Thu phí không dừng ETC: Vẫn nhiều vướng mắc, liệu có còn “tối hậu thư”?
VOV.VN - Hàng loạt vướng mắc vẫn chưa được “thông” giữa nhà đầu tư BOT giao thông với các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC khiến dự án vẫn dậm chân tại chỗ dù hạn chót đã cận kề.
Còn đúng 2 tháng nữa, năm 2020 sẽ kết thúc, đồng nghĩa với việc dự án thu phí không dừng ETC phải cán đích theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo mới đây của Bộ GTVT, vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ và vẫn phát sinh nhiều vướng mắc giữa đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí và nhà đầu tư, nếu không tháo gỡ sẽ vẫn tiếp tục tình trạng chậm trễ. Với Bộ GTVT sẽ báo cáo như thế nào với Thủ tướng, thu phí tự động không dừng liệu có còn ''tối hậu thư'' kế tiếp?
“Điểm danh” 8 nhà đầu tư BOT chưa ký hợp đồng thu phí không dừng
Dự án thu phí tự động không dừng ETC giai đoạn 2 (BOO2) có tổng số 33 trạm thuộc quản lý 22 nhà đầu tư BOT. Nhưng đến ngày 30/10, vẫn còn 8 nhà đầu tư chưa ký hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC với nhà cung cấp dịch vụ là Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam.
8 nhà đầu tư BOT (11 trạm) chưa ký hợp đồng dịch vụ bao gồm: Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (trạm cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới); Công ty cổ phần BOT 38 (Trạm QL38 đoạn Bắc Ninh - Hải Dương); Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 (Trạm thu phí đặt ở đường Bắc Thăng Long- Nội Bài, Hà Nội, thu phí hoàn vốn cho tuyến QL2, đoạn tránh TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc); Công ty CP BOT cầu Thái Hà (Trạm cầu Thái Hà); Công ty CP đầu tư BOT Đèo Cả - Khánh Hòa (Trạm Ninh Lộc trên QL1); Công ty CPĐT Đèo Cả (DCIC) đang quản lý 3 trạm là Trạm Bàn Thạch, Trạm Hầm Đèo Cả, Trạm Hầm Cù Mông trên QL1); Công ty cổ phần BOT Quang Đức - Gia Lai (trạm Km1747, QL14); Công ty CP Đầu tư cầu Mỹ Lợi (Trạm cầu Mỹ Lợi, QL50).
Theo tìm hiểu của phóng viên VOV.VN, vướng mắc trong đàm phán hợp đồng dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 chủ yếu do nhà đầu tư BOT yêu cầu sau khi có văn bản chấp thuận của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án BOT mới bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ lắp thiết bị; Cùng đó là do cách tính doanh thu thu phí bị thất thoát do hành vi vi phạm của các bên; nhà đầu tư BOT đề nghị vận hành trạm thu phí; mức phí dịch vụ...
Nhà đầu tư đưa ra lý lẽ khi chưa đặt bút ký BOO2
Không ít phàn nàn từ người dùng đối với vận hành ETC hiện nay do các bất tiện về tài khoản thu phí ETC chưa liên thông với tài khoản ngân hàng, phát sinh nhiều loại tài khoản thẻ. Xác nhận thực tế này, đại diện ngành giao thông cho biết việc liên thông thu phí tài khoản ETC (tại BIDV) đang “thử nghiệm mở rộng” tới ngân hàng khác và ví điện tử của nhà cung cấp khác. Có nghĩa, trong hiện tại, việc bất tiện là có thật, còn cách khắc phục “đang được nghiên cứu”, các chủ xe phải sử dụng và lúc nào cũng phải dư tiền lưu trong tài khoản ETC mới sử dụng được lưu thông.
Dẫn chứng nữa mà các nhà đầu tư đưa ra là việc thiếu cơ sở và vô lý còn ở chỗ quy mô làn thu phí và doanh thu thu phí một số trạm như nhau nhưng khi ký hợp đồng với mỗi đơn vị cung cấp dịch vụ (BOO1& BOO2) lại quy định một mức phí khác nhau; có nhà cung cấp dịch vụ đàm phán mức phí theo thị trường với đơn vị sử dụng (khoảng 2-3% doanh thu trước thuế) nhưng cũng có nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu mức (5-7% doanh thu sau thuế) với lý do mức phí được ký hợp đồng triển khai dịch vụ với Bộ GTVT tại các trạm là như vậy.
Ngoài ra, các nhà đầu tư lo ngại sẽ càng bất cập hơn khi hình thức thu phí ETC giữa các trạm do hai đơn vị cung cấp dịch vụ VETC (BOO1) và VDTC (BOO2) hiện chưa được kết nối liên thông. Trong khi theo quy định thì hệ thống của 2 đơn vị này phải tương thích và liên thông với nhau. Điều mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện vẫn đang “loay hoay” chưa có giải pháp cụ thể để kết nối liên thông và không biết bao giờ được thực hiện thông suốt.
Một vấn đề cũng rất được quan tâm, thời gian vừa qua một số địa phương do nhận thấy bất cập đã chủ động phối hợp cùng các nhà đầu tư phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng ETC trên các tuyến do địa phương quản lý. Đáng chú ý tiêu chí tiên quyết đưa ra để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng ETC là mức phí dịch vụ đề xuất (tỷ lệ % trên doanh thu) với giá thấp nhất và đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị và kết nối hoàn thành trước ngày 31/12/2020 vẫn còn nhiều điều khoản các bên chưa thống nhất được với nhau.
Chưa thấy lối ra
Theo lý giải của Bộ GTVT, những vướng mắc chính trong việc chậm triển khai thực hiện thu phí không dừng chủ yếu là về hợp đồng. Phía các nhà đầu tư BOT đang đưa ra “yêu sách” rằng họ sẽ chỉ bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ lắp thiết bị thu phí không dừng khi đã có văn bản chấp thuận của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án BOT. “Yêu sách” này thực sự đang làm khó Bộ GTVT trong việc triển khai dự án thu phí không dừng, nhất là trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng và tổ chức tín dụng đang siết chặt khoản cho vay đầu tư vào dự án BOT giao thông.
Bên cạnh đó, vẫn còn những điểm vênh nhau trong cách tính doanh thu thu phí bị thất thoát do hành vi vi phạm của các bên, trong vận hành trạm thu phí, mức phí dịch vụ giữa nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý Nhà nước khiến cho dự án liên tục bị tắc.
Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến hợp đồng hay sự thiếu nhất quán về mặt quan điểm giữa nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình triển khai dự án thu phí không dừng vẫn không phải là vướng mắc đáng lo ngại nhất.
Câu chuyện dán thẻ E-tag (thẻ thu phí không dừng) cho các phương tiện và những vấn đề nảy sinh xung quanh những chiếc thẻ này cũng đang làm Bộ GTVT hết sức đau đầu.
Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP) thuộc Bộ GTVT cho biết, hầu hết các văn bản chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến thu phí không dừng đều quy định rất rõ ràng việc chủ xe phải gắn thẻ E-tag để thu phí không dừng cho xe tại lần kiểm định gần nhất.
Minh bạch, rõ ràng tỷ lệ ăn chia giữa BOO và nhà đầu tư BOT
Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, dự án thu phí tự động không dừng thuộc loại hình hợp đồng đối tác công tư BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành), một hình thức hợp đồng cởi mở. Nhà đầu tư BOO không thể cứ thấy lợi ích thì lao vào, khó thì không chia sẻ rủi ro.
Theo PGS.TS Trần Chủng, dự án thu phí tự động không dừng không phải chỉ chăm chăm mua sắm thiết bị, xây dựng phần mềm, mang đến lắp đặt và thu tiền mà còn nhiều việc khác phải làm.
Thứ nhất, để triển khai được hợp đồng BOO, giữa VETC (BOO1), VDTC (BOO2) và nhà đầu tư BOT phải ký phụ lục hợp đồng do phát sinh một lượng chi phí nhất định cho việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng. Đây là thủ tục tài chính bắt buộc phải tôn trọng và thực hiện. Nhà đầu tư BOT phải tuân thủ hợp đồng dự án, nếu không ký phụ lục hợp đồng họ không thể thực hiện được.
"Hiện còn gần 10 trạm thu phí ký phụ lục hợp đồng dịch vụ, họ có lý do thuyết phục để chứng minh. Do đó, phải bổ sung phụ lục hợp đồng, vận hành kết nối thông suốt trước, không phải chỉ lo đi lựa chọn thiết bị", PGS.TS Trần Chủng nói.
Thứ hai, về mặt kỹ thuật, phải đảm bảo hệ thống thiết bị kết nối được với hệ thống trong toàn quốc. Phải có đánh giá chính thức, nghiệm thu sự liên thông của toàn bộ hệ thống.
Thứ ba, nhà đầu tư BOO phải tìm ra giải pháp, cách thức để những người sử dụng dịch vụ này sẵn sang dùng. Người dùng phải dán E-tag, mở tài khoản, đặc biệt đối với chủ doanh nghiệp vận tải lớn phải có cách thu phí tiện lợi hơn.
"Dự án thu phí tự động không dừng không thành công đó chính là do cách tổ chức triển khai không tốt. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra ký kết hợp đồng BOO phải chịu trách nhiệm với sự không thành công này, không phải chỉ có lỗi của nhà đầu tư", PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.
Riêng đối với phụ lục hợp đồng giữa VETC (BOO1), VDTC (BOO2) và nhà đầu tư BOT, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam lưu ý, mức trích thu phí là chính là điều khoản gây tranh cãi song kinh tế thị trường bắt buộc phải có điều khoản thỏa thuận này. Mức trích thu phí không thể áp đặt mà phải có hướng dẫn cũng như sự thương thảo, thỏa thuận giữa hai bên.
"Bản chất của thu phí tự động không dừng rất tốt, hợp đồng BOO rất cởi mở nhưng phải hiểu bản chất của hình thức này. Nhà đầu tư BOO và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thấy có lỗi của chính mình trong cách thức triển khai thực hiện", PGS.TS Trần Chủng nói.
TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, với hàng loạt vấn đề vướng mắc trong việc triển khai dự án thu phí không dừng như hiện nay, khả năng Bộ GTVT hoàn thành được dự án đúng với tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra là không cao.
“Từ giờ đến cuối năm 2020 chỉ còn 2 tháng nữa trong khi vẫn có tới 13 trạm BOT chưa triển khai được thu phí không dừng. Đó còn chưa kể vấn đề dán thẻ E-tag rồi yêu cầu chủ phương tiện nạp tiền vào thẻ để sử dụng...”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Một lý do nữa khiến dự án thu phí không dừng bị chậm tiến độ mà TS Nguyễn Xuân Thủy đưa ra chính là sự thiếu quyết liệt, dứt khoát của Bộ GTVT.
“Đây là điều khó hiểu và rất khó để lý giải được bởi Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ trao toàn bộ quyền hành trong việc triển khai dự án này. Thậm chí, khi những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách xuất hiện, Chính phủ cũng lập tức điều chỉnh bằng việc ban hành Quyết định 19/2020 thay thế cho Quyết định 07/2017 và mới đây nhất là Chỉ thị 39/2020”, TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định./.