực hiện ba trụ cột: Đảm bảo an ninh lương thực, đào tạo nghề cho ND và phát triển thị trường đất nông nghiệp.

Có thực mới vực được đạo

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Diễn đàn Chương trình hỗ trợ quốc tế tổ chức hội nghị “Hành động vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện và bền vững”, nhằm tìm kiếm sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế cho sự phát triển tam nông.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, việc đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện trong quá trình phát triển tam nông là đảm bảo an ninh lương thực (ANLT). Ông Andrew Speedy, Trưởng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong đảm bảo ANLT, nhưng để bền vững thì còn nhiều việc phải làm. Đảm bảo ANLT phải rất chú ý đến đối tượng là người nghèo.

Các chuyên gia cho rằng nguồn lương thực dồi dào, thừa tiêu dùng tính trên đầu người không có nghĩa là đảm bảo ANLT, bởi người nghèo không có tiền mua lương thực. Do vậy, việc tổ chức hệ thống phân phối, cũng như hình thành cơ chế hỗ trợ cho đối tượng này được tiếp cận với lương thực là yêu cầu bức bách.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc, để thực hiện mục tiêu ANLT cần điều tra hiện trạng sử dụng đất lúa trên phạm vi cả nước, đối chiếu với dự báo về ANLT đến năm 2015, 2020, cũng như khi dân số ổn định để xác định diện tích đất lúa phải được bảo vệ. “Đặc biệt, nên sớm điều chỉnh một số điều khoản của Luật Đất đai 2003 liên quan đến quản lý nhà nước, sử dụng đất lúa theo hướng thống nhất tập trung quyền chuyển đổi đất chuyên lúa do Chính phủ phê duyệt…”, ông Ngọc nói.

Cùng nông dân sắm “cần câu”

Hình thức hỗ trợ ND đã được chuyển từ cho họ “con cá” sang cho “cần câu”. Tuy  nhiên, các chuyên gia cho rằng phương thức này vẫn thể hiện sự bị động của ND. Để khắc phục tình trạng này cần phối hợp với ND sắm “cần câu” cho họ bằng cách đào tạo nghề. Điều cấp bách hiện nay là phải đổi mới cách đào tạo nghề cho ND. Theo bà Nilgun, Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam, việc đổi mới nên theo hướng vừa học vừa làm. Tại trường làng, kết hợp giáo dục truyền thống với đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp, nghề thủ công. UNIDO sẽ tiếp tục tư vấn cho Việt Nam về chính sách phát triển kinh tế nông thôn; phát triển ngành nghề mỹ nghệ, thủ công…

Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, trợ giúp các dịch vụ hỗ trợ sau đào tạo để giúp ND có việc làm sau khi đào tạo.

Muốn đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kiến nghị cần tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Chú trọng đào tạo kỹ năng, kỷ luật, đạo đức làm việc. Huy động mọi nguồn lực từ Nhà nước, địa phương, cộng đồng kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển đào tạo.

“Xây chợ” cho đất nông nghiệp

Muốn tạo động lực cho phát triển tam nông, nhiều chuyên gia đề xuất phải tạo bước đột phá trong xây dựng thị trường đất nông nghiệp. Ông Trần Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, các quy định hiện hành gây khó khăn cho quá trình tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn. Đề nghị Bộ NN&PTNT, các tổ chức quốc tế thiết kế cơ chế cho sự định hình thị trường chuyển nhượng quyền sở hữu đất nông nghiệp năng động.

Cùng nhận định trên, ông Lã Văn Lý, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc tạo dựng thị trường quyền sử dụng đất nông thôn, nông nghiệp là rất quan trọng nhưng lại chưa phát triển. Xây dựng được thị trường đất nông nghiệp giúp ND có quyền quyết định trong chuyển nhượng, chuyển đổi,, góp vốn… ND chính là doanh nghiệp ở nông thôn, họ phải được thỏa thuận với các doanh nghiệp vào kinh doanh trên đất nông nghiệp mà họ đang sản xuất. Do đó, cần nghiên cứu mở rộng hạn điền, tăng thời gian sử dụng đất. ND phải được sử dụng đất ít nhất trong 50 năm mới có thể giúp họ yên tâm sản xuất.

Để nâng cao giá trị quyền sở hữu đất nông nghiệp của ND, ông Đinh Quan Tuấn (Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh Trung ương) đề xuất một giải pháp mới: Các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu là nông, lâm, thủy sản nên nghiên cứu, thí điểm xây dựng mô hình công ty cổ phần với điều kiện trong thành phần cổ đông sáng lập có hộ ND là cổ đông góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Thực hiện thành công mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, gắn chặt giữa công nghiệp với nông nghiệp.

Muốn nâng cao mức sống nông thôn phải giảm tỷ lệ nông dân

Bên lề hội nghị, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chia sẻ: “Làm sao để nông dân có đời sống cao, nông thôn phát triển đang là bài toán rất khó đặt ra đối với các nhà lãnh đạo. Theo tôi muốn nâng cao mức sống ở nông thôn phải chuyển bớt nông dân sang làm việc khác”.

Bằng cách nào để giảm tỷ lệ nông dân, theo ông Nguyễn Công Tạn: Đó là phải tạo điều kiện cho một bộ phận nông dân làm nghề khác. Muốn thế cần tổ chức đào tạo nghề, giúp họ chuyển đổi nghề. Làm được việc này sẽ tạo ra hai cái lợi. Thứ nhất, khi ngày càng có nhiều nông dân chuyển sang làm nghề khác, thì mới tăng diện tích đất đai cho những người làm nông nghiệp. Nông dân canh tác trên diện tích đất lớn mới có điều kiện cơ giới hóa, hiện địa hóa. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản, giúp nông dân làm giàu. Thứ hai, những người chuyển sang làm việc khác có cơ hội tạo dựng cuộc sống khá hơn.

Ngay khi lập kế hoạch đào tạo phải kết hợp chặt với doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động để tính toán đầu ra cho người học. Trong quá trình nghiên cứu, phê duyệt phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ nên tính toán đến khả năng sử dụng lao động ở khu vực nông thôn. Còn một nguồn tạo việc làm nữa cho nông dân đã qua đào tạo là đi xuất khẩu lao động. Cần chú ý nông dân hình thành thói quen học nghề để có việc làm, cải thiện cuộc sống, chứ ai cũng học đại học cả thì không ổn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên