Thông thầu và những mối “quan hệ ngầm”

Quy chế đấu thầu đã quy định rõ các gói thầu phải được công bố ở báo chí như thế nào, đóng thầu sau bao nhiêu ngày. Nhưng một số trường hợp mà chính lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải thừa nhận có sự không minh bạch…

Mới đây, một vụ thông thầu quy mô lớn đã bị phát hiện. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 1, trong hồ sơ dự thầu (dự án giao thông do Ngân hàng Thế giới tài trợ) của 4 doanh nghiệp Hà Nội, có biểu hiện sao chép giống nhau từ lỗi chính tả.

Lâu nay, chuyện tiêu cực của các nhà thầu không còn là chuyện mới, song nhìn từ khía cạnh khác, ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, cho rằng: Các gói thầu nhỏ tại các địa phương thường xảy ra hiện tượng thông thầu (một nhà thầu đứng ra thương lượng với các nhà thầu khác). Song, với các gói thầu lớn cấp Trung ương thì khó thông thầu hơn, bởi thời gian thông báo bán hồ sơ mời thầu tới đóng thầu rất minh bạch. Về lý thuyết là thế, nhưng không phải chỉ thương lượng thông thường giữa các nhà thầu, phần lớn vụ thông thầu là ban quản lý dự án đứng ra. Tiêu cực là ở cả hai phía, giữa nhà thầu với nhau và mối "quan hệ ngầm" giữa nhà thầu và ban quản lý dự án.

PV: Dư luận cho rằng, vụ việc vừa qua chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, các vụ thông thầu diễn ra với quy mô và số lượng lớn hơn nhiều. ý kiến của ông về điều này?

Ông Vũ Khoa

Ông Vũ Khoa: Tôi cho rằng, khó có thể đánh giá chính xác mức độ quy mô và số lượng các vụ thông thầu. Nhưng ngay cả khi không đấu thầu mà chỉ định giao thầu, nhiều địa phương cũng phản ánh về tình trạng thiếu minh bạch trong giao thầu. Theo Luật Đấu thầu cũ năm 2003, với gói thầu xây lắp trên 1 tỷ đồng hoặc trên 500 triệu đồng, tư vấn phải tổ chức đấu thầu, trừ các trường hợp bất khả kháng phải giao thầu theo Điều 20. Đứng về Luật, việc giao thầu phải tuân theo quy định, song những trường hợp cụ thể có thể linh hoạt nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Đơn cử như nửa đầu năm 2008, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, nhiều nhà thầu cho hay, họ chấp nhận chịu phạt vì bỏ thầu còn hơn là chịu thua lỗ. Thời điểm ấy, Thủ tướng Chính phủ đưa ra quyết định các gói thầu trọn gói được điều chỉnh về giá (Luật quy định gói thầu trọn gói không được thay đổi, lời ăn lỗ chịu), quyết định linh hoạt này đã giải nguy cho rất nhiều nhà thầu.

Tuy nhiên, không phải bất cứ quyết định giao thầu nào cũng hợp lý. Tôi được biết, có công trình xây dựng cầu lên tới 400 tỷ đồng vẫn được giao thầu, điều này là không đúng luật và dễ tạo tiền lệ xấu.

PV: Mức xử phạt với các nhà thầu vi phạm được Bộ GT-VT đưa ra là cấm tham gia đấu thầu từ 1-3 năm và 20 triệu đồng tiền phạt. Mức phạt này liệu có đủ sức răn đe?

Ông Vũ Khoa: Theo tôi, cấm tham gia thầu là đòn rất đau với các nhà thầu, vừa thiệt hại tới công việc vừa ảnh hưởng tới uy tín. Vừa rồi, ngoài 34 nhà thầu trong nước, 2 nhà thầu có tên tuổi của Nhật Bản cũng bị cấm tham gia thầu tại Việt Nam từ 1-3 năm, trong đó có Tập đoàn xây dựng Taisei với doanh thu hằng năm lên tới 16 tỷ USD (đây cũng là nhà thầu đã làm các công trình Quốc lộ 5, cầu Cần Thơ, hầm Kim Liên). Đây cũng là đòn cảnh cáo mạnh với cả nhà thầu nội và ngoại vẫn dập dòm ý định gian lận.

Còn mức xử phạt hành chính thế nào là nặng thế nào là nhẹ, là cả một vấn đề. Chúng ta vẫn áp mức phạt hành chính theo Luật Đấu thầu cũ được xây dựng từ năm 2003, hiện nay, nhiều quy định đang được sửa đổi. Mức xử phạt hành chính cũng cần sửa đổi tương ứng.

PV: Theo ông, nên có giải pháp tổng thể nào để ngăn ngừa tình trạng thiếu minh bạch trong đấu thầu hiện nay?

Ông Vũ Khoa: Quy chế đấu thầu đã quy định rõ các gói thầu phải được công bố ở báo chí như thế nào, đóng thầu sau bao nhiêu ngày. Nhưng một số trường hợp mà chính lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải thừa nhận có sự không minh bạch, vì chủ đầu tư thông báo thời gian đấu thầu rất ngắn, nhưng với trường hợp này cũng chỉ cảnh cáo và phạt hành chính. Tình trạng này ở các địa phương khá nhiều, nên nếu không giao cho các sở chuyên ngành, và các sở chuyên ngành ấy không giao cho các ban quản lý có tính chất chuyên nghiệp thì thông thầu rất dễ xảy ra. Có trường hợp tôi biết, trong ban chấm thầu có cả những người mới ra trường, làm sao đủ nghiệp vụ để phát hiện những gian dối tinh vi.

Vấn đề là phải chọn được ban quản lý có nghiệp vụ và công tâm, nhưng nghiệp vụ thì Luật đã có quy định còn công tâm thì luật không quy định được, mà phụ thuộc vào chủ đầu tư sẽ quyết định ban quản lý dự án gồm những ai. Với những chủ đầu tư không có nghề phải thuê tư vấn, giám sát chuyên nghiệp mới nắm được các sai sót nếu có trong quá trình thầu và thực hiện dự án.

Trước đây, Hiệp hội Nhà thầu cũng nhiều lần khuyến cáo tình trạng bỏ gói thầu quá thấp để trúng thầu, sau đó điều chỉnh nâng cái này nhấc cái kia đẩy chi phí dự án lên rất cao. Đơn cử như trong ngành giao thông, nhà thầu bỏ giá đấu thầu con đường rất thấp, nhưng sau đó, khi trúng thầu rồi, đề nghị tăng lên nửa mét, rồi làm thêm đường tránh. Tất nhiên, trong các trường hợp này đã có sự thông đồng giữa ban quản lý dự án và nhà thầu. Nên một trong những biện pháp để ngăn chặn thông thầu là cấm tình trạng bỏ gói thầu quá thấp (Bộ GT-VT đã áp dụng biện pháp này).

Thông thầu chỉ là một tiêu cực trong hàng loạt tiêu cực khác của đấu thầu và thi công dự án. Nhưng như tôi đã nói, quy trách nhiệm phải ở cả hai phía. Một số nhà thầu không làm đúng luật như thông thầu, gian dối (bớt hoặc đánh tráo vật liệu do bỏ giá quá thấp), nhưng nhiều ban quản lý dự án cũng không làm đúng luật.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên