Điều hành tiền tệ 2013 vẫn bị "vênh – lệch"
VOV.VN -Lãi suất đã hạ nhưng tăng trưởng tín dụng lại tập trung vào những tháng cuối năm nên hiệu quả không cao.
Năm 2013, Chính phủ đánh giá chính sách tiền tệ và tài khóa đã được điều hành chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô đã vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát.
Lãi suất, kể cả lãi suất của những khoản vay cũ đã giảm khá nhiều so với đầu năm. Tổng phương tiện thanh toán tăng mạnh, phù hợp với mục tiêu đề ra (14-16%). Tăng trưởng tín dụng cải thiện; cơ cấu tín dụng chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên; chất lượng tín dụng được nâng lên; nợ xấu được hạn chế và từng bước xử lý; thị trường ngoại tệ và tỷ giá hối đoái cơ bản ổn định; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, dự trữ ngoại hối cao hơn khá nhiều so với đầu năm.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh, lãi suất đã được điều hành giảm dần phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến của lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn về chi phí vay vốn cho doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, như: sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ...; trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD; nợ xấu từng bước được xử lý với tốc độ gia tăng bình quân giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới gặp khó khăn.
Nêu quan điểm về điều hành chính sách tiền tệ năm 2013, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, “Tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 10% nhưng lại dồn vào cuối năm. Như vậy vốn tín dụng góp phần cho tăng trưởng ít, không tác dụng. Sử dụng tiền dồn ép sẽ khó hiệu quả. Dùng tiền phải dàn đều, đảm bảo tiến độ giải ngân và công việc” – Bộ trưởng Thăng nói.
Sẽ tập trung xử lý nợ xấu
Năm 2014, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.
Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.
Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, giảm tình trạng đô-la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. “Nhà nước nhất định phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng, quản lý thị trường vàng. Có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, NHNN thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo đánh giá của Chính phủ và các chuyên gia kinh tế, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã đem lại một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao; quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm. Nợ xấu chậm được xử lý cùng với tổng cầu nền kinh tế còn yếu cũng là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm đạt thấp so với mục tiêu đề ra.
Về xử lý nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Không có sử dụng tiền của ngân sách để mua nợ xấu. Khi bán nợ cho VAMC, tất cả các khoản nợ mà được VAMC mua lại đều không tính thành nợ xấu cho doanh nghiệp. Do vậy doanh nghiệp có điều kiện để tiếp cận được với nguồn vốn mới của các tổ chức tín dụng.
Sau khi mua các khoản nợ này, VAMC sẽ tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ này, cả về lãi suất, đưa các lãi suất cao trước đây về mặt bằng lãi suất hiện nay. Trước đây nhiều doanh nghiệp đã sử dụng vốn ngắn hạn để vay trung và dài hạn. Đến nay VAMC sẽ cơ cấu lại tính chất của nguồn vốn. “Chúng tôi sẽ cơ cấu lại thời hạn cho vay, đảm bảo khả năng chịu đựng và khả năng tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Các tổ chức tín dụng cũng có nhiều thuận lợi vì trước đây một lượng vốn rất lớn nằm đặc ở trong các khoản nợ xấu này.
Trong năm 2013, VAMC mua được khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Và trong cả năm 2014 con số này có thể lên đến 100 - 150 nghìn tỷ. Thống đốc Nguyễn Văn Bình tin tưởng, các khoản mua nợ đã được cơ cấu lại và thông qua các cơ quan của nhà nước nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để trên tạo ra một thị trường mua bán nợ tập trung cho tất cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Cũng theo Thống đốc, hiện nay có nhiều nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm để mua lại các khoản nợ này. Vì thế, cần phải có cơ chế chặt chẽ vừa có thể xử lý được các khoản nợ này nhưng phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư trong nước cũng như cho phát triển nền kinh tế đất nước./.