Giả mạo xuất xứ hàng hóa là đạp đổ niềm tin người tiêu dùng
VOV.VN - Việc gian lận xuất xứ hàng hóa cho thấy nhiều doanh nghiệp đã bất chấp đạo đức kinh doanh làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người tiêu dùng.
Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến hành vi giả mạo xuất xứ, gian lận thương mại đã được phát hiện, đơn cử như vụ Cục Hải quan TP Hải Phòng phát hiện doanh nghiệp (DN) chế xuất với 100% vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, DN này nhập khẩu linh kiện tử Trung Quốc về Việt Nam, sau đó thực hiện một số công đoạn lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để tạo sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu sang nước thứ 3.
Không chỉ hàng hóa xuất khẩu bị giả mạo xuất xứ, hàng hóa tại thị trường trong nước cũng có nguy cơ cao về tình trạng này. Vụ Khaisilk bán hàng Trung Quốc, Asanzo vi phạm quy định gia công chế biến đơn giản và hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam từng khiến cho người tiêu dùng hoang mang, niềm tin suy giảm thì dư luận xã hội những ngày gần đây lại nóng lên vì thông tin hãng thời trang Seven.AM nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác hòng che lấp xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng.
Trước thông tin này, trả lời một số cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP MHA xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hóa đơn. Ông này cũng khẳng định: "Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác Seven.AM. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ "đây là hàng Trung Quốc".
Hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam khiến cho người tiêu dùng hoang mang. (Ảnh minh họa: Moit) |
Lý giải của ông Vũ Hải Anh lập tức nhận được sự phản đối gay gắt của người tiêu dùng cũng như giới chuyên gia. Mặc dù là tín đồ lâu năm của hãng thời trang Seven.AM, nhưng hành vi của DN đã khiến chị Trần Hạnh Nhi ở Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội không tránh khỏi bức xúc.
“Chúng tôi mua hàng là vì tin tưởng đây là sản phẩm của chính DN Việt sản xuất, đã có thương hiệu từ lâu. Việc cắt mác Trung Quốc như thế là lừa dối người tiêu dùng chúng tôi”, chị Hạnh Nhi không giấu nổi nỗi bức xúc.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhãn mác của sản phẩm để thể hiện về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý đối với sản phẩm đó. Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ. Chính bởi vậy, hành vi cắt mác sản phẩm như thừa nhận của vị giám đốc Seven.AM không khác gì lừa dối người tiêu dùng.
Sự việc của Seven. AM cũng tương tự như trường hợp Khaisilk và Asanzo, chỉ khi bị phanh phui, người tiêu dùng mới ngã ngửa là mình đã bị lừa một thời gian dài. Tình trạng DN nhập hàng kém chất lượng về trà trộn và gắn nhãn mác giả mạo xuất xứ “made in Vietnam” thực sự đang gióng lên hồi chuông báo động, cho thấy lợi nhuận đang làm mờ mắt các DN, bất chấp đạo đức kinh doanh. Song điều quan trọng hơn, thực trạng này đang làm suy giảm niềm tin người tiêu dùng.
Nêu lên nguyên nhân hàng hóa giả mạo xuất xứ tại Việt Nam ngày càng phổ biến, nhiều ý kiến cho rằng, là do tâm lý người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam. Nắm bắt tâm lý này, một số đối tượng đã đặt hàng sản xuất tại một số nước (thường là Trung Quốc) có giá rẻ, hàng kém chất lượng, nhập về và gắn mác xuất xứ tại Việt Nam. Thậm chí, hàng giả mạo xuất xứ cũng được làm rất tinh vi, không khác hàng Việt Nam, người tiêu dùng không thể phân biệt được thật - giả.
Có nhiều DN, cho dù đã xây dựng được thương hiệu sau nhiều năm bôn ba thương trường, nhưng chỉ vì lợi nhuận quá lớn mà sẵn sàng thực hiện hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Nhận định về thực trạng giả mạo xuất xứ, gian lận thương mại của nhiều DN trong thời gian qua, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BSCI) cho rằng, bất cứ sự gian dối, gian lận nào trong thương mại cũng đều phải trả giá đắt. Việc tuân thủ đạo đức kinh doanh, xây dựng uy tín thương hiệu là lời giải duy nhất cho bài toán phát triển bền vững của mỗi DN. Nếu DN nào chỉ vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng làm ăn gian dối, sớm muộn cũng sẽ phá sản.
PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cũng cho rằng, xây dựng thương hiệu đối với DN là rất khó, nhưng việc phá vỡ nó lại vô cùng dễ. Chỉ một hành động gây tổn thất niềm tin người tiêu dùng có thể làm sụp đổ hoàn toàn thương hiệu của một DN. Chính bởi vậy, tuân thủ đạo đức kinh doanh, giữ chữ tín bằng cách làm ăn trung thực là cách duy nhất để DN có thể chiếm được niềm tin người tiêu dùng, từ đó mới có thể phát triển một cách bền vững.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, DN muốn tồn tại cần phải coi trọng yếu tố văn hoá DN và đạo đức kinh doanh. Đây chính là những yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi DN trên thị trường, nhất là khi DN Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh./.
Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ và lừa dối người tiêu dùng
Phát hiện lô hàng xe đạp xuất khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam