Tăng trưởng tín dụng năm 2017 liệu có đạt mục tiêu 21%?
VOV.VN - Theo BVSC, khả năng tăng trưởng tín dụng cho vay có về đích hay không phụ thuộc cung tiền và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
9 tháng qua, tăng trưởng tín dụng được đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 21% năm 2017, còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Tín dụng tăng tích cực
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá, tín dụng 9 tháng qua tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 9/2017, tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm 2016.
(Ảnh minh họa: KT) |
Đáng lưu ý là cơ cấu tín dụng cũng tích cực hơn khi mà cho vay đối với hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình tiếp tục tăng mạnh từ năm 2015, ước tính đến cuối tháng 9/2017 chiếm tỷ trọng 15,7% tổng cho vay, tăng từ mức 11,2% cuối năm 2016. Cho vay ngành công nghiệp, xây dựng cũng tiếp tục tăng; cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ (từ 17,1% tháng 12/2016 xuống 16,8% tháng 9/2017).
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đánh giá, tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng. Đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%). Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên (chẳng hạn, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 17% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 25,12%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49%...) tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.
Các chỉ số này cho thấy, các TCTD đã tập trung giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; tập trung nguồn lực, cân đối nguồn vốn để triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao... như chỉ đạo của Chính phủ.
Lãi suất cho vay đã giảm, vẫn còn dư địa để giảm tiếp
Về lãi suất 9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định và giảm mặc dù có sức ép tăng trong 6 tháng đầu năm 2017. Đặc biệt là từ ngày 10/7/2017, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN.
NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Kết quả của việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó),
Hơn nữa, các TCTD triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.
Đồng thời, các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6-6,5%/năm, trung và dài hạn 8-10,5%/năm; đối với SXKD thông thường, khoảng 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung dài hạn.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, quý 4/2017, vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đó là nhờ áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Dollar Index đã giảm khá mạnh; Lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%); Việc phát hành TPCP các tháng cuối năm chỉ còn chưa tới 20% kế hoạch, lợi suất TPCP các kỳ hạn vẫn thấp hơn khoảng khoảng 1-1,5 điểm % so với đầu năm 2017, tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất; Yếu tố hỗ trợ từ phía cơ chế, pháp lý về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Vẫn xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%
Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo NHNN nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017 từ mức 18% lên mức 21%, nhưng theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, NHNN vẫn có sự thận trọng nhất định trong điều hành cung tiền M2. Biểu hiện là cung tiền M2 luôn thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng (cùng kỳ năm 2015 và 2016, tăng trưởng M2 có xu hướng tương đồng, thậm chí nhỉnh hơn so với tăng trưởng tín dụng).
Điều này nhiều khả năng xuất phát từ lo ngại của nhà điều hành liên quan đến rủi ro lạm phát. BVSC cho rằng, diễn biến lạm phát hiện nay mặc dù chưa nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ nhưng đã cho thấy rủi ro tăng cao hơn so với thời điểm cuối quý II.
Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/9/2017 mới chỉ tăng 11,02%; vẫn còn cách khá xa mục tiêu 21%. Do vậy, theo BVSC, khả năng tăng trưởng cho vay có về đích hay không còn phụ thuộc vào việc điều hành cung tiền M2 của NHNN (điều này lại tùy thuộc vào việc đánh giá rủi ro lạm phát) cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Nhận định mới nhất của Ngân hàng HSBC về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% năm 2017 rằng, tăng trưởng kinh tế nhờ vào tín dụng không hẳn là một vấn đề do vai trò của tiêu dùng tư và đầu tư phi nhà nước ngày càng tăng, động thái này có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng nếu nguồn tín dụng mới được phân bổ vào các ngành công nghiệp kém hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, HSBC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ còn tăng tiếp trong quý IV/2017 và tin tưởng Việt Nam có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm, tuy nhiên điều này có thể gây ra nhiều thách thức.”./.
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 21% nhưng đối mặt nhiều rủi ro?
Tăng tín dụng lên 21%, cần kiểm soát chặt phân bổ nguồn vốn