Phạt vi phạm sản xuất, kinh doanh đồ phòng dịch chưa đủ sức răn đe?

Phạt vi phạm sản xuất, kinh doanh đồ phòng dịch chưa đủ sức răn đe?

VOV.VN - Hàng nghìn vụ vi phạm đã bị xử phạt lên tới tiền tỷ nhưng dường như mức phạt còn quá nhẹ nên nhiều tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm.

Hơn 4 tháng qua cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh những hình ảnh đẹp của các tổ chức, cá nhân sẵn sàng bán hàng không lợi nhuận, sản xuất, quyên góp và phát miễn phí hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đồ chống dịch cho mọi người,… vẫn còn không ít kẻ lợi dụng thời điểm hàng hóa phòng dịch khan hiếm để sản xuất hàng kém chất lượng, bán giá quá cao so với quy định nhằm tư lợi riêng.

Thực hiện chỉ thị về tăng cường xử lý hành vi găm hàng, gian lận vật tư y tế chống dịch, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ngày nào cũng tiến hành kiểm tra, kiểm soát và phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vật dụng phòng dịch. Số liệu mới nhất cho thấy, tính từ ngày 31/1 đến nay, lực lượng QLTT đã kểm tra, giám sát 8.604 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính đã lên tới trên 4,4 tỷ đồng.

29944_omox.jpg
Lực lượng QLTT kiểm tra cửa hàng kinh doanh hàng hóa, thiết bị phòng dịch.

Có thể thấy, hành vi lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của xã hội, cộng đồng trong dịch để tạo ra tình trạng khan hiếm, sản xuất hàng giả, bán hàng hóa với giá cao là việc làm đáng lên án. Các tổ chức, cá nhân vi phạm khi bị phát hiện đều bị xử lý theo quy định. Nhưng vấn đề đặt ra là mức xử phạt vi phạm như hiện nay dường như chưa khiến một số người thấy lo sợ, ăn năn với những việc làm phi pháp của mình.

Phân tích ở góc độ luật pháp, Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với hành vi găm hàng (cắt giảm địa điểm bán hàng; cắt giảm phương thức bán hàng;…) sẽ bị xử phạt vi hành chính tại Điều 47 Nghị định 185/2013. Tùy vào những hành vi cụ thể sẽ có mức phạt tiền nhưng cao nhất là đến 30 triệu đồng, tịch thu tang vật với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 3 - 6 tháng đối với hành vi vi phạm rong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính được xác định là hành vi đầu cơ (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), Luật sư Hoàng Tùng cho biết, hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 46 Nghị định 185/2013 "Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng".

“Trường hợp giá trị hàng hóa càng lớn thì mức phạt càng cao, cao nhất lên đến 100 triệu đồng (theo khoản 5). Đồng thời, tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 6 tháng hoặc đến 1 năm đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6 tháng đến 1 năm đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm”, Luật sư Hoàng Tùng nêu rõ.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, trong công cuộc chống dịch Covid-19 đòi hỏi các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh cần phải chung sức, chung lòng và chia sẻ trước những khó khăn chung của xã hội. Những sự chia sẻ trong lúc khó khăn chính là hành động tạo dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin cho các doanh nghiệp. Ngược lại nếu tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh nào không biết chia sẻ thì sẽ tự đánh mất mình trong việc xây dựng thương hiệu sẽ bị xã hội phê phán mạnh mẽ.

Đánh giá cao hoạt động của lực lượng QLTT thời gian qua trong việc kiểm tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hàng hóa phòng dịch, tuy nhiên ông Phú cũng cho rằng, cần phải có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa cơ quan QLTT và các ngành chức năng, có như vậy công tác phòng, chống vi phạm trong kinh doanh vật dụng y tế, đồ phòng dịch và nhiều mặt hàng khác mới thực sự hiệu quả.

Muốn làm được điều này, hơn lúc nào hết cần phải tiếp tục xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không có những cán bộ, nhân viên vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ. Lực lượng QLTT, chống buôn lậu cần liên tục được đào tạo kĩ năng, nghiệp vụ, nắm vững hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, từ đó yêu cầu các hộ kinh doanh kí cam kết không vi phạm.

“Việc trinh sát, điều tra những đường dây, ổ buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả lớn cần có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng. Thực tế công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mới chạm đến phần nổi của tảng băng chìm. Do đó, việc làm trong sạch đội ngũ trước khi chống buôn lậu sẽ khiến công tác này được minh bạch, hiệu quả và kiên quyết hơn. Trong đó đặc biệt coi trọng yếu tố con người bằng tinh thần và vật chất, nhưng đồng thời cũng phải nghiêm khắc xử lý những vi phạm trong lúc thi hành công vụ”, ông Phú nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên