Quản lý bất cập, ‘chảy máu’ khoáng sản nhiều
VOV.VN -Việt Nam có hàm lượng khoáng sản khá cao, nhiều điểm khai thác, nhưng thực chất đóng góp cho phát triển kinh tế chưa nhiều.
Tại hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị”, vừa được Trung tâm Con người và Thiên nhiên chủ trì tổ chức, cho biết Việt Nam hiện có hơn 5.000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau, với khoảng 170 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguồn tài nguyên lớn, điểm mỏ nhiều, nhưng hiệu quả đóng góp của khai thác khoáng sản vào nền kinh tế còn thấp và có nhiều hệ lụy.
Hoạt động khai khoáng hiện chỉ đóng góp khoảng 10% GDP Việt Nam (Ảnh minh họa: KT) |
Khai thác nhiều, đóng góp ít
Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới.
Theo bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản, Việt Nam khai thác khoáng sản với số lượng rất lớn, và khả năng sắp cạn kiệt trong tương lai gần. Khoản thu chính trong khai thác khoáng sản là thuế tài nguyên. Tuy nhiên thuế tài nguyên đóng góp không đáng kể trong ngân sách, nó chỉ chiếm từ 0,9 - 1,1% thu ngân sách. Dù chưa có một đánh giá cụ thể về tình hình trốn thuế ở doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tuy nhiên những số liệu này cho thấy thất thu trong ngân sách khoáng sản hiện nay khá cao. Theo đánh giá của quốc tế nó có thể chiếm từ 5-25% của GDP. Nếu tính theo mức khiêm tốn là mức 5% thì Việt Nam mất khoảng 1 tỷ USD từ khai thác khoáng sản và dầu khí.
Những con số này cho thấy, khoáng sản đang được khai thác khá mạnh ở nước ta, nhưng thực tế lĩnh vực này lại chỉ đóng góp khoảng 10% GDP, quá khiêm tốn so với tiềm lực.
Một trong những nguyên nhân của sự đóng góp èo uột này, theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, do tình trạng xuất khoáng sản thô kéo dài cũng như xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc vẫn rất nghiêm trọng. Số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ít hơn so với con số do Trung Quốc thống kê là 5 tỷ USD. Không những thế, khai thác khoáng sản ở nước ta hiện đang được thực hiện với nhiều trình độ khác nhau, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao. Công tác bảo vệ môi trường chưa được coi trọng. Vấn đề công khai, minh bạch thấp gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước…
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguyên nhân quan trọng nữa là do còn nhiều bất cập trong công tác quản lý như đánh giá chưa đúng, chưa đủ, thiếu khách quan về trữ lượng, nhiều lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản. Chuyên gia độc lập về khai thác khoáng sản Nguyễn Thành Sơn cho rằng, đây không phải lỗi của doanh nghiệp. Việc khai thác khoáng sản với quy mô lớn, nhưng đóng góp vào ngân sách còn quá thấp là do phát triển nóng, chạy theo thành tích dẫn đến quản lý lỏng lẻo, ưu đãi quá mức cần thiết cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn chỉ ra rằng, Việt Nam không phải là quốc gia giàu khoáng sản, nhưng lại có hàm lượng khoáng sản khá cao, tuy nhiên khai thác đang có những lệch lạc. Rõ nhất là khai thác khoáng sản bị chi phối bởi nhiều quan hệ, lợi ích cá nhân, tổ chức, dường như bỏ quên lợi ích của người dân địa phương, chưa khắc phục tốt hệ quả môi trường trong và sau khai khoáng gây ra. Đặc biệt, dù có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và quy định về khai thác khoáng sản rõ ràng, nhưng thực hiện tại địa phương thường khác với những quy định hiện hành.
Một biểu hiện rõ nhất của sự không chặt chẽ trong quản lý là theo quy định của pháp luật, Nhà nước nắm quyền cấp phép khai thác mỏ có hàm lượng lớn, tính chất quan trọng. Còn địa phương chỉ cấp phép những mỏ nhỏ lẻ, hoặc những mỏ tận thu. Tuy nhiên, ranh giới giữa mỏ trung ương quản lý và địa phương quản lý chưa rõ. Vì thế, có tình trạng địa phương có mỏ khoáng sản lớn đã cắt thành nhiều mỏ nhỏ để lách luật địa phương tự cấp phép. Tất nhiên, không thể phủ nhận còn không ít mỏ đang được khai thác chui, không giấy phép.
Quản lý trên… báo cáo
Về con số 10% GDP mà hoạt động khai khoáng đóng góp cho nền kinh tế, nhiều người cho rằng chưa tương xứng với lượng khoáng sản đã khai thác. Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, sự thực thì Việt Nam chưa đủ công cụ để quản lý khai thác khoáng sản, việc quản lý hiện chủ yếu mới chỉ dựa vào báo cáo của các doanh nghiệp khai thác và đánh thuế trên bản báo cáo tự nguyện đó. Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp có thể khai nhiều hoặc ít theo tính toán có lợi nhất cho mình. Điều này tạo kẽ hở cho doanh nghiệp gian lận sản lượng để tránh thuế.
Nguy hiểm hơn, theo GS. Võ, “việc đánh giá trữ lượng khoáng sản cũng được giao cho các doanh nghiệp đảm nhiệm, ủy ban quyết định về trữ lượng khoáng sản trước khi cấp phép thì cũng dựa vào báo cáo của doanh nghiệp để đưa ra quyết định. Vì thế, có khả năng báo cáo đưa ra trữ lượng thấp hơn trữ lượng thật, khi khai thác thì doanh nghiệp lại tự khai được bao nhiêu. Từ trữ lượng đến sản lượng khai thác đều dựa vào báo cáo của doanh nghiệp. Vì vậy khó chủ động quản lý khai thác, và liệu có xảy ra tham nhũng hoặc tính vào chi phí bôi trơn hay không?”- ông Võ nhấn mạnh.
Với thực trạng này, theo ông Võ, hiện các cơ quan Nhà nước đang đứng ở thế bị động trong quản lý khai khoáng. Và thực tế chưa có dữ liệu thực chính xác về sản lượng khai khoáng vì số liệu công bố mới chỉ dựa vào báo cáo của doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến có tình trạng trốn thuế khai thác tài nguyên, vận chuyển, buôn bán lậu khoáng sản trở thành vấn nạn ở nhiều địa phương, còn ngân sách nhà nước thất thu.
Chính sách thuế tài nguyên bất cập
Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến hoạt động khai khoáng ở Việt Nam còn lộn xộn, hiệu quả kinh tế cho quốc gia chưa cao, theo PGS. TS. Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, do chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Đơn cử, thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán, tự kê khai. Giá bán thuế tài nguyên chủ yếu do Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định nên có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Trong khi việc kiểm soát sản lượng khai thác, giá tính thuế hiện nay rất yếu.
Nếu nhìn một cách tổng quát nhất, theo PGS. TS. Lê Xuân Trường, số thu từ thuế tài nguyên thực sự chưa tương xứng với việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của nước ta. Chúng ta khai thác nhiều, và có loại khoáng sản nay mai không còn nữa. Nhưng số thu (nguồn lấy từ tổng cục thuế của Bộ Tài chính) thực tế (không kể dầu thô) từ thuế tài nguyên giai đoạn 2001-2005 trung bình là 854 tỷ đồng; giai đoạn 2006-2010 là 2.317 tỷ đồng rồi năm 2015 cũng chỉ đạt 11.129 tỷ đồng. Nếu tính tỷ trọng số thu thuế tài nguyên trong tổng thu ngân sách nhà nước từ 0,53% giai đoạn 2001-2005 tăng lên 1,38% năm 2014 là cao nhất, còn 2015 chỉ là 1,22%. Như vậy, tỷ lệ này chỉ dao động trong khoảng 1% tổng thu ngân sách nhà nước. Rõ ràng chưa tương xứng.
Tuy nhiên, ngoài thuế tài nguyên, gần đây chúng ta bắt đầu thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường, phí bảo vệ.. nhưng nếu nhìn góc độ thuế thì chưa tương xứng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoảng sản trên cả nước năm 2014 là 1.300 tỷ đồng, năm 2015 cũng chỉ đạt khoảng 4.500 tỷ đồng.
Bà Trần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh Khoáng sản, cũng cho rằng các khoản thu thuế tài nguyên còn bất cập, chủ yếu dựa vào sản lượng, giá bán và thuế suất. Do vậy, muốn siết chặt quản lý cần lưu ý đến cách thức trốn thuế và tránh thuế đang phổ biến như khai báo sản lượng thấp hơn thực tế; khai báo chất lượng thấp hơn thực tế; không thông báo đầy đủ về các kim loại quý hiếm thu được; thiết lập giá bán thấp hơn thực tế; kê khai khống các chi phí; lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế; chuyển giá… Chẳng hạn doanh nghiệp có thể thành lập công ty con, công ty giả để mua, cung cấp hóa đơn với giá thấp hơn thực tế nhằm thu lợi./.