Khách ngày càng thưa thớt, quán cà phê Hà Nội lao đao chống đỡ COVID-19

VOV.VN - Làn sóng COVID-19 lần thứ tư ập đến, dù chưa phải đóng cửa nhưng loạt quán cà phê ở Hà Nội ngày một điêu đứng khi lượng khách giảm trầm trọng.

COVID 19 ngày càng nặng nề và chưa có dấu hiệu suy giảm khiến những tuyến phố vốn sầm uất bởi là tụ điểm của hàng loạt quán cà phê trứ danh tại Hà Nội như Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Giảng Võ... hay khu vực phố cổ ngày càng thưa thớt người qua lại. Khách giảm mạnh khiến nhiều cửa hàng cà phê cả buổi không có bóng khách, còn lúc đông cũng chỉ lưa thưa vài người. Một số hàng chuyển sang bán online nhưng cũng khá ế ẩm.

Nhiều chủ quán cho biết, sau hơn 2 tháng được mở cửa trở lại, các hoạt động kinh doanh mới bắt đầu phục hồi thì giờ lại phải tiếp tục đau đầu với bài toán doanh thu, tiền thuê mặt bằng, khuyến mãi kích cầu... để có thể sống sót qua làn sóng dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Đặc biệt, dù không thuộc diện tạm dừng hoạt động nhưng đang giữa mùa cao điểm mà hầu hết các quán đều rất vắng khách, khác hẳn sự đông đúc trước kia. Thậm chí, không ít quán cho biết có ngày chỉ đón được vài khách.

Lau dọn hàng ghế gỗ kê ngay ngắn bên trong quán, anh Hùng - chủ một quán cà phê trên phố Hàng Chuối (quận Hoàn Kiếm) cho biết, từ đầu năm đến nay, anh đã đầu tư cả tỷ đồng để tu sửa quán, chi lương cho nhân viên và phí thuê mặt bằng. Anh Hùng hy vọng thu hồi được vốn trong mùa hè vốn thường hút khách này.

Tuy nhiên, COVID-19 bất ngờ bùng phát khiến việc kinh doanh của anh trở nên ì ạch, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Riêng chi phí nguyên liệu, lương nhân viên và phí thuê mặt bằng trong tháng 4, anh đã phải bù lỗ gần 20 triệu đồng.

“Đâm lao phải theo lao thôi. Hy vọng dịch bệnh mau chóng giảm bớt, để mọi thứ bình thường trở lại. Có khách rồi tôi mới tính lại chuyện thu hồi vốn. Hiện giờ tôi chỉ biết cố gắng vận dụng hết khả năng để nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời gian diễn ra dịch bệnh”, anh Hùng trải lòng.

Chung hoàn cảnh, chị Đặng Ngọc Hải, chủ quán cà phê trên phố Bà Triệu cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

“Cửa hàng nhà tôi đến nay đã hoạt động được gần 5 năm nhưng chưa bao giờ tình hình kinh doanh lại khó khăn như thời điểm này. Nhẩm tính doanh thu đợt này sụt giảm đến 90% so với các năm trước”, chị Hải buồn bã kể.

Chị Hải cho biết thêm, giá cho thuê mặt bằng ở các con phố lớn luôn rất cao, đặt ra thách thức không nhỏ cho các chủ cửa hàng kinh doanh. Không ít người không cầm cự nổi đành phải trả mặt bằng. Hiện nhiều mặt bằng trước đây luôn đắt khách thuê thì nay cũng treo biển tìm chủ nhân mới nhưng vẫn chưa được. "Ai kinh doanh thời điểm này hoặc là đã mở quán từ trước hoặc là có sẵn nhà để mở quán, chứ không ai dại gì bỏ đống tiền ra mở quán cà phê để lại dài cổ chờ khách, trong khi đủ mọi loại tiền hàng ngày vẫn phải chi", chị Hải nói

Thực tế, để tiêu thụ hàng hóa những ngày qua, nhiều quán cà phê đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website, thậm chí điện thoại tư vấn, giao hàng đến tận nhà cho khách, nhưng không hiệu quả.

Anh Nguyễn Hữu Phi - chủ một quán cà phê trên phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, lo ngại dịch bệnh khiến người dân hạn chế ra đường nên hoạt động ăn uống gần như mất hẳn doanh thu. Nhiều năm nay, nguồn thu nhập của gia đình anh dựa vào quán này nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến lượng khách giảm xuống tới 80%.

Để duy trì kinh doanh và với hi vọng mở bán “được đồng nào hay đồng nấy” anh Phi chuyển sang bán mang về và bán online. Nhưng tình hình cũng không mấy khá khẩm.

“Không phải khách nào cũng thích mua cà phê online vì thực tế cà phê không phải hàng thiết yếu để phải gọi ship giao đến. Hơn nữa, thông thường khách thích uống cà phê để được thư giãn, ngồi tại quán thoáng mát, trò chuyện cùng bạn bè. Do vậy, lượng khách đặt online rất ít. Sáng đến chiều mới bán được 4, 5 cốc sinh tố. Không biết bao giờ dịch bệnh qua, tôi chỉ dựa vào nguồn thu nhập này, tình hình này bi đát quá.

Kinh doanh mùa dịch chỉ có chi phí là vẫn “phát triển” đều. Nhiều anh chị em kinh doanh cùng lĩnh vực với tôi đã phải sang nhượng cửa hàng vì dịch bệnh liên tục bùng phát hết đợt này đến đợt khác khiến họ chán nản, kiệt quệ”, anh Phi nói.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của Covid-19
Cần ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của Covid-19

VOV.VN - Các chuyên gia đều cho rằng có quá nhiều thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe khiến nhiều chính sách hỗ trợ trước đây chưa đến kịp được với doanh nghiệp và người dân.

Cần ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của Covid-19

Cần ngay các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của Covid-19

VOV.VN - Các chuyên gia đều cho rằng có quá nhiều thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe khiến nhiều chính sách hỗ trợ trước đây chưa đến kịp được với doanh nghiệp và người dân.

TP.HCM: Nhiều cửa hàng hoa đóng cửa dịp Valentine
TP.HCM: Nhiều cửa hàng hoa đóng cửa dịp Valentine

VOV.VN - Ghi nhận tại các cửa hàng hoa hôm nay, khách đến mua chủ yếu là nam giới và thường chọn các bó hoa đã gói trang trí sẵn. Cũng có những vị khách tỉ mỉ lựa chọn từng bông hoa, giấy gói… rồi nhờ nhân viên gói theo ý mình.

TP.HCM: Nhiều cửa hàng hoa đóng cửa dịp Valentine

TP.HCM: Nhiều cửa hàng hoa đóng cửa dịp Valentine

VOV.VN - Ghi nhận tại các cửa hàng hoa hôm nay, khách đến mua chủ yếu là nam giới và thường chọn các bó hoa đã gói trang trí sẵn. Cũng có những vị khách tỉ mỉ lựa chọn từng bông hoa, giấy gói… rồi nhờ nhân viên gói theo ý mình.

Các hoạt động kinh doanh, mua sắm Tết của người tiêu dùng giảm do dịch bệnh
Các hoạt động kinh doanh, mua sắm Tết của người tiêu dùng giảm do dịch bệnh

VOV.VN - Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy hoạt động kinh doanh và mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Các hoạt động kinh doanh, mua sắm Tết của người tiêu dùng giảm do dịch bệnh

Các hoạt động kinh doanh, mua sắm Tết của người tiêu dùng giảm do dịch bệnh

VOV.VN - Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho thấy hoạt động kinh doanh và mua sắm của người tiêu dùng tiếp tục chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh.