Thiếu vốn "mồi" để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển xanh
VOV.VN - Chuyên gia cho rằng, một trong những khó khăn trong phát triển kinh tế xanh hiện nay là ngân sách có hạn, thiếu nguồn vốn "mồi”, làm đòn bẩy khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia.
Hôm nay (1/12), Cục Việc làm (BộLĐ-TB-XH) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo quốc tế “Chuẩn bị lực lượng lao động Việt Nam cho tăng trưởng xanh".
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Quốc gia về việc làm (Cục Việc làm) cho biết, ngày 1/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QD-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là “Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”, cùng các mục tiêu rất cụ thể.
Ngày 23/5/2019, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH ban hành Quyết định số 710/QĐ-BLĐTBXH về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn 2030.
Trong đó, nhấn mạnh hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành nghề thuộc khu vực kinh tế xanh bao gồm tập huấn cho cán bộ của ngành về việc lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh vào việc xây dựng các chính sách đào tạo nghề; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có đủ kiến thức và kỹ năng về xanh hóa giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo các nghề xanh cho nền kinh tế; Tổ chức hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành nghề thuộc khu vực kinh tế xanh.
Nói về những khó khăn trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh, ông Lưu Đức Khải, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay các chính sách hiện hành chưa đồng bộ, thiếu ổn định, một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, trùng lặp và hiệu quả chưa cao.
Chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phâm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn, số thu từ các thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra. Một số văn bản liên quan đến phát triển dịch vụ môi trường còn chậm được ban hành. Các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng của một số dịch vụ môi trường còn thiếu, nhất là các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá cho các loại hình hoạt động dịch vụ môi trường. Một số chính sách không ổn định, dễ thay đổi, hiệu lực chính sách ngắn ảnh hưởng tới tâm lý yên tâm của nhà đầu tư.
Đặc biệt, công tác xã hội hóa khu vực dịch vụ môi trường còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ môi trường khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ môi trường là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đủ nguồn lực để tham gia giải quyết những vấn đề môi trường, cấp bách của đất nước.
“Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực môi trường khá nhiều, nhưng chủ yếu là quan điểm, định hướng hỗ trợ sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ môi trường, chưa khuyến khích điều chỉnh tiêu dùng, chưa tác động sâu rộng đến xã hội, khó triển khai thực hiện trên thực tế.
Các quy định pháp luật hỗ trợ phát triển dịch vụ môi trường ngày càng nhiều, tuy nhiên nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khiến doanh nghiệp lúng túng trong áp dụng thực hiện. Một số văn bản có liên quan đến phát triển dịch vụ môi trường còn chậm được ban hành. Các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng của một số dịch vụ môi trường còn thiếu, nhất là các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá cho các loại hình hoạt động của dịch vụ môi trường”, ông Khải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lưu Đức Khải, một khó khăn khác xuất phát từ quy định cấp phép phát triển, đầu tư, xây dựng, vận hành dự án mất nhiều thời gian và phức tạp.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước có hạn, nợ công lớn dẫn đến thiếu nguồn vốn đầu tư công để thực hiện vai trò “vốn mồi”, làm đòn bẩy trong công tác huy động đầu tư tư nhân xanh. Thiếu vốn đối ứng của nhà nước trong các dự án PPP hoặc chậm trả dịch vụ cho các nhà đầu tư tư nhân. Doanh nghiệp trong nước còn yếu, khả năng tiếp cận vốn vay còn khó khăn, trong khi đầu tư vào các nhà máy điện gió, điện mặt trời và hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh mới có thể tham gia thị trường được. Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu đất sạch cũng làm tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án cũng là rào cản cản trở sự tham gia của tư nhân đầu tư vào lĩnh vực xanh.
Để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh, ông Lưu Đức Khải cho rằng, cần nghiên cứu ban hành luật hỗ trợ tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chung, nhằm hạn chế các quy định manh mún, tản mát, thiếu thừa và chồng chéo ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay.
Các bộ ngành và địa phương chủ động cân đối ngân sách thúc đẩy đầu tư công để thực hiện vai trò "vốn mồi", giải phóng mặt bằng làm đòn bẩy trong công tác huy động đầu tư tư nhân xanh, tham gia trực tiếp, hỗ trợ các dự án dầu tư tư nhân hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Cắt giảm thủ tục hành chính trong đầu tư, đặc biệt là các dự án có sự tham gia vốn nhà nước.
Bên cạnh đó cần có giải pháp phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt thị trường xanh trong nước. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hoàn thiện ưu đãi cả mức ưu đãi và thời gian ưu đãi. Cần xem xét chính sách thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ vận tải hành khách xe bus, xe điện được hưởng thuế suất 0% và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cần sớm hoàn thiện dự thảo quy định tiêu chí môi trường đối với các dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Ban hành các tiêu chuẩn và hỗ trợ cụ thể khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh, phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch./.