Doanh nghiệp đã thích ứng thời cuộc, cần tiếp tục vươn lên mạnh mẽ

VOV.VN - Đây là những chia sẻ của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành về vấn đề phục hồi của doanh nghiệp Việt sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chịu tác động nhiều chiều từ đại dịch Covid-19, hơn 5 tháng qua, đã có nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ cuộc đua nơi thương trường, nhưng rất nhiều doanh nhân-doanh nghiệp khác đã và đang nỗ lực trên nhiều khía cạnh.

Không chỉ nhằm trụ được hoặc mong phục hồi năng lực vốn có, nhiều doanh nghiệp còn biết thích nghi với thời cuộc – có khả năng vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Phóng viên VOV phỏng vấn chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành về vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn tác động của dịch Covid-19 trong 5 tháng qua?

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Tôi thấy khả năng chống cự, sống sót, vươn lên và đằng sau đó là tính linh hoạt cũng khá sắc sảo của doanh nghiệp Việt. Nó thể hiện khá rõ trong giai đoạn sức tàn phá của Covid-19 khá lớn.

Đầu tiên thấy rõ là chuyển đổi sản phẩm theo hai nghĩa, một là họ thêm giá trị, giải pháp kèm theo sản phẩm, thêm những tương tác với thị trường, đối tác. Mà tương tác này là tức thời, ví dụ như may mặc, chuyển từ áo sang đồ y tế, đồ ăn thiết yếu thì họ tạo ra những  giá trị xanh hơn. Những giải pháp truyền thống đi kèm tương tác với khách hàng.

Nhóm thứ hai, cố gắng nỗ lực thay đổi, đó là mô hình kinh doanh, ứng dụng rất mạnh công nghệ số, như bán hàng qua mạng, thay đổi cung cách quản trị, tương tác nội bộ...

Trước tình hình khó khăn, các doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức để giảm chi phí, cắt giảm đến mức có thể chấp nhận một thời gian ngắn ngủi gọi là ngủ đông.

Thế nhưng, trong cắt giảm chi phí thấy chất Việt rất rõ: Buộc phải giảm lương, thậm chí phải cắt nhân công – nhưng bao giờ cũng là biện pháp cuối cùng trong cắt giảm chi phí và ngay những lúc khó khăn nhất thì họ cũng cố gắng giữ lại đội ngũ chuyên nghiệp, cần thiết nhất để khi có điều kiện có thể phục hồi nhanh.

Ngoài ra, một khía cạnh tôi cho là rất quan trọng trong tính linh hoạt - họ phải bám rất sát thông tin bởi diễn biến của dịch, những tác động ghê gớm của nó đối với chuỗi cung ứng, cầu thị trường.

Câu chuyện ví dụ như với Trung Quốc ban đầu rất khó khăn, kể cả xuất và nhập, chuỗi cung ứng…. nhưng khi họ khống chế dịch tương đối thuận, bắt đầu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc tốt. Và một cách nắm bắt thông tin nữa là cách thức hỗ trợ của bộ, ngành, Chính phủ, họ cũng cố gắng tận dụng rất tốt như hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho người lao động hay thông quan, hay các gói hỗ trợ giãn-hoãn, họ đều tận dụng được.

Bên cạnh tính linh hoạt, khả năng chống chịu, sống còn, cầm cự rất mạnh mẽ của DN.

Khả năng chống cự, sống sót, vươn lên và đằng sau đó là tính linh hoạt cũng khá sắc sảo của doanh nghiệp Việt. 

PV: Ông nhìn nhận, cơ quan quản lý nhà nước thích ứng như thế nào để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt?

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Đối với cơ quan nhà nước thì tôi nghĩ đồng hành là phản ánh khá rõ trong giai đoạn 5 tháng qua. Và sự đồng hành đó nó thể hiện rõ mấy bước.

Bước đầu tiên muốn yên ổn, có một thị trường được mở, ít nhất là thị trường trong nước, thì phải khống chế được dịch. Đây là câu chuyện ít-nhiều là thành công của Việt Nam, với chi phí không cao và đã được thế giới đánh giá cao.

Cách chống dịch của Việt Nam khó có nước nào đạt được: Tốc độ phản ứng, cơ chế phản ứng như Ban chỉ đạo; thể chế  phản ứng đều tốt... Và việc thực thi lại tạo ra một sự đồng lòng.

Bước tiếp theo ta làm cũng rất nhanh, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp xây dựng các chính sách hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Từ giữa tháng 2/2020 bắt đầu bàn và chúng ta thấy những giải pháp của Chính phủ đã tương đối kịp thời và cũng đủ linh hoạt, uyển chuyển để bám theo thời cuộc: Có Chỉ thị 11, có Nghị quyết 41, có Nghị quyết 42 và bây giờ là nghị quyết về miễn, giảm thuế phí đang chờ Quốc hội thông qua.

PV: Từ thực tiễn đó, ông có thể gợi mở một vài giải pháp, để cùng với khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt, chúng ta sẽ có thể phục hồi kinh tế tốt hơn và đóng góp vào tăng trưởng chung?

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Tôi lại muốn nói tiếp một chút về doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp không chỉ là thích ứng để cầm cự, tồn tại, họ còn có ý chí vươn lên với một khát vọng, tầm nhìn tốt hơn.

Ngay bây giờ cách thích ứng của họ đã gắn với tái cấu trúc doanh nghiệp: Thị trường với cách thức quản trị, phương thức quản trị, quản lý, để chuẩn bị cho một giai đoạn mới "hậu dịch Covid-19".

Còn đối với cơ quan nhà nước, tôi được biết là đang làm rất ráo riết 2 chuyện cho giai đoạn cầm cự, tồn tại, phục hồi của doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên