Sông cạn, hồ khô, thuỷ điện ở Tây Nguyên khủng hoảng

VOV.VN - Nhiều thủy điện ở khu vực Tây Nguyên phải dừng hoạt động, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng.

Hạn hán diễn ra phức tạp tại khu vực Tây Nguyên những năm gần đây không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân, mà cả hệ thống thủy điện cũng bị khủng hoảng. Nhiều thủy điện phải dừng hoạt động, một số khác chỉ hoạt động cầm chừng.

Trên lưu vực sông Ba - dòng sông lớn nhất Tây Nguyên, hồ thủy điện Ka Nak (tỉnh Gia Lai) đến đầu tháng 3 chỉ còn khoảng 40 triệu m3 nước, tức chỉ 11% dung tích thiết kế.

Hồ Ka Nak đã sắp đến mực nước chết.

Ông Đặng Văn Tuần, Giám đốc Công ty thủy điện An Khê- Ka Nak, cho biết, hiện cả 2 nhà máy thủy điện đều tập trung ưu tiên nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở hạ du, hiệu quả sản xuất điện gần như không tính đến.

Nhà máy thủy điện An Khê đã dừng phát điện từ cuối năm 2019, chỉ hoạt động một số thời điểm để có nước cứu hạn cho huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Còn Nhà máy thủy điện Ka Nak thì hoạt động cầm chừng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân tỉnh Gia Lai. Do vậy từ đầu năm đến ngày 6/3, tổng sản lượng điện của cả hệ thống thủy điện An Khê- Ka Nak chỉ đạt khoảng 4 triệu Kwh, tương đương với một ngày phát điện trong mùa mưa.

"Do lượng nước thiếu nên công ty hạn chế phát điện mà tập trung tích nước của hồ Ka Nak để phục vụ chống hạn, cũng như phục vụ nhu cầu nông nghiệp, nước sinh hoạt của địa phương. Hiện nay công ty vẫn tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa của Thủ tướng Chính phủ, điều tiết với lượng phù hợp để đảm bảo cho việc sử dụng nước tiết kiệm nhất" - ông Đặng Văn Tuần cho biết.

Cũng giống như ở sông Ba, các thủy điện trên lưu vực sông Sêrêpôk – dòng sông lớn thứ hai ở Tây Nguyên, chảy qua hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông, cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì thiếu nước.

Ông Nguyễn Đức, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, đơn vị quản lý tổ hợp 3 công trình thủy điện lớn nhất trên dòng Sêrêpôk là Thủy điện Buôn Tua Srah, Thủy điện Buôn Kuốp và Thủy điện Sêrêpôk 3, cho biết, sản lượng điện hơn 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 225 triệu Kwh, chưa bằng 1 tháng đầu năm 2019.

Do lưu lượng nước đổ về hồ điều tiết Buôn Tua Srah ở phía thượng nguồn chỉ khoảng 20m3/s, cả 3 thủy điện đều hoạt động cầm chừng từ cuối năm 2019. Nhưng cố gắng lắm công ty cũng chỉ có thể đảm bảo hoạt động cấp nước cho hạ du tới tháng 5, do hồ chứa không có cống xả đáy.

"Mực nước chết của hồ Buôn Tua Srah là 654m. Ngày 9/5/2019 là về mực nước chết. Giải pháp của năm 2019 là cố gắng chạy thêm, tức là dưới mực chết thì vẫn chạy được một ít nhưng mà nguy hiểm, các tổ máy rung, đảo, không đảm bảo. Chạy máy đến mực nước 464 thì dừng. Khi xây dựng công trình đã tính toán các yếu tố thủy văn, tính toán lưu lượng thấp nhất mùa kiệt. Khi rơi vào tình huống cực đoan như thế, Ban chỉ đạo chống hạn, kể  cả Trung ương vào cuộc nữa, sẽ bàn đưa ra giải pháp, chứ ở đây công trình thiết kế là không có cống xả" - ông Nguyễn Đức nói.

Sông cạn, hồ khô, thuỷ điện khủng hoảng.

Ở Tây Nguyên, thuỷ điện trên các dòng sông lớn gặp khó 1, thì các thuỷ điện trên các sông suối nhỏ càng khó khăn nhiều lần. Ông Trương Công Hồng, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đăk Lăk cho biết, đã có 2 thủy điện thông báo phải dừng hoạt động do không có nước là thủy điện Ea Đrăng 2 (6MW) và Thủy điện Ea Tul 4 (6MW).

Với tình hình khô hạn hiện nay, cả 24 thủy điện ở tỉnh Đắk Lắk đều tiếp tục giảm sản lượng điện. Năm 2019 tổng sản lượng được khoảng 3 tỷ Kwh thì năm nay phải giảm 20%. Do năm 2019 hết mưa sớm, lưu lượng, nguồn nước ngầm thiếu, các hồ tích nước không đầy nên sản lượng năm nay bị ảnh hưởng.

Những tính toán trước khi xây dựng các công trình thủy điện ở Tây Nguyên dường như đã không đánh giá hết tình hình hạn hán ở khu vực. Khô hạn diễn ra liên tiếp trong nhiều năm đã khiến hàng loạt công trình bị khủng hoảng. Đây chính là lúc cần nhìn nhận lại nguyên nhân của tình trạng mất nước ở các lưu vực sông.

Phải chăng cùng với tác động của biến đổi khí hậu, thì việc rừng đầu nguồn đã và đang bị cạo trọc đã khiến cho những “túi nước tự nhiên” ở Tây Nguyên không còn, những “túi nước nhân tạo” cũng khô kiệt. Sông cạn, hồ khô, thuỷ điện khủng hoảng là minh chứng rõ ràng cho việc rừng bị tàn phá một cách tràn lan, hạn hán ở Tây Nguyên ngày càng nghiêm trọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La
Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

VOV.VN - Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch vùng lòng hồ tại lòng hồ thủy điện đang là hướng đi được tỉnh Sơn La đẩy mạnh.

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

VOV.VN - Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch vùng lòng hồ tại lòng hồ thủy điện đang là hướng đi được tỉnh Sơn La đẩy mạnh.

Tan hoang mùa màng vì thuỷ điện nhỏ?
Tan hoang mùa màng vì thuỷ điện nhỏ?

VOV.VN - Hàng chục ngàn thanh niên các xã vùng biên giới phía Bắc phải bỏ bản đi sang Trung Quốc làm thuê liệu có phải do thủy điện nhỏ?

Tan hoang mùa màng vì thuỷ điện nhỏ?

Tan hoang mùa màng vì thuỷ điện nhỏ?

VOV.VN - Hàng chục ngàn thanh niên các xã vùng biên giới phía Bắc phải bỏ bản đi sang Trung Quốc làm thuê liệu có phải do thủy điện nhỏ?

Nuôi cá lòng hồ thủy điện ở Quảng Ngãi cho hiệu quả kinh tế cao
Nuôi cá lòng hồ thủy điện ở Quảng Ngãi cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 50% diện tích mặt nước ở các huyện miền núi, người dân khai thác, nuôi cá nước ngọt.

Nuôi cá lòng hồ thủy điện ở Quảng Ngãi cho hiệu quả kinh tế cao

Nuôi cá lòng hồ thủy điện ở Quảng Ngãi cho hiệu quả kinh tế cao

VOV.VN - Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 50% diện tích mặt nước ở các huyện miền núi, người dân khai thác, nuôi cá nước ngọt.