Sửa Luật Doanh nghiệp sẽ giúp giảm 3 gánh nặng

VOV.VN-Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích rõ hơn về tác động của việc cổ phần hóa cũng như vai trò của DN trong phát triển KT-XH

Doanh nghiệp vẫn khó hấp thụ vốn

Lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh cả ở khâu huy động và cho vay, nhưng tăng trưởng tín dụng 4 tháng qua thì chỉ đạt 1%, tín dụng vẫn chảy vào trái phiếu mà chưa đi vào sản xuất.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, điều này chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Phong, có thể thấy một số điểm khách quan giải thích cho lý do này.

Thứ nhất là trái phiếu, Nhà nước quy định chỉ có ngân hàng mới được mua, do vậy chắc chắn trái phiếu là tín dụng của ngân hàng. Còn tín dụng vào các doanh nghiệp thì liên quan đến rất nhiều yếu tố. Trước hết là cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, chỉ khi nào có cơ hội thì doanh nghiệp mới vay.

Thứ hai là phụ thuộc vào điều kiện tiếp cận tín dụng. Rõ ràng có thể thấy, trong thời gian qua, điều kiện tiếp cận tín dụng vẫn chưa được cải thiện nhiều do các ngân hàng vẫn e ngại nợ xấu, khả năng thanh toán, điều kiện thế chấp của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thường cân nhắc trong giai đoạn những tháng đầu năm. Đến cuối năm, cùng với quá trình xúc tiến thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư mạnh hơn, tín dụng doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Tuy

nhiên, điều này cũng đòi hỏi gắn liền với sự cải thiện các điều kiện tiếp cận tín dụng như vấn đề khoanh nợ, giãn nợ cho vay. Thứ hai là việc giảm bớt lãi suất để các doanh nghiệp có động lực đầu tư tiếp cận với nguồn tín dụng. Có như vậy thì mới đảm bảo khả năng đạt mức 15% tín dụng cho vay cả năm.

Cổ phần hóa sẽ giúp giảm nợ xấu và thâm hụt ngân sách

Ngay từ đầu năm, Chính phủ rất quyết tâm trong năm 2014 – 2015 sẽ cổ phần hóa hơn 400 DNNN. Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu thực hiện đúng kế hoạch sẽ tạo được hiệu ứng tích cực. Những hiệu ứng này thể hiện ở chỗ sẽ cho phép tăng vốn ngân sách do chúng ta bán được cổ phần, nhà nước sẽ có thêm các khoản thu bổ sung, từ đó tăng lực tài chính để thực hiện các hoạt động đầu tư và can thiệp vào thị trường, hỗ trợ phát triển khác. Đồng thời giảm được nợ cũng như giảm được thâm hụt ngân sách, cân đối vĩ mô.

Bên cạnh đó là góp phần tăng đầu tư xã hội do chúng ta thu hút được vốn bên ngoài, bao gồm cả vốn nước ngoài, vốn tư nhân.

Ngoài ra, cổ phần hóa cũng sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng và tăng thêm các hàng hóa tốt trên TTCK, từ đó kích thích thị trường này tăng cơ hội đầu tư cho xã hội.

Cổ phần hóa DNNN sẽ giúp làm lành mạnh hóa được đội ngũ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mang tính chất đa sở hữu. Khi chúng ta cổ phần hóa tốt, sẽ tạo ra lực lượng doanh nghiệp cổ phần, từ đó giúp tăng thêm cơ hội, động lực đầu tư. Song cũng cần phải chú ý đến việc giải quyết việc làm hài hòa, tránh tình trạng người lao động trong khu vực DNNN bị thất nghiệp nhiều, tránh thất thoát tài sản công cũng như đảm bảo nhiều yếu tố ổn định khác.

Xác định doanh nghiệp là chủ lực phát triển

Thời gian qua, vấn đề tạo điều kiện cho DN kinh doanh phát triển, trở thành trụ cột chính trong tăng trưởng kinh tế được đề cập khá nhiều. Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định ngày càng mạnh mẽ hơn vai trò quan trọng, thậm chí quan trọng nhất, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, là khu vực tư nhân, khu vực DN ngoài nhà nước. Và coi đó là động lực tăng trưởng chính, là chủ lực đầu tư để phát triển trong thời gian tới. Với nhận thức này, cùng với việc đột phá thể chế, đặc biệt là sửa những luật có liên quan, nhất là luật đầu tư, luật DN và hình thành luật đầu tư công và những thể chế khác có liên quan là rất cần thiết.

“Tôi cho rằng, về tổng thể, từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã xác định đúng những phương án cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, theo tinh thần giảm thiểu cùng lúc 3 gánh nặng. Gánh nặng đầu tiên là tài chính bao gồm thuế và các chi phí đầu tư cũng như các khoản tiền thuê đất; thứ 2 là giảm thiểu gánh nặng về tín dụng, đặc biệt là lãi suất; thứ 3 là giảm tải về thể chế, đặc biệt là thủ tục, chi phí “bôi trơn” và tệ nạn quan liêu khác là rất quan trọng để giúp DN thực sự “nhẹ gánh”- TS Nguyễn Minh Phong nói.

Từ đó, các DN sẽ có chi phí sản xuất phù hợp, có môi trường đầu tư thuận lợi theo tinh thần tự do hóa, bình đẳng hóa và đặc biệt là tăng khả năng liên kết với nhau, với các DN nước ngoài; và được sự hỗ trợ của các thể chế nhà nước, cũng như tăng vai trò của hiệp hội.

Tuy nhiên, các DN cũng phải nhận thức đúng để tự tái cấu trúc, tự cải tổ, rà soát gạt bỏ những dự án mang tính chất đầu cơ, cơ hội và không có hiệu quả để tập trung vào sở trường của mình và tập trung vào những sản phẩm có triển vọng trên thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư có hiệu quả cao hơn. Một sự kết hợp 4 nhà và sự phát huy nội lực của khu vực DN cũng như các nguồn lực đang còn bị che khuất là rất cần thiết trong thời gian tới.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải tranh thủ ngoại lực, khai thác các cơ hội thị trường từ các cam kết hội nhập quốc tế. Nói như TS Nguyễn Minh Phong, chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập mạnh mẽ, toàn diện hơn: “Một nước, một DN không thể tự trông cậy vào nguồn lực của chính mình mà cần phải tận dụng, khai thác nguồn lực nước ngoài. Đây là bài học chung của thế giới và Việt Nam cũng rất tâm đắc với bài học này. Hơn nữa Việt Nam cũng  ngày càng gắn bó, liên kết mạnh mẽ với thế giới, vì thế việc khai thác cơ hội với nguồn lực bên ngoài là rất quan trọng”.

Tuy vậy, theo TS Nguyễn Minh Phong cần phải chú ý 3 điểm khi khai thác nguồn lực bên ngoài: Một là cần chủ động thông tin, tăng cường khả năng phân tích, dự báo để có được những phản ứng chính sách, thị trường phù hợp từ phía Nhà nước, DN để từ đó lựa chọn những thời điểm và cơ hội thị trường và những sản phẩm để thâm nhập vào thị trường.

Thứ 2 là phải chủ động trong nguồn nguyên phụ liệu, cũng như phát triển hệ thống các nguồn phụ trợ để gia tăng những điểm mà Việt Nam tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, các DN sẽ có điểm bám chặt chẽ, vững chắc cũng như có cơ hội khai thác những lĩnh vực, công đoạn và những hoạt động có được GTGT cao, từ đó khẳng định được vai trò, vị thế và lợi ích của mình.

Thứ 3 là phải có một năng lực công nghệ cao để vượt qua rào cản khoa học kỹ thuật cũng như có khả năng đổi mới, phát triển hệ thống phân phối bên ngoài; trong đó có việc khai thác các nguồn lực Việt kiều, cũng như mạnh dạn đầu tư ra bên ngoài để hình thành khả năng bám sát thị trường, chi phối thị trường, tăng cường khả năng liên kết với thị trường bên ngoài.

“Trong tổng thể những giải pháp đó, tôi cho rằng, chống tham nhũng là một trong những giải pháp rất quan trọng, nó đảm bảo sự tường minh, đảm bảo môi trường đầu tư ngày càng có sức cạnh tranh cao và được xếp hạng cao hơn, thu hút tốt hơn các nguồn lực bên ngoài, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư bên ngoài cũng  như bên trong vào môi trường đầu tư, năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý NN để từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa” TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên