Siết chặt bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp, giảm áp lực nợ công
VOV.VN - Nợ do Chính phủ bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ và là một trong những áp lực lên nợ công.
Nghị định số 04/2017 chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/3) sẽ siết chặt quản lý bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp, nhằm góp phần giảm áp lực nợ công. Thông tin này được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính do Bộ Tài chính tổ chức ngày 1/3 tại Hà Nội.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính (người ngồi giữa) chủ trì họp báo |
Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2016 nợ công của Việt Nam vào khoảng 64,13%G DP, nợ Chính phủ 53,62% GDP. Đóng góp đáng kể vào tỷ trọng nợ công là nợ do Chính phủ bảo lãnh, cuối năm 2016 vào khoảng 10,2% GDP. Hầu hết các khoản bảo lãnh của Chính phủ là dành cho dự án của khối doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, Nghị định số 15/2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ qua nhiều năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập như chưa có cơ chế giám sát, chưa có chế tài xử lý vi phạm. Vai trò cơ quan chủ quản và cơ quan liên quan chưa rõ ràng, nên khó khăn khi xử lý dự án yếu kém. Do đó, đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04 thay thế Nghị định số 15/2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Theo đó, các điều kiện về bảo lãnh sẽ được siết chặt lại. Mức bảo lãnh Chính phủ theo quy định mới đã giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án.
Ngoài ra, các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại với mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm. Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính cho biết, những quy định này nhằm siết chặt quản lý bảo lãnh nợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp, giảm dần tỷ trọng nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cũng cho biết, hiện những đơn vị được Chính phủ cấp bảo lãnh nhiều nhất là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam…
Lâu nay, việc cấp bão lãnh Chính phủ chủ yếu là dựa trên giải trình các chủ dự án mà không có trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan. Thế nhưng, trong Nghị định 04 mới ban hành đã quy định rất rõ vai trò của các bộ ngành tham gia vào quá trình cấp bảo lãnh, quản lý bảo lãnh.
Theo đó, các bộ ngành phải có trách nhiệm tham gia góp ý kiến về mặt chuyên môn. Các dự án trong quá trình triển khai không thể tránh rủi ro và khó đảm bảo thành công 100%, nhưng khi xảy ra vấn đề thì phải quy lại trách nhiệm giải trình đối với các bộ ngành chủ quản. Dư nợ công Việt Nam khoảng 64,73%GDP tính đến cuối năm 2016