Phó Thủ tướng: “Phải đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá”
VOV.VN - Bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá.
Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp với một số bộ, ngành, doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định số 20 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết diễn ra hôm nay (29/11) tại Trụ sở Chính phủ.
Nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là cởi mở, công khai, minh bạch, Chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ngoài cơ quan quản lý nhà nước, có đại diện của Quốc hội, các doanh nghiệp, để lắng nghe ý kiến nhiều chiều, các vướng mắc để xử lý.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. |
Phó Thủ tướng cũng nêu các bất cập của Nghị định là quy định khống chế 20% chi phí lãi vay đối với tất cả doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chưa loại trừ trường hợp đặc thù; khống chế theo chi phí lãi vay gộp, không cho trừ doanh thu lãi từ tiền cho vay; việc khống chế chi phí tiền vay tương đối bất cập đối với một số tập đoàn kinh doanh đa ngành, nghề có mức thâm dụng vốn lớn, ảnh hưởng đến việc huy động trung và dài hạn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn lúng túng đối với việc xử lý lãi âm trong kỳ, nhất là những dự án chưa phát sinh lợi nhuận.
Thảo luận tại cuộc họp, từ thực tế của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Tài chính, Tập đoàn Vingroup cho biết, so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay.
Việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng; kiến nghị tạm dừng thi hành Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 20 và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với quy định hiện hành, thông lệ quốc tế và thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Còn Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam kiến nghị, điện là mặt hàng nằm trong phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước, do vậy, cho phép EVN không phải là đối tượng áp dụng của quy định này. Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung ngay Nghị định 20, trong đó tập trung vào sửa đổi khoản 3, Điều 8.
Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cho rằng, quy định của Nghị định chỉ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực, doanh nghiệp, đề nghị tập trung tháo gỡ đối với 15% doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Tài chính nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng. Trên tinh thần, sửa đổi Nghị định phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá.
Về hướng sửa đổi, theo Phó Thủ tướng, sửa đổi, bổ sung ngay, không chờ ban hành nghị định thực hiện toàn diện Luật Quản lý thuế; đồng thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện theo quy trình rút gọn. Đặc biệt, nội dung sửa đổi tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù.
Nghị định được ban hành nhằm mục tiêu khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, “tay không bắt giặc” của doanh nghiệp, song, sau 2 năm triển khai, Nghị định đã phát sinh một số bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp trong nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các nội dung tại Nghị định 20 là phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến cáo của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tạo ra quy định pháp luật để quản lý chống chuyển giá còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam khi tham gia Diễn đàn này, theo đó, trong 2 năm 2017, 2018 đã có lần lượt 11.196 và 11.970 đơn vị kê khai quan hệ liên kết; tỷ trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%; qua thanh tra, kiểm tra, tổng số thu đã xử lý là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt 2.089 tỷ đồng; giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng; giảm lỗ 8.925 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân 7.732 tỷ đồng/năm…/.