Thanh long cần được đưa vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia
VOV.VN - Hợp tác liên kết và mở rộng thị trường nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng để thanh long trở thành mặt hàng chủ lực quốc gia chính là vấn đề cần đặt ra đối với trái cây thanh long hiện nay.
Khó khăn của người trồng đến mức phải chặt bỏ cây thanh long cũng chính là khó khăn đã từng xảy ra với rất nhiều cây nông nghiệp khác. Bởi khả năng thích ứng với thay đổi thị trường còn thấp, sản xuất mang tính tự phát. Để hướng tới việc trồng cây thanh long hiệu quả, bền vững, ngoài xây dựng vùng sản xuất, tạo sự liên kết vùng thì cần đào tạo để có những người trồng thanh long chuyên nghiệp, am hiểu thị trường, biết sản xuất và vận hành theo quy luật của thị trường.
Có như vậy, chúng ta mới giải được lời nguyền “Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” cho cây thanh long. Bài 3 và cũng là bài cuối trong loạt bài “Giải lời nguyền cho cây thanh long” với tiêu đề "Chuyên nghiệp hóa nông dân, tạo liên kết vùng sản xuất" chúng tôi sẽ nêu lên vấn đề này.
Cần những nông dân chuyên nghiệp
Hợp tác xã (HTX) thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là một trong ít mô hình HTX thanh long thành công trong sản xuất, chế biến kết nối với đơn vị tiêu thụ và quy tụ người nông dân. Thành lập từ năm 2017, HTX đến nay có 12 thành viên với 35 ha thanh long, trong đó 5 ha thanh long trồng và chế biến theo tiêu chuẩn Global GAP và 30ha Viet GAP. HTX còn liên kết với các hộ sản xuất tại địa phương với gần 200ha thanh long đạt chất lượng VietGAP.
Đáng nói là, khi dịch bệnh bùng phát, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh thanh long gặp khó khăn nhưng HTX Thanh long sạch Hòa Lệ bằng các mối quan hệ giao thương đã liên kết với một số doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để tiêu thụ tốt sản phẩm.
“Nhờ là thành viên của HTX nên cá nhân cũng được sự hỗ trợ để tái đầu tư. Trong năm 2020 – 2021, nhà nước cấp phân bón để mình tái đầu tư lại cũng như những chính sách động viên xã viên vào HTX để sản xuất thanh long GlobalGAP”, bà Nguyễn Thị Sương, ngụ thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, thành viên HTX Thanh long sạch Hòa Lệ cho biết.
Để thay đổi tập quán sản xuất của người trồng thanh long, vai trò của các HTX rất quan trọng. Từ thực tiễn ở HTX mình, ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Thanh long sạch Hòa Lệ cho rằng, để xoá bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tự phát và manh mún của người trồng thanh long, rất cần sự quyết liệt của các ban ngành, chính quyền địa phương, liên hiệp HTX. Ngành chức năng cũng cần thành lập các hội quán để chia sẻ kinh nghiệm làm thanh long sạch, đảm bảo chất lượng và đạt tiêu chuẩn… đảm bảo xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
“Muốn phát huy hiệu quả trong quá trình quy tụ sản xuất, cách khả thi là phải liên kết chuỗi HTX với DN trong nước, DN xuất khẩu đến hộ nông dân và ban nghành, chính quyền địa phương. Trong sản xuất và tiêu thụ, chuỗi nàu cùng bắt tay nhau, đoàn kết mới phát huy được hiệu quả bởi sẽ rất có lợi về mọi mặt như gom diện tích để nhập số lượng lớn vật tư đầu vào, từ đó giảm đáng kể giá thành đầu vào cũng như có kế hoạch để đảm bảo đầu ra sản phẩm không bị thiếu hoặc thừa nguồn cung”, ông Đỗ Thanh Hiệp cho biết thêm.
Hướng đến hình thành vùng sản xuất thanh long lớn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường rất cần những người nông dân chuyên nghiệp. Theo TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ NN&PTNT II thuộc Bộ NN&PTNT, chuyên nghiệp hoá người nông dân là việc cần làm, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu.
Với người trồng thanh long, không thể thay đổi tư duy “một sớm một chiều” nhưng phải bắt đầu từ những việc đơn giản. Đó là bồi dưỡng, tập huấn cho người trồng về nhu cầu thị hiếu của thị trường, ghi chép nhật ký sản xuất. Với những người không chuyên, sẽ tham gia HTX với vai trò thành viên thụ động, và nhà nước sẽ phải có khoá đào tạo để dần dần họ sớm thích nghi với quy mô sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất…
Để quy tụ được người nông dân tham gia vào HTX,cần phải xây dựng và phát huy được vai trò của HTX. TS. Trần Minh Hải cho rằng, HTX cần tách hai nhóm bao gồm thành viên chính thức và thành viên liên kết. Thành viên chính thức là gồm đa số người trồng thanh long và những người kinh doanh thanh long. Thành viên liên kết có thể là DN, cá nhân kinh doanh loại cây trồng này. Sự kết hợp này sẽ tạo nên tính bền vững cho HTX thanh long.
“Rất cần cân nhắc dịch vụ mua bán thanh long, bởi hiện nay việc lập ra các HTX thanh long đơn thuần chỉ để mua bán thanh long. Trên thế giới, các HTX thành lập ra nếu chỉ làm nhiệm vụ marketing thì 70% là lỗ và ở Việt Nam cũng vậy. Việc phát triển tiêu thụ thanh long nên theo hình thức liên kết sẽ rất họp lý, thay vì đi ký hợp đồng với 40 DN đầu mối, các HTX sẽ đại diện cho 40 hộ để ký hợp đồng với DN”, TS. Trần Minh Hải cũng khuyến cáo:
Xây dựng mối liên kết vùng sản xuất
Muốn phát triển bền vững phải để người trồng yên tâm sản xuất. Ngoài sự sâu sát của chính quyền địa phương, theo ông Lê Tấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo ngành nông nghiệp cần xây dựng chiến lược nghiên cứu đánh giá tiềm năng, nhu cầu thị hiếu thị trường một cách bài bản, có cơ sở khoa học, từ đó để có khuyến cáo đối với các tỉnh về quy hoạch, sản xuất để làm sao đảm bảo cung cầu.
Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng cần phối hợp thường xuyên với Bộ Công Thương để điều tiết sản xuất. Ngoài tìm kiếm thị trường tiêu thụ cần liên kết sản xuất, tăng cường công tác chế biến và như vậy sẽ giải quyết được ứ đọng hàng hóa.
“Cần đưa cây thanh long vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và dành riêng cho thanh long 1 nhóm tên mà không nhằm chung trong nhóm cây ăn trái, để từ đó có chính sách hỗ trợ phát triển cây thanh long. Hiện nay diện tích thanh long khoảng 64.000ha, sản lượng 1,3-1,4 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 1,1 tỷ USD và tỷ trọng còn cao hơn nữa nếu có chính sách tốt”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong kiến nghị.
Hợp tác, liên kết và mở rộng thị trường nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm để phát triển đang là vấn đề đặt ra với trái cây thanh long. Để làm được điều này, ngoài xây dựng, đào tạo những người trồng chuyên nghiệp nắm vững thông tin về thị trường, các HTX cũng cần thay đổi cung cách để đi vào thực chất và một sự liên kết rất quan trọng nữa đó là sự liên kết giữa các tỉnh thành.
Bấy lâu nay, các địa phương trồng thanh long vẫn đang thực hiện xúc tiến kiểu “mạnh ai nấy làm” nên nhiều sản phẩm được xúc tiến đã không đáp ứng được yêu cầu thị trường. Trong bối cảnh diện tích trồng thanh long ở các nước trong khu vực và trên thế giới đang ngày càng mở rộng, sự phối hợp giữa các địa phương sẽ giúp cho trái thanh long Việt Nam ngày càng tiến xa hơn, bền vững hơn, giàu tính cạnh tranh hơn./.
Loạt bài: Giải "lời nguyền" cho cây thanh long
Bài 1: “Vị đắng cây làm giàu”