Thị trường TPDN: Quan trọng nhất là duy trì thanh khoản, lấy lại niềm tin
VOV.VN - Nút thắt lớn nhất hiện đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp (DN) bởi các kênh huy động vốn của DN đều đang bị tắc. Trong khi đó, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II - đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu gần đây rất khó khăn.
3 rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng của năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%.
Trong đó, Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trong 9 tháng năm 2022, chiếm 57,7% tổng giá trị phát hành, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Nhóm ngành Bất động sản chiếm 21,5% tổng giá trị phát hành, giảm mạnh 67,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Với tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Phân tích dữ liệu FiinGroup cho rằng, nếu không tháo gỡ các vướng mắc, thị trường sẽ đối mặt 3 rủi ro lớn. Thứ nhất, nhà đầu tư mất niềm tin tiếp tục tháo chạy khỏi trái phiếu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả lĩnh vực ngân hàng và thị trường chứng khoán.
Thứ hai, vỡ nợ trái phiếu và vi phạm chéo tiếp tục lan rộng. Cuối cùng, khủng hoảng thanh khoản nợ doanh nghiệp sẽ ngày càng trầm trọng, từ đó gia tăng nợ xấu ngân hàng.
“Ngoài ra, rủi ro còn đến từ khả năng tháo chạy của dòng vốn ngoại và nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023”, lãnh đạo FiinGroup lo ngại.
Giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn
Theo ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc của VNDirect, nút thắt lớn nhất hiện đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của DN bởi các kênh huy động vốn của DN đều đang bị tắc. Trong khi đó, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II - đầu quý III/2022, các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp như thị trường cổ phiếu gần đây rất khó khăn.
“Kênh trái phiếu quý IV/2022 gần như không có DN nào huy động được trái phiếu mới, đặc biệt sau vài sự kiện xảy ra cũng như điều chỉnh của Nghị định 65 dẫn đến kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp bị ách tắc”, ông Nguyễn Vũ Long cho biết.
Trong ngắn hạn, điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay sẽ đến từ tín dụng ngân hàng nhưng lại không thể cho vay mới khi các ngân hàng đã cạn room.
Theo lãnh đạo VNDirect, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường rất quan trọng. Một số sự việc xảy ra thời gian gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư, do đó, trong dài hạn cần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vốn. Đây chỉ là những “con sâu”, là một phần trên thị trường chứ không phải bức tranh của toàn bộ thị trường TPDN.
Để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng, trước hết phải tính toán khả năng từ nội tại chính doanh nghiệp. DN nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với DN đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, DN có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn.
“Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, DN có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Vừa qua, Citi Bank đã đồng ý chuyển đổi trái phiếu Novaland thành cổ phiếu NVL với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá NVL chỉ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu”, ông Mã Thanh Danh cho hay.
Riêng với những DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, DN cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc DN rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…
Ngoài ra, DN cũng có thể tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường. Gần đây, sau khi thị trường chứng khoán sau khi rớt điểm liên tiếp đã tăng lại, dòng tiền tăng lên đáng kể. DN vì thế có thể tính toán phương án huy động vốn qua thị trường này để thanh toán trái phiếu. Thậm chí họ có thể bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về.
Bên cạnh đó, ông Mã Thanh Danh cũng khuyến nghị doanh nghiệp tính toán phương án huy động vốn qua thị trường chứng khoán hoặc bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về thanh toán trái phiếu. Trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp có thể tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ, dù các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến.
“Nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp”, Chủ tịch của CIB nói.
Bộ Tài chính 'thúc' doanh nghiệp phải trả nợ, lãi trái phiếu đúng hạn
Sau cuộc họp với doanh nghiệp phát hành lớn trên thị trường TPDN và một số công ty chứng khoán thực hiện hoạt động tư vấn phát hành TPDN có thị phần môi giới lớn để trao đổi về tình hình thị trường chứng khoán, TPDN, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các DN phát hành đề nghị thực hiện ngay các công việc nhằm ổn định và lấy lại niềm tin của thị trường.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các DN thực hiện trách nhiệm đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính DN để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của DN với nhà đầu tư và trên thị trường.
“Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, DN chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tránh gây mất trật tự xã hội. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính lưu ý.
Theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán, thị trường TPDN có nhiều biến động; thị trường xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về các DN phát hành.
“Bộ Công an đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong việc thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường”, Bộ Tài chính cho hay.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các DN chủ động, kịp thời cung cấp thông tin để nhà đầu tư có thông tin chính thống về hoạt động của DN; xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của DN và công bố kết quả cho các nhà đầu tư để hiểu tình hình của DN./.