Sản xuất công nghiệp sụt giảm khi thị trường tiêu thụ gặp khó
VOV.VN - Nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện nay, sản xuất công nghiệp sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.
Nhìn vào bức tranh sản xuất công nghiệp qua báo cáo mới nhất của ngành công thương thấy khá ảm đạm. Trong 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp dù tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng đây lại là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Dịch Covid-19 khiến thị trường thu hẹp
Ngoài một số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất tăng như chế biến, chế tạo; khai thác quặng kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học…, trong 9 tháng qua, nhiều ngành có chỉ số sản xuất đạt thấp khiến chỉ số tiêu thụ giảm và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao.
Bộ Công Thương cũng đã đưa ra nhận xét: "Mặc dù sản xuất công nghiệp tháng 9 có sự khởi sắc và đang dần khôi phục nhưng vẫn còn chậm do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ". Do đó, Bộ này dự báo từ tháng 10 trở đi, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện nay, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.
Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày khiến tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh nên ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp (DN) đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các DN dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, trong bối cảnh hiện tại, Vinatex buộc phải xác định kinh doanh trong một thị trường bất định, khó có thể dự báo chính xác và không thể lập kế hoạch dài hơi như trước.
“Trong giai đoạn 5 năm lần thứ 2 sau cổ phần hóa (2020-2025), Tập đoàn cần liên tục cập nhật tình hình biến đổi của thị trường, đưa ra phương án mới và xoay chuyển sản xuất kịp thời. Với tình hình thị trường suy giảm sâu, bất định và khó lường, khó dự đoán, Vinatex đặt mục tiêu vào giữa nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ đạt mốc kết quả sản xuất kinh doanh bằng năm 2019, từ đó có đà tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP”, ông Trường nhận định.
Giải pháp cho giai đoạn tới được ông Lê Tiến Trường nhắc tới là quản trị tinh gọn, hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh của Vinatex, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh với tiêu chí sản xuất xanh, bền vững, tận dụng công nghệ 4.0 trong quản trị và sản xuất kinh doanh...
Tháo gỡ những nút thắt...
Trong 9 tháng đầu năm, sản xuất nhóm hàng linh kiện, điện tử, thiết bị điện; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tăng trưởng sản xuất của ngành này trong tháng 9 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, IIP của ngành này tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về điều này, bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành công nghiệp điện tử trong đó có lĩnh vực sản xuất linh kiện điện thoại của Việt Nam mặc dù còn non trẻ, nhưng trong thời gian vừa qua đã đạt được những thành tựu rất mạnh mẽ cùng với sự phát triển vượt trội của ngành điện, điện tử của thế giới.
Theo bà Nga, hiện nay, các DN hoạt động trong lĩnh vực điện tử và linh kiện bao gồm các DN trong nước và FDI đã sản xuất được những sản phẩm điện, điện tử thiết yếu. Các sản phẩm điện tử đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã và có chất lượng tốt đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
“Tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử gia dụng đã chiếm từ 30% - 35% tỷ lệ nội địa hóa. Nhiều DN đã sản xuất được các chi tiết hoặc sản phẩm điện thoại công nghệ như Viettel, VinSmart đã sản xuất được điện thoại di động”, bà Nga chỉ rõ.
Tuy được đánh giá có nhiều dư địa để phát triển, song theo bà Nga, ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, điện tử, thiết bị điện ở Việt Nam vẫn đang còn tồn tại những hạn chế nhất định. Trong đó 3 hạn chế lớn nhất được coi là “rào cản” đối với các DN thuộc lĩnh vực này chính là: Năng lực của DN; nguồn lực và công nghệ và đặc biệt là khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Theo phân tích của bà Nga, hiện nay mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của các DN đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm linh kiện điện tử sản xuất trong nước vẫn chủ yếu ở dạng đơn giản với hàm lượng công nghệ trung bình, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị toàn bộ của một sản phẩm. “Các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao như chất bán dẫn, mạch in, khuôn nhựa cho ngành điện tử vẫn chủ yếu do các DN FDI cung cấp”, bà Nga cho hay.
Hạn chế thứ hai theo bà Nga là hiện các DN vẫn còn thiếu rất lớn nguồn lực cũng như công nghệ để đổi mới và nâng cao năng lực sản xuất. Các DN mới chủ yếu tập trung sản xuất các chi tiết đơn giản, chưa có nhiều DN có đủ trình độ sản xuất các loại mạch in cao cấp. Một phần của nguyên do này là do trình độ tay nghề của người lao động.
“Các DN vẫn chủ yếu sử dụng các lao động phổ thông, được đào tạo chủ yếu bằng hình thức vừa học vừa làm mà thiếu nguồn lao động chất lượng cao đã qua đào tạo các kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của DN” bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, hạn chế căn bản nhất khiến công nghiệp điện tử khó phát triển chính là khả năng đáp ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành này còn hạn chế. Thời gian qua, Việt Nam vẫn phải nhập siêu nguyên liệu, thiết bị cho ngành này với giá trị lớn; tỷ lệ nội địa hóa cho ngành này đạt rất thấp, đơn cử như tỷ lệ nội địa hóa cho các ngành điện tử, tin học chỉ đạt khoảng 5%, nội địa hóa của sản phẩm điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ đạt khoảng 3%./.