Thị trường gas còn nhiều bất cập
Thị trường gas đang diễn biến rất phức tạp, tình hình sang chiết và vận chuyển, tiêu thụ gas lậu vẫn hoạt động mạnh gây rối loạn, trong khi đó, công tác quản lý còn nhiều bất cập…
Giá và nguồn đều bấp bênh
Thị trường gas “nở nồi” kéo theo sự bùng nổ nhu cầu tiêu thụ gas. Nhờ vậy, số hộ gia đình sử dụng gas tăng nhanh với tốc độ 15-20% mỗi năm. Chưa kể, một cuộc cách mạng về sử dụng nguyên liệu sạch trong ngành công nghiệp cũng khởi động.
Nếu năm 1999, nhu cầu tiêu thụ của cả nước xấp xỉ 300.000 tấn/năm, thì 6 năm sau, con số này đã là 900.000 tấn/năm. Trong khi đó, Nhà máy Dinh Cố vận hành hết công suất cũng chỉ đáp ứng 320.000 tấn/năm.
Gần 1.000.000 tấn gas đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng năm hoàn toàn lệ thuộc vào gas nhập khẩu. Nếu công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn tất, thì cũng phải đến năm 2009, chúng ta mới có thêm mỗi năm 250.000 tấn gas.
Nhưng với đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ gas 10-15%/năm thì từ năm 2009 trở đi, lượng gas nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 700.000-800.000 tấn/năm. Vì vậy, dễ hiểu vì sao khi thị trường gas thế giới nóng, lạnh thất thường, thị trường gas nội địa cũng biến động theo.
Theo các công ty kinh doanh gas: Giá gas thay đổi liên tục khiến người bán hàng cũng phải đau đầu định giá bán lẻ, vì khách hàng rất than phiền việc giá gas lên xuống bấp bênh.
Theo ông Trần Minh Tâm, trưởng phòng kinh doanh Công ty liên doanh khí đốt Sài Gòn, giá gas trong nước không vận hành theo quy luật cung cầu do chúng ta vẫn chưa có văn bản luật nào quản lý thị trường gas. Giá gas không được khống chế bằng giá trần giống như giá xăng dầu. Trong khi đó, giá gas thế giới diễn biến rất khó đoán.
Ông Trần Trung Chính, Chủ tịch Câu lạc bộ G10 (Câu lạc bộ những doanh nghiệp kinh doanh gas uy tín), bức xúc: “Cái khó nhất là chúng ta vẫn chưa quản lý được hệ thống đầu mối nhập khẩu. Trong khi đó, hệ thống kho dự trữ gas trong nước còn quá yếu. Hiện kho dự trữ lớn nhất chỉ trữ được 2.000 - 3.000 tấn nên không đảm bảo nhu cầu dự trữ dài hạn”.
Hành lang pháp lý còn lỏng lẻo
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh: “Những năm gần đây, song song với sự lớn mạnh của thị trường thì môi trường kinh doanh trong lĩnh vực gas đã xuất hiện nhiều điểm bất cập, như chất lượng vỏ bình gas, nạn kinh doanh gas giả, sang chiết nạp gas trái phép, gas nhái nhãn mác, nhập khẩu bình gas cũ và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng trên do các văn bản quy định của Nhà nước trong kinh doanh gas vẫn chưa đầy đủ và công tác kiểm tra, kiểm soát còn lỏng lẻo”.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Khí (đơn vị chiếm 60 – 70% sản lượng cung cấp cho thị trường LPG trong nước) cho biết, thị trường kinh doanh LPG (gas) Việt Nam hiện có gần 80 doanh nghiệp kinh doanh LPG, với mạng lưới hơn 5.000 cửa hàng đại lý bán lẻ gas, hạ tầng kỹ thuật, cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển, trạm chiết nạp, bình chứa… được đầu tư phát triển rất chậm, quy mô nhỏ và thiếu quy hoạch phát triển tổng thể.
Phân tích về giá bán lẻ gas trong nước, lãnh đạo Công ty Liên doanh Khí hóa lỏng Việt Nam (VT- Gas) cho biết: “Giá bán lẻ gas trong nước những năm qua đã hình thành và phát triển hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Điều này có nghĩa là không có bất kỳ sự can thiệp của Nhà nước về giá bán lẻ. Giá bán lẻ một bình gas hiện nay phụ thuộc vào quy mô đầu tư, trình độ quản lý của từng doanh nghiệp và chi phí của hệ thống phân phối qua tổng đại lý, qua đại lý và qua các cửa hàng phân phối lẻ. Do trên thị trường hiện nay chưa xây dựng và quản lý được hệ thống phân phối nên thường diễn ra hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh gas, các tầng nấc phân phối trung gian và cửa hàng bán lẻ tranh mua, tranh bán”.
An toàn cho người sử dụng chưa được bảo đảm
Về vấn đề quản lý vỏ bình gas hiện nay, ông Trần Trung Chính cho rằng, việc quản lý hiện nay hết sức lỏng lẻo, từ vấn đề chất lượng vỏ bình ảnh hưởng tới an toàn cho người sử dụng đến vấn đề xác định quyền sở hữu vỏ bình và trách nhiệm của các công ty khi xảy ra rủi ro cháy nổ… Ông Chính còn phản ánh, hiện đã có một số công ty lập ra các xưởng cải tạo, sửa chữa vỏ chai gas, nhưng thực chất là chiếm dụng vỏ chai gas của các hãng khác, sau đó cải tạo, thay tai sách, đóng dập lại số serie, sơn hoặc dán logo, nhãn mác thành vỏ chai mang thương hiệu của họ để tung ra thị trường. Các tác động này làm thay đổi kết cấu khiến sức chịu áp lực của vỏ chai gas giảm, hơn nữa việc tẩy xóa thông số dẫn đến không có căn cứ để kiểm tra, và các vỏ chai gas này luôn có nguy cơ biến thành những quả bom có sức công phá rất lớn.
![]() |
Ông Chính cho rằng, mức xử phạt hành vi kinh doanh gas giả nhãn hiệu vẫn còn quá nhẹ, không đủ răn đe so với mức lợi nhuận mà họ thu được, nên các cơ sở sang chiết gas trái phép vẫn liên tiếp tái diễn. Trong khi đó an toàn cho người sử dụng bị đe doạ, Nhà nước thất thu thuế. Ông Chính ước tính, nếu số lượng bình gas bị trốn thuế khoảng 20- 30% thì một năm Nhà nước thất thu trên 80 tỷ đồng.
Ông Chính cũng nêu một thực trạng, thời gian qua một số công tu kinh doanh gas được lập ra nhưng chỉ nhằm mục đích buôn bán vỏ chai gas, dẫn đến tình trạng kinh doanh gas và quản lý vỏ chai gas ngày càng lộn xộn và nguy hiểm.
Một số công ty kinh doanh gas cho biết, hàng năm dù đã rất cố gắng những cũng chỉ thu về được khoảng 60- 70% số vỏ chai gas đến hạn kiểm định. Điều này lý giải tại sao số chai gas sang chiết trái phép được phát hiện mỗi năm mỗi tăng.
Với góc nhìn từ cơ quan quản lý cạnh tranh, ông Nguyễn Đức Thành- Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, với đặc điểm của thị trường gas như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh gas dễ có thể tiến hành các hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nhằm cạnh tranh không lành mạnh như: chỉ dẫn gây nhầm lẫn, gièm pha doanh nghiệp khác, quảng cáo, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Thành cho biết, để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương đang soạn thảo các nghị định quản lý thị trường gas nhằm giúp quản lý thị trường gas đi vào nề nếp trong thời gian tới./.
Đặng Khanh