Sau dịch Covid-19 là thời điểm tốt cho kinh doanh trực tuyến
VOV.VN - Việc thay đổi nhận thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ khiến thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ
“Dịch Covid-19 nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm, người tiêu dùng đã ưa thích mua sắm trực tuyến hơn. Trong giai đoạn cao điểm của dịch, mua sắm trực tuyến là kênh duy nhất để tiếp cận tới một số hàng hoá và dịch vụ. Người tiêu dùng (NTD) cũng hạn chế việc dùng các sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (Vietnam Online Marketing Forum) VOMF 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội. Diễn đàn là sự kiện chính thống về tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc, được mong đợi nhất năm 2020. Tại đây, các doanh nghiệp (DN) sẽ tìm thấy những lời giải cho bài toán hóc búa nhất trong lịch sử nhân loại từ trước tới đây: Làm sao tăng trưởng sau đại dịch Covid-19?
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức khởi sắc nhất định. Giai đoạn sau dịch, bức tranh kinh tế Việt Nam đã có thêm những gam màu sáng, nhiều tín hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có dư lượng tăng trưởng từ 1,8 – 2,9% trong năm 2020.
Đặc biệt ông Hưng chỉ rõ, thời điểm phục hồi sau dịch được xem là thích hợp của mùa kinh doanh trực tuyến, nhiều động thái tích cực từ các DN, diễn biến của thị trường và việc thay đổi nhận thức, hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ khiến thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ với những phong cách và kỹ năng mới. Các DN tới đây sẽ bước vào cuộc chơi mới với sự tăng trưởng và thay đổi vượt bậc.
Nhận xét về xu hướng mua sắm online trong thời gian hiện tại và sắp tới, bà Lê Minh Trang, Quản lý Cấp cao Khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam cho biết, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, NTD Việt Nam vẫn theo dõi rất sát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng, nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.
“Nếu quan sát chỉ số tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (PMCG) từ năm 2013 đến nay cho thấy có sự tăng giảm nhất định. Tuy nhiên, năm 2020 chỉ số này giảm sâu nhất do ảnh hưởng của dịch. Có đến 45% NTD dự trữ thức ăn ở nhà nhiều hơn; 50% NTD giảm tần suất ghé siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ; nhưng lại có đến 25% NTD tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến và 25% NTD giảm các hoạt động ăn uống bên ngoài”, bà Trang chỉ rõ.
Bà Trang cũng cho hay, khi đo lường chỉ số tự tin của NTD trong năm 2020 cũng đã thấy có sự thay đổi, khi mức độ chi tiêu, dành nhiều tiền tiết kiệm tăng lên trong Quý II/2020. “Nhu cầu về mua sắm thời trang, nhu cầu du lịch của NTD giảm rõ rệt, nên các nhà bán lẻ cần lưu ý đến tâm lý này của khách hàng, khi tiếp thị mua sắm online đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Nhất là trong thời điểm dịch, NTD có xu hướng mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh”, bà Trang khuyến cáo.
Super App cần thiết và không thể thiếu
Theo một khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, để thúc đẩy thương mại điện tử sau dịch, giải pháp và công nghệ được xem là giải pháp cho các DN hay hộ gia đình sản xuất kinh doanh và bán hàng đa kênh. Trong năm 2020, phần lớn DN cung cấp giải pháp và công nghệ khi số lượng khách hàng suy giảm.
Khảo sát cũng cho thấy, có tới 71% DN cho biết số lượng khách hàng giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng có đến 57% DN đã phát triển sản phẩm, giải pháp, công nghệ mới trong Quý II/2020 hoặc cho biết sẽ phát triển nền tảng công nghệ bán hàng trong năm 2020 do nhu cầu mới.
“Nhiều DN đã đưa ra một số giải pháp điển hình trong giai đoạn dịch như tích hợp thanh toán không tiền mặt (QR) cho các giao dịch online; Bổ sung kênh bán hàng online trên sàn cho các cửa hàng bán hàng truyền thống,… Đây là dấu hiệu tích cực về tính ứng biến mau lẹ của doanh nghiệp cung cấp giải pháp thương mại điện tử”, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận xét.
Ông Đỗ Hữu Hưng, nhà điều hành của Accesstrade cho rằng, việc sử dụng các “siêu ứng dụng” (Super App) sẽ là xu hướng cho các DN thương mại điện tử trong tương lai. Hiện nay, số lượng đơn hàng đặt qua app đã tăng lên đến 80%. Những quyết định mua sắm và các hành vi tác động trên app ngày nay mới thực sự là yếu tố quyết định sự thắng – thua của DN thương mại điện tử cũng như các DN cung cấp giải pháp công nghệ.
“Super App sẽ là siêu ứng dụng được nhiều người dùng nhất và không bị gỡ bỏ trên các thiết bị online. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều app phục vụ việc tìm hiểu và mua sắm, nhưng 1 siêu app mà trong đó có tích hợp nhiều app dịch vụ mini vẫn chưa thực sự có nhiều. Tương lai, Super App cần thiết và không thể thiếu trong giải pháp tiếp cận NTD tốt nhất khi họ tìm thấy nhiều sự thuận tiện trong lựa chọn các dịch vụ mong muốn”, ông Đỗ Hữu Hưng khuyến cáo.
Cũng theo phân tích của ông Hưng, khi Super App có thêm nhiều lựa chọn dịch vụ tương tác, giá trị người dùng sẽ tăng lên. Tương tự, NTD khi tiếp cận được nhiều dịch vụ trên super app sẽ có thời gian sử dụng ứng dụng rất lâu. Vì theo thói quen, NTD thường ít hình dung, không nhớ rõ app nào khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ, nên họ rất cần sự thuận lợi, dễ nhớ, dễ tìm kiếm và dễ thanh toán. Đó chính là những yếu tố cốt lõi giữ người dùng kết nối với các ứng dụng mua sắm, sử dụng dịch vụ hiện nay./.