Thủ tướng: Phát triển kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế
VOV.VN - Tại VDF 2016, Thủ tướng khẳng định khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Việt Nam 2016 (VDF 2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu 8 định hướng giải pháp chủ yếu để Việt Nam phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
8 định hướng giải pháp chủ yếu
Cụ thể, một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương, chuyên nghiệp. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu, giải thiểu chi phí về thời gian thực hiện thủ tục hành chính; xử lý nghiêm vi phạm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn VDF 2016 |
Hai là, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh; có các chính sách giải pháp đột phá cho phát triển. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu năm 2017 đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN -4.
Thủ tướng cũng mong Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kinh nghiệm và các nguồn lực để Việt Nam phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.
Rà soát từng chỉ tiêu để có giải pháp tăng bền vững xếp hạng của Việt Nam về: môi trường kinh doanh (xếp 82/190, theo WB đánh giá); năng lực cạnh tranh; mục tiêu phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo.
Ba là, tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh – coi đây là một trọng tâm năm 2017. Triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng trọng điểm, tạo sự lan tỏa và kết nối phát triển.
Bốn là, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường trong thực hiện Kế hoạch 2016 -2020. Thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động DNNN. Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét cho bán, phá sản theo quy định của pháp luật. Thực hiện công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng.
Năm là, nợ công ngày càng là một thách thức chính sách vĩ mô của Việt Nam và là một nội dung quan trọng trong Diễn đàn hôm nay. Cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ.
Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn. Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Chiến lược và Chương trình quản lý nợ công trung hạn.
Sáu là, việc xử lý nợ xấu hết sức quan trọng như các ý kiến chuyên gia nêu tại Diễn đàn; nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Chính phủ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm; nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của Công ty VAMC; phát triển thị trường mua bán nợ. Yêu cầu các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai, minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Tại Diễn đàn này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đề nghị: “Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ Việt Nam giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất. Tôi xin tiết lộ với quý vị là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một Ngân hàng Thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém (bị mua lại với giá O đồng).
Bảy là, Chính phủ Việt Nam khẳng định bảo đảm an sinh xã hội luôn là một nhiệm vụ ưu tiên. Xác định rõ vai trò, phạm vi tham gia, chức năng điều tiết của Nhà nước trong lĩnh vực này đi đôi với khuyến khích xã hội hóa. Bảo vệ môi trường phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam mong nhận được hỗ trợ, tư vấn, đề xuất các chính sách trong thời gian tới, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo.
Tám là, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn với kim ngạch thương mại gần 170% GDP, Việt Nam luôn chủ động hội nhập quốc tế và nỗ lực để triển khai hiệu quả 12 hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết.
Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt tăng trưởng 6,3% năm 2016
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá các phát biểu của các chuyên gia, các nhà đầu tư quốc tế tại diễn đàn là những đóng góp hết sức quan trọng ở tầm xây dựng chính sách vĩ mô, giúp các Bộ, cơ quan nhận định, đánh giá đúng tình hình, triển vọng phát triển trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; từ đó đề ra các chủ trương, biện pháp phát triển phù hợp nhằm thực hiện thành công kế hoạch năm 2017, Chương trình hành động Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, với các nhiệm vụ, giải pháp, hành động, mang lại hiệu quả thiết thực.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp... Đồng thời, chú trọng khắc phục những hạn chế, yếu kém; giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng, cấp thiết như giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn nặng nền vừa qua,...
Nỗ lực vượt qua khó khăn, trở ngại, dự kiến năm 2016, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,3%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo. Thu ngân sách tăng; mặt bằng lãi suất giảm; thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.
Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt khoảng 32,5% GDP (vốn FDI thực hiện đạt gần 15 tỷ USD, vốn FDI đăng ký mới đạt gần 17 tỷ USD). Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 100.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập mới.
Tuy nhiên, “chúng tôi nhận thức rõ vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém phải quyết tâm, tập trung khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5-7% giai đoạn 2016-2020.”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp – coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016 – 2020./.