Thiếu vật tư, thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 vì bất cập trong đấu thầu?
VOV.VN - Vì sợ làm sai luật, bị xử lý, kỷ luật nên một số địa phương, bệnh viện đang có tâm lý "ngại" mua vật tư, thiết bị y tế, kể cả mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất cấp bách cho phòng, chống dịch Covid-19.
Bệnh viện cần gấp vật tư y tế, có tiền cũng không mua được ngay
Phản ánh của một cán bộ y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trên trang Facebook cá nhân về không đủ vật tư y tế và thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đang khiến dư luận quan tâm. Đồng thời, cán bộ của BV còn kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ quả cầu lọc máu và thuốc chống đông máu để điều trị cho bệnh nhân nặng đang cần gấp bởi loại vật tư này ở bệnh viện đã hết mà có tiền cũng không dùng để mua ngay được.
Câu chuyện này dù đã được lãnh đạo bệnh viện xác nhận là không có nhưng lại đang xảy ra ở nhiều nơi, khiến những người làm công tác quản lý thật sự lúng túng, trăn trở.
Tâm lý "ngại" mua vì sợ phạm luật
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải tăng cường hơn nữa vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất để chủ động cho công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm, có nguy cơ cao.
Song, thực tế cho thấy, các địa phương, bệnh viện đang có tâm lý "ngại" mua vật tư, thiết bị y tế do sợ làm sai luật, bị xử lý, kỷ luật, kể cả mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang chia sẻ, một trong những nghịch lý của ngành y tế hiện nay là tình trạng ách tắc trong mua sắm trang thiết bị kỹ thuật cao tại nhiều cơ sở y tế. Trong khi đó, nhu cầu lại quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay.
Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 27/5, khi đề cập vấn đề đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mua sắm công trong phòng, chống Covid-19 rất lúng túng.
Có tình trạng các nơi sợ việc mua sắm, ngay cả vật tư thiết bị phòng chống dịch cũng rất sợ, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, đồng thời cho rằng: "Người ta chỉ thích tiền MTTQ hỗ trợ, đó không phải là tiền ngân sách, hoặc tài trợ bằng hiện vật người ta sử dụng được…”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đừng để "vừa mất tiền, vừa mất người". "Mất người là mất toàn đội ngũ tinh hoa, GS,TS, thầy thuốc nhân dân…", ông Huệ nói.
Tìm "nút thắt" để gỡ
Để tránh rơi vào tình trạng bị động, lúng túng, từ giữa tháng 5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đã ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm đối với phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Công văn này dựa trên ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thể hiện trong các thông báo ngày 11/5 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Tài chính nêu rõ: Về nguồn kinh phí phục vụ phòng, chống dịch Covid-19: Để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm "4 tại chỗ" là dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ; đề nghị các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo phương án phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế; đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; không để thiếu kinh phí, nhất là kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế.
Bộ Tài chính hướng dẫn: Các địa phương được áp dụng hình thức chỉ định thầu như điểm a, khoản 1, điều 22 Luật Đấu thầu. Theo đó, các gói thầu chỉ định là “gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách”. Giá gói thầu được hướng dẫn là phải “tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí”, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
Theo đại diện Bộ Tài chính, khi xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu như: giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp trên địa bàn, nếu không đủ 3 đơn vị trên địa bàn thì có thể tham khảo trên địa bàn khác; Dự toán mua sắm đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giá thị trường tại thời điểm mua sắm từ các thông tin chính thống công khai qua mạng; giá của gói thầu mua sắm tương tự trong thời gian không quá 30 ngày trước đó.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quyết định việc xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định; không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm. Bộ Tài chính cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo thanh toán đầy đủ, không để nợ đọng kinh phí mua sắm, chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, quản lý và phân phối, sử dụng các phương tiện, sinh phẩm, vật tư… phòng chống dịch Covid-19.
“Bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản của nhà nước, thiếu sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.
Trao đổi về đấu thầu vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch, đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đây là vấn đề bức xúc và đang được xã hội quan tâm. Cần phải phân định rõ xem vướng mắc ở khâu nào để gỡ, vướng do thi hành pháp luật hay vướng từ quy định của pháp luật.
Luật Đấu thầu, Điều 22 đã quy định rõ các trường hợp cụ thể về chỉ định thầu như trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, các trường hợp bất khả kháng... Ngay cả quy định về mua sắm trang thiết bị y tế phòng dịch, quy định, hướng dẫn cũng rất rõ ràng. Về bản chất, các quy định của pháp luật về những nội dung này rất rõ ràng. Song, trên thực tế, các địa phương, các bệnh viện vẫn gặp khó khăn khi thực hiện, vậy thì phải rà soát kĩ xem vướng mắc ở chỗ nào. Cần phải nghiên cứu, tổng hợp, rà soát ngay các tình huống phát sinh trong thực tiễn để tạo điều kiện tốt nhất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho hay./.