Thủ tướng trao quyết định quy hoạch tỉnh tầm nhìn đến 2050 cho Hải Dương
VOV.VN - Sáng 10/1, dự Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hải Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương.
Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương và các địa phương, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hải Dương là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KTXH của Hải Dương trong thời gian tới.
Hội nghị này nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và tỉnh Hải Dương, nhất là Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây cũng là Diễn đàn quan trọng, là cơ hội tốt để các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Tỉnh, để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, các dự án cụ thể của Hải Dương; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành TW có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã thông báo về các dự án thu hút đầu tư tại tỉnh. Hải Dương là tỉnh nằm trong khu vực trọng điểm, động lực về kinh tế và có vị trí quan trọng nằm ở trung tâm Ðồng bằng Bắc bộ; có hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Hải Dương hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển KTXH, nền tảng căn bản về công nghiệp có lợi thế về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với nhiều loại cây trồng, trong đó có các loại cây ăn quả, cây công nghiệp…
Tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch với bề dày văn hoá, văn hiến lâu đời, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh; Lực lượng lao động lớn, có trình độ chuyên môn cao. Hải Dương xác định công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện đầu tư môi trường kinh doanh là một trọng tâm.
Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hải Dương thể hiện quyết tâm cao, đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong cách làm, nhất là cách tiếp cận mới trong việc xác định chiến lược phát triển; xây dựng đồng bộ các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Ông Lưu Văn Bản cũng cho biết, trong năm 2023, tỉnh Hải Dương đạt được nhiều kết quả nổi bật, quy mô kinh tế xếp thứ 11/63 cả nước, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu, thu NSNN tăng 19%. Các lĩnh vực đều tăng trưởng cao, đặc biệt, hoạt động đầu tư đạt kết quả rất tích cực, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tổng vốn huy động tăng 15%, thu hút FDI đạt 1,136 tỷ USD - gấp 3,1 lần năm 2022, thu hút đầu tư trong nước trên 11,6 nghìn tỷ đồng - gấp 5,6 lần năm 2022.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Quyết định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương.
Đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hải Dương hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển KTXH nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển cho Hải Dương và lan tỏa cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Thủ tướng thông báo đến các nhà đầu tư về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và của Hải Dương, đồng thời cũng rõ mục tiêu nhiệm vụ giải pháp trọng tậm thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.
Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế, trong đó đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch theo các đột phát: Phát triển 5 trụ cột chính; xây dựng 3 nền tảng hỗ trợ; hình thành không gian phát triển bốn trục.
Thực hiện tốt công tác điều phối, quản lý chặt chẽ, thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát mới.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Tập trung đầu tư kết cấu hạ KTXH, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp trong đó phát huy vai trò động lực của các đô thị, tạo kết nối đồng bộ, thuận lợi giữa các đô thị động lực; Hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trước mắt tập trung vào cải tạo, nâng cấp các tuyến, đầu mối giao thông quá tải; bảo đảm tính kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, các đầu mối vận tải, logistics; chú trọng vận tải đường thủy nội địa; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; huy động các DN và người dân tham gia.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng quản trị; đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; thực hiện chuyển đổi số quốc gia; tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng.
Tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, ngang tầm với phát triển kinh tế, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa xứ Đông; chú trọng công tác quy hoạch và bảo vệ hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh (Côn Sơn - Kiếp Bạc…); tập trung đầu tư cho giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đáp ứng cho các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh; nâng cao năng lực, chất lượng mạng lưới y tế; trợ giúp xã hội, chăm sóc người có công; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp; theo quy hoạch của tỉnh; thẳng thắn góp ý, kiến nghị có trách nhiệm, xây dựng với chính quyền; thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội. Các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động với tinh thần “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả".
Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển”.
Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan; phối hợp chặt chẽ với Hải Dương đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, sự thành công của hội nghị hôm nay là sự khởi đầu tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH tỉnh Hải Dương./.