Người dân Cao Bằng vẫn phải ở lều bạt giữa đêm lạnh để tránh động đất
VOV.VN - Sau nhiều ngày xảy ra động đất, hàng trăm người dân xã Đàm Thủy, tỉnh Cao Bằng vẫn phải ở lều bạt giữa trời đêm giá lạnh để tránh những dư chấn.
Chúng tôi đến xóm nhỏ biên giới Nà Đeng - Lũng Nọi của xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, nơi được xem là tâm chấn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Cao Bằng. Người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng sau hai trận động đất mạnh các ngày 25 và 28/11 cùng hàng loạt những rung chấn vẫn tiếp tục xảy ra sau đó.
Những lán trại dựng tạm giữa đồng để người dân ở tạm vào ban đêm. Đây là phương án trước mắt dành cho hàng trăm người dân tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trước nguy cơ động đất có thể xảy ra |
Nhiều ngôi nhà ở Nà Đeng - Lũng Nọi bị đá văng từ trên đỉnh núi xuống làm nứt tường, thủng mái tôn. Hơn 40 hộ dân ban ngày vẫn sinh hoạt ở nhà nhưng đêm đến phải dựng lán ra ngoài ngủ hoặc ngủ tạm ở nhà văn hóa thôn. Vùng biên cương Đàm Thủy những ngày này nhiệt độ ban đêm chỉ khoảng 4 – 5 độ C, trời rét buốt và có sương dày đặc.
Ông Lý Văn Hoóng, người dân xóm Nà Đeng - Lũng Nọi kể: “Tôi gần 70 tuổi rồi, già từng này chưa từng thấy động đất như thế này bao giờ. Cả nhà, cả mặt đất rung chuyển, lắc lư. Tôi lúc đó đứng sững chẳng biết phải chạy đi đâu. Mà kéo dài cả chục ngày nay rồi, ngày nào cũng một, hai trận, đá lăn từ trên núi văng xuống nhà, sợ lắm. Cả làng phải ra ngoài dựng lán ngủ, mang chăn mang đệm ra rồi nhưng mà vẫn lạnh lắm. Tôi cũng chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng rồi không ngủ nổi nữa. Mấy hôm nay có một số người già và trẻ nhỏ bị đi viện rồi”.
Hiện hơn 80 hộ dân ở đội 3, xóm Lũng Phjắc đang phải chịu cảnh không có nước sinh hoạt do dư chấn làm tụt mực nước ngầm đến hơn 1,5m so với trước. Mấy ngày hôm nay, công việc quan trọng nhất của anh Nông Văn Hiếu, đội 3, xóm Lũng Phjắc là cùng những hộ dân khác cố gắng tìm kiếm nguồn nước thay thế mỏ nước cạn khô của xóm.
Anh Hiếu chia sẻ: “Từ lúc động đất là không có nước, hai cái mỏ nước ở trong đấy tụt hết rồi, con suối này không có nước tí nào cả, bây giờ trâu bò không có nước uống. Mong muốn bây giờ là tu sửa lại đường ống nước để có nước sạch. Con suối này trước chảy thường xuyên, từ đầu nguồn đến cuối nguồn, nếu năm nay hai cái mỏ nước kia không ra thì khu ruộng này không có nước tưới”.
Người dân xóm Lũng Phjắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng phải đào giếng tạm ở ngoài đồng để tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. |
Được chính quyền địa phương động viên và hỗ trợ dựng lán trại tập trung, cuộc sống của hơn 300 hộ dân của 2 xóm Nà Đeng – Lũng Nọi và Lũng Phjắc đã ổn định hơn. Toàn bộ hơn 80 em học sinh của phân trường Mầm Non Lũng Phjắc đã đến lớp sau gần 1 tuần không dám đến trường. Công tác chăm sóc sức khỏe được chính quyền quan tâm đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa hết lo lắng trước nguy cơ động đất vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Anh Lý Văn Pạy, Đội trưởng đội 1, xóm Lũng Phjắc cho biết:
“Bộ đội Biên phòng giúp làm lán trại, giờ bà con cũng ổn định tâm lý hơn. Nhưng vẫn rung chấn nên tinh thần vẫn lo lắng không dám ở nhà, ngày rung 1, 2 lần thì vẫn lo lắm, nhưng lâu thế này vẫn phải đi làm, không thì không biết bao giờ mới hết. Bà con giờ không dám lên núi, không dám vào gần chân núi vì không biết có động đất lúc nào”.
Phần lớn nhà cửa ở Nà Đeng - Lũng Nọi, xã Đàm Thủy đều nằm dưới chân núi cao nên người dân chưa thể an tâm sinh sống. |
Vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp dựng lán trại, chuẩn bị thuốc men, lương thực hỗ trợ người dân. Đồng thời, cử các đoàn khảo sát, kiểm tra các khu vực nhà cửa bị tác động của động đất. Do nhiều trận rung lắc đã phá vỡ kết cấu địa chất khu vực xã Đàm Thủy, thời gian tới, sẽ cử lực lượng công binh rà soát và xử lý các điểm nguy cơ núi lở trước mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết thêm: “Qua đợt khảo sát vừa rồi, huyện đã kiến nghị với tỉnh, tỉnh đã giao BCH Biên phòng và quân sự tỉnh để lắp đặt lán trại cho bà con nhân dân khi mà nguy cơ động đất vẫn xảy ra. Nữa là chỉ đạo Trung tâm y tế huyện chuẩn bị tủ thuốc dự phòng sẵn sàng phối hợp với trạm Dân quân y của xã chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân. Và cử các đơn vị chuyên môn kiểm tra và đảm bảo nguồn nước cho bà con”.
Những biện pháp trước mắt mà địa phương đưa ra vẫn chưa thể khiến người dân thực sự an tâm, bởi họ chưa biết sẽ còn phải ở lán trại đến khi nào, nhất là thời điểm này những đợt rét đậm, rét hại đang tới rất gần. Về lâu dài, có thể Cao Bằng cần những phương án cụ thể, hiệu quả hơn thậm chí có thể di dời, tái định cư người dân ra khỏi những khu vực nguy hiểm, để hàng trăm hộ dân được đảm bảo an toàn tuyệt đối trước nguy cơ động đất vẫn còn xảy ra./. Ổn định cuộc sống người dân vùng bị ảnh hưởng động đất tại Cao Bằng