Chỗ đứng lâu dài cho thương hiệu quả vải Việt Nam tại Nhật Bản
VOV.VN - Khi quả vải đã có uy tín, có vị thế, cần phải tăng cường liên kết giữa những người sản xuất, những người xuất khẩu cũng như các cơ quan quản lý của Việt Nam cùng quản lý chặt từ khâu trồng quả vải, cho đến thu hoạch, xử lý...
Những năm gần đây, quả vải tươi Việt Nam đã xuất hiện nhiều trên thị trường thế giới đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, châu Âu…Tại Nhật Bản, nhiều người tiêu dùng đã đánh giá rằng hoa quả Việt Nam trong đó có quả vải ngon hơn hoa quả của một số nước khác.
Xâm nhập thị trường đã khó, duy trì càng khó hơn
Để quả vải tươi đến được với người tiêu dùng Nhật Bản, các công đoạn từ thủ tục đến khi có hàng xuất là cả một quá trình. Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, phải trải qua khoảng 5 năm đàm phán mới có thể đưa được quả vải đến thị trường Nhật Bản. Việc đăng ký lựa chọn các quả vải có chất lượng tốt, sau đó xử lý chế biến theo các yêu cầu kỹ thuật của phía Nhật Bản để đảm bảo được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo luật pháp Nhật Bản không hề đơn giản. Tuy vậy, khi quả vải đã có uy tín, có vị thế, cần phải tăng cường liên kết giữa những người sản xuất, những người xuất khẩu cũng như các cơ quan quản lý của Việt Nam cùng quản lý chặt từ khâu trồng quả vải, cho đến thu hoạch, xử lý...
Ông Minh cũng cho biết thêm, khi bán hàng sang thị trường Nhật Bản thì việc tạo được thương hiệu là rất tốt. Tuy nhiên, về mặt giá cả, việc tạo ra một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để đảm bảo giá cả khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mang tính ổn định, lâu dài là vô cùng cần thiết. Có mặt trên thị trường Nhật Bản là một thành công, nhưng để duy trì lâu lài và ổn định sản phẩn xuất khẩu mới là vấn đề quan trọng.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam thì khi xâm nhập được vào thị trường đã khó, nhưng khi đã lấy được lòng tin của khách hàng thì phải giữ được lòng tin đó. Nếu chỉ một lô sản phẩm hay một nhóm hàng nào đó bị ảnh hưởng chất lượng, kém hơn so với sản phẩm mà chúng ta đã quảng bá, so với cái chúng ta đã kỳ vọng thì sẽ mất uy tín. Và một khi đã mất uy tín thì việc lấy lại uy tín rất là khó.
"Do đó tôi mong muốn đầu tiên là các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư thêm các trang thiết bị, đầu tư công nghệ mới trong việc bảo quản. Để làm sao quá trình vận chuyển hàng hóa không bị ảnh hưởng về chất lượng. Điều hơn là người nông dân chúng ta phải tôn trọng các quy trình sản xuất, tuyệt đối không để dư thừa các loại hóa chất, cũng như các chất độc hại trong sản phẩm trước khi xuất khẩu", ông Nam lưu ý.
Tạo thương hiệu quả vải lâu dài tại Nhật Bản
Hầu hết các khách hàng Nhật Bản khi được hỏi về quả vải Việt Nam đều cho rằng hương vị rất tuyệt vời, ngon và có phần hơn so với quả vải nhập khẩu từ một số nước khác. Chính vì lẽ đó, nếu như trước đó chỉ có quả vải đông lạnh, thì chỉ 2 năm nay khi quả vải tươi xuất hiện đã tạo nên sự hưng phấn lớn của người tiêu dùng Nhật Bản. Năm nay số lượng vải nhập khẩu vào Nhật Bản tăng lên rất nhiều và đa phần được bán tại siêu thị Aeon.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam, sự hiện diện của quả vải tại thị trưởng Nhật Bản có rất nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, giúp người nông dân thay đổi cách chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị quả vải, nâng giá bán. Thứ hai, tạo ra hiệu ứng dây chuyền để quả vải có thể mở rộng thương hiệu toàn cầu. Thứ ba, sau khi quả vải thành công, thì các loại quả khác cũng phải nhìn theo để học cách làm. Từ đó, nông sản của Việt Nam tương tự như quả vải có thể thâm nhập vào Nhật Bản và các thị trường khó tính khác.
Việt Nam cũng đã có lộ trình rõ ràng để phát triển hàng nông sản Việt Nam tại Nhật Bản. Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết, hiện Việt Nam đã thống nhất mục tiêu với Aeon là đến năm 2025 sẽ đạt tổng giá trị trao đổi qua Aeon đạt 1 tỷ USD. Đây mới chỉ là 1 hệ thống siêu thị. Qua đó, ngoài các mặt hàng nông sản, các sản phẩm khác như may mặc, giày dép, hàng tiêu dùng cũng đang tăng lên đáng kể. Các sản phẩm của Việt Nam qua hệ thống Aeon được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết thêm, trong năm 2021, văn phòng thương mại tại Nhật Bản có nhiều kế hoạch như tổ chức các chương trình, các cuộc triển lãm tại Nhật Bản để giới thiệu hàng nông sản của Việt Nam tới nhiều người mua hàng của Nhật Bản cũng như các nhà nhập khẩu của Nhật Bản. Trong tháng 3 vừa rồi, Việt Nam đã có một gian hàng triển lãm Foodex Japan, giới thiệu các sản phẩm của 30 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các nhà nhập khẩu của Nhật Bản. Tháng 6 vừa qua, cuộc hội thảo xúc tiến thương mại giữa hơn 100 doanh nghiệp hai nước đã được tổ chức, và một niềm vui lớn đã đạt được khi có hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết.
Ông Oishi Okazaki – Giám đốc phụ trách khu vực ASEAN của tập đoàn Aeon đánh giá cao quả vải Việt Nam đồng thời kỳ vọng vào việc có thể nhập tiếp quả chuối và nhãn của Việt Nam. "Chúng tôi bắt đầu bán quả vải của Việt Nam từ năm ngoái và bán hết 5 tấn rất nhanh. Khách hàng cũng đang rất mong đợi cho mùa vải năm nay. Cho nên có thể nói người tiêu dùng Nhật Bản rất ưa thích quả vải", ông Oishi Okazaki nói.
"Ngoài quả vải Việt Nam rất thành công rồi, thì có một loại hoa quả khác mà chúng tôi đang hướng tới đó là chuối. Nhật Bản nhập khẩu chuối từ nhiều nơi như Ecuador, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)..., nhưng chuối Việt Nam tôi thấy độ ngon, vị cũng tốt hơn. Trong thời gian tới cũng sẽ tập trung nguồn lực xúc tiến việc nhập khẩu chuối", ông Oishi Okazaki thông tin thêm.
Với những nỗ lực chung từ khâu sản xuất trong nước đến khâu xúc tiến thương mại tại nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, chắc chắn quả vải tươi Việt Nam và nhiều sản phẩm khác của Việt Nam sẽ có được thị phần quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, tăng cường giao lưu nhân dân giữa Việt Nam-Nhật Bản./.