Xuất khẩu nông sản vào châu Âu phải cải tiến và thay đổi liên tục
VOV.VN - Ngoài vùng nguyên liệu tốt, quy trình sản xuất an toàn, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải thay đổi cả trong cách thức và phương tiện giao thương.
Trong những năm qua, châu Âu luôn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với 18% lượng hàng xuất khẩu, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được người tiêu dùng khu vực này đánh giá cao.
Các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu. Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có khả năng cung ứng cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và kênh phân phối cao cấp của châu Âu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với số lượng lớn.
Ông Reindert Dekker, chuyên gia tư vấn cao cấp của Tổ chức CBI Hà Lan. |
Khẳng định tầm chiến lược cũng như việc củng cố các biện pháp xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2013 đến nay, Cục XTTM đã phối hợp với Cơ quan Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBl) tổ chức Chương trình hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường châu Âu cho các doanh nghiệp nông sản thực phẩm của Việt Nam.
“Chương trình đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ xúc tiến xuất khẩu, tư vấn phát triển các cơ hội xuất khẩu và tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế”, ông Chiến cho biết.
Ông Reindert Dekker, chuyên gia tư vấn cao cấp của Tổ chức CBI Hà Lan cho rằng, châu Âu là một thị trường khó tính và khá khắt khe bởi những tiêu chuẩn về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm. Chính vì thế, những mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào châu Âu phải vượt qua nhiều hàng rào kiểm nghiệm kỹ lưỡng mới đủ tiêu chuẩn tồn tại ở thị trường này.
Đề cao những mặt hàng nông sản và thực phẩm của các quốc gia, đặc biệt là của Việt Nam có nhiều lợi thế cũng như đa dạng chủng loại sản phẩm mang tính truyền thống, nhưng ông Reindert Dekker vẫn cho rằng, phải cải tiến và thay đổi liên tục những mặt hàng nông sản, thực phẩm. Ngoài việc đảm bảo về vùng nguyên liệu, chứng minh mặt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn cao,… các doanh nghiệp Việt Nam còn phải thay đổi cả trong cách thức và phương tiện buôn bán.
“Để thích nghi được với thị trường châu Âu, các doanh nghiệp, ngành hàng cần biết được xu hướng thay đổi của thị trường và nhu cầu của thị trường, nếu không làm được điều này sẽ rất khó thích nghi với thị trường. Nếu biết xu hướng thị trường và đưa ra được sản phẩm mới cùng cách trình bày sản phẩm đẹp sẽ tạo ra được phân khúc thị trường mới”, ông Reindert Dekker khuyến cáo.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Việt Nam cùng cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu từ thị trường châu Âu trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ sản xuất hơn lúc nào hết cần quan tâm đến vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa của Việt Nam phải lấy tiêu chí đảm bảo an toàn là trên hết.
Muốn như vậy, các doanh nghiệp và địa phương phải tự xây dựng riêng cho mình vùng nguyên liệu cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Đội ngũ cán bộ quản lý phải tương thích và đáp ứng theo hệ thống quản lý của thị trường châu Âu./.
Xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào EU: Khó mà dễ!