Một bát phở 'còng lưng' gánh cùng lúc giá gas, giá rau xanh, giá xăng tăng vọt
VOV.VN - Vừa quay trở lại bán sau đại dịch, nhiều chủ quán ăn, nhà hàng Hà Nội đã nơm nớp lo sợ lỗ vốn vì rau xanh, gas đồng loạt tăng giá, chưa kể giá xăng cũng dựng đứng.
Sáng 3/11, anh Trần Cảnh (trú tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) không hài lòng khi ăn sáng với một bát bún riêu không ngon như mọi ngày. Anh Cảnh thích bún riêu vì món này được ăn kèm hàng loạt rau sống khoái khẩu. Nhưng sáng nay, chủ quán chỉ đưa ra một nhúm rau. Anh Cảnh phàn nàn thì chủ quán than vãn rằng vì các loại rau sống ngày càng đắt đỏ nên nếu bán như bình thường thì họ lỗ nặng.
Tương tự, chị Thu Trang (trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) cho biết, chị cùng gia đình đi ăn lẩu bò nhưng rau ăn kèm thì chỉ vừa lót đáy rổ. Nhân viên quán lẩu cho biết vì các loại rau xanh tăng giá nên nếu khách muốn ăn thêm rau sẽ phải tính thêm tiền.
Chị Trang còn phát hiện ra hóa đơn cũng tăng thêm cả gần trăm nghìn đồng, trong khi số lượng đồ ăn chị gọi vẫn như mọi lần. Chị thắc mắc với chủ quán thì nhận được lời giải thích rằng vì rau xanh, gas và giá xăng đồng loạt tăng giá nên chủ quán buộc phải tăng giá thành phẩm để bù lỗ.
Nhiều chủ quán ở Hà Nội đang lo lắng khi giá các mặt hàng thiết yếu tăng vùn vụt, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ. Mới đây, giá xăng trong nước tăng lên mức cao nhất 7 năm. Rồi từ ngày 1/11, giá gas lần thứ 9 trong năm nay tăng, đắt thêm 17.000 đồng, kéo theo giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng của nhiều hãng lên tới 500.000 đồng/bình loại 12kg. Chưa hết, các loại rau xanh, củ quả cũng đang ở mức giá rất cao, đặc biệt là các loại rau thơm. Có loại tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đó.
Chị Nguyễn Thị Lý, chủ một quán phở - kiêm bún và bánh cuốn trên phố Tô Hiệu (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ, giá gas mới tăng thêm gần 20.000 đồng/bình 12kg. So với thời điểm trước đợt giãn cách gần nhất, mỗi bình gas đã tăng thêm khoảng 140.000 đồng.
Quán ăn của chị Lý có 3 bếp gas cùng hoạt động. Chỉ tính riêng bếp tráng bánh cuốn, trung bình khoảng 4 ngày là "ngốn" hết 1 bình ga 12kg. Một tháng cả quán dùng hết khoảng 15 bình gas. Như vậy, chỉ tính riêng tiền gas chênh lên so với trước giãn cách đã là 2,1 triệu đồng/tháng.
Đấy là còn chưa kể các loại rau xanh cũng liên tục “đu đỉnh". Chị cho biết, chị đang phải mua hành với giá 55.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với trước đây.
“Vừa mới được mở cửa sau thời gian dài giãn cách mà giá gas rồi rau xanh tăng chóng mặt thế này, tôi cũng không biết làm thế nào để có lãi”, chị Lý lo lắng.
Dù giá cả leo thang nhưng chị Lý cho biết không thể giảm bớt bất cứ thành phần nào trong bát phở bán ra bởi làm như vậy sẽ mất khách. Sau một hồi nhẩm tính, chị Lý áng chừng một bát phở chị bán ra đang phải gánh khoảng 500 - 1.500 đồng chi phí đội giá của gas và rau xanh. Đây cũng chính là phần lợi nhuận bị cắt bớt trong mỗi bát phở.
Chị Lý hiện vẫn đang chấp nhận lãi mỏng để giữ khách nhưng chị cũng không biết cầm cự được bao lâu. “Với tình hình hiện tại, nếu một ngày không bán được ít nhất 100 bát phở thì lỗ vốn bởi phải bán được chừng đó thì mới đủ tiền chi trả mặt bằng, lương nhân viên và tiền mua nhiên liệu, nguyên liệu và thực phẩm".
Không như chị Lý, chị Hòa, chủ một nhà hàng nằm trên phố Nguyễn Văn Lộc (Hà Đông) thì phải tìm mọi cách xoay sở để giảm bớt khoản lỗ. Vì là quán ăn tương đối lớn nên theo chị Hòa, chị càng khó chấp nhận cách bán như bình thường, vì bán như thế thì "chả mấy chốc mà đóng cửa". Không chỉ lo giá gas và rau xanh tăng, chị Hòa còn "méo mặt" vì giá xăng mới dựng đứng cách đây không lâu.
"Quán của tôi có dịch vụ ship hàng về. Giá xăng tăng khiến chúng tôi gặp khó. Không tính phí dịch vụ thì tích tiểu thành đại, dần dần sẽ thành lỗ nặng. Tính phí thì mất khách vì giá đơn hàng bị đội lên. Chưa kể, các mặt hàng nguyên liệu chuyển đến cho chúng tôi cũng đang đắt hơn bình thường vì chi phí vận chuyển tăng khi giá xăng dầu cao đột biến", chị Hòa nói.
Nhà hàng của chị Hòa đang sử dụng bình gas loại 45kg. So với thời điểm trước giãn cách, mỗi bình gas này đã tăng thêm khoảng hơn 600.000 đồng. Trước đây, chị Hòa nhập bình ga loại 45kg với giá 860.000 đồng/bình thì nay phải nhập với giá 1.480.000 đồng/bình.
Hàng loạt mặt hàng tăng giá buộc chị phải tính toán để đưa ra thực đơn cân đối, vừa không mất lòng khách vừa đảm bảo lợi nhuận trong kinh doanh. Chị Hòa cho biết đã phải dặn nhân viên tích cực mời khách ăn các món chế biến từ thịt, đặc biệt là thịt lợn bởi loại thịt này đang có mức giá tương đối thấp. Còn các món từ rau phải hạn chế và nói khách thông cảm.
"Khách gọi món mình nói luôn: Các anh, chị ăn thịt đi, đừng ăn rau, rau đang đắt lắm, đắt hơn thịt đấy! Đơn cử như một bó rau muống trước đây mình mua 8.000 đồng/mớ, xào một đĩa cũng hết 1 mớ, bán 40.000 đồng mới đủ tiền dầu mỡ, gia vị, tiền trả lương nhân viên...Bây giờ giá rau muống nhập vào là 15.000 đồng/mớ thì không thể bán cho khách 1 đĩa rau muống với giá 70.000 - 80.000 đồng được. Làm như vậy khách nào chấp nhận", chị Hòa nói thêm.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tý, chủ một quán lẩu bò tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân bộc bạch: “Giá gas, giá rau xanh, giá xăng đang tăng cao nhưng tôi cũng chưa dám tăng giá bán hàng. Buôn bán có lúc này lúc khác, lúc giá cả thị trường đi xuống mình cũng có giảm giá đâu nên giờ phải chấp nhận thôi”.
Mặc dù vậy, anh Tý cũng thừa nhận buộc phải bớt lại rau xanh của mỗi suất lẩu để cân đối chi phí. Và nếu các loại chi phí này vẫn giữ ở mức cao trong nhiều ngày tới hoặc tiếp tục tăng nữa thì chắc anh cũng phải tính đến chuyện tăng giá thành mỗi nồi lẩu bán ra để tránh thua lỗ quá nặng./.