Thương mại Việt–Trung: Tăng theo chiều hướng đáng lo ngại!
VOV.VN-PGS, TS Trần Đình Thiên: Thương mại Việt – Trung đã vọt tăng năm 2014 bất chấp dự báo rằng nó sẽ xấu đi, là điều “không đáng để hoan hô” trong dài hạn.
Số liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với tăng 3,8 tỷ USD); nhập khẩu ước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,2% và chiếm tỷ trọng 9,8%; riêng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 29,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của hàng hóa mà Việt Nam nhập khẩu về, 4 tháng tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014.
Sự “bùng nổ” đáng sợ…
Những chỉ số thương mại Việt – Trung được chuyên gia kinh tế đánh giá là đáng quan ngại đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhìn lại sâu hơn về cả năm 2014, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Sự bùng nổ thương mại Việt – Trung sau sự kiện Giàn khoan 981 là một trong số các vấn đề quan ngại của nền kinh tế Việt Nam”.
Nông sản là một trong nhiều nhóm hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh minh họa: KT)
Ông Thiên phân tích: Khi xảy ra sự kiện Giàn khoan HD981, có nhiều dự báo rằng, có nguy cơ xấu đi trong quan hệ kinh tế Việt – Trung. Nó sẽ tác động và gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho kinh tế Việt Nam. Thời điểm đó, trên nhiều diễn đàn đề cập đến chữ “lệ thuộc” trong thương mại là cơ cấu đầu vào, là sự lệ thuộc công nghiệp. Thực tế, nếu khách du lịch từ Trung Quốc giảm đi thì ngay lập tức ngành du lịch chịu thiệt hại.
“Nhưng điều dự báo lại không diễn ra.Theo thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2014 tăng tới 17,84%, nhập khẩu từ Trung Quốc về tăng tới 31,16%. Vì nhập khẩu vọt tăng nên nhập siêu tăng 38,26%”.
Do vậy, theo ông Thiên, “điều đáng sợ không phải là quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc xấu đi mà đáng ngại là nó còn gia tăng. Đó là biểu hiện cấu trúc kinh tế Việt Nam không được cải thiện. Vì sự tăng lên của thương mại này giải quyết được vấn đề trong ngắn hạn (doanh nghiệp lại sống bình thường, sản xuất bình thường, việc làm bình thường), nhưng quan trọng hơn là Việt Nam bỏ mất cơ hội thay đổi cấu trúc thị trường, vì thế ta càng khó hơn trong việc tránh nguy cơ lệ thuộc về kinh tế vào một thị trường cụ thể. Bởi cấu trúc xuất- nhập khẩu gắn với cấu trúc nền kinh tế chứ không chỉ đơn thuần là về thương mại”.
Vì thế, ông Thiên cho rằng, Việt Nam có thể đã bỏ qua những điều kiện, cơ hội để thay đổi cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế. Rõ ràng, “sự phát triển thương mại trong trường hợp này, “không đáng để hoan hô” trong dài hạn”.
Từ chối cơ hội tự mình sản xuất để tăng giá trị?
Một điểm đáng quan ngại khác, theo ông Thiên, thống kê thương mại Việt Nam – Trung Quốc tại 2 quốc gia lại chênh nhau rất nhiều. Nếu như năm 2014, phía Trung Quốc thống kê thương mại 2 chiều khoảng 83 tỷ USD, nhưng phía Việt Nam thống kê chỉ 58 tỷ USD. Tương tự, về cán cân thương mại, Trung Quốc thống kê năm 2014 âm 43,8 tỷ USD, nhưng Việt Nam thống kê chỉ âm gần 29 tỷ USD…
Với số liệu thống kê chênh lệch này, ông Thiên bình luận: “Không đếm hết thực tế thương mại nghĩa là ta không kiểm soát được tình hình, sẽ không nhận diện đúng vấn đề…”.
Trong khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là hàng thô, nguyên liệu, không phải hàng giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, cơ cấu xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc và cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam cũng đang có nhiều vấn đề.
Từ thực tế đó, ông Thiên cho hay, Việt Nam nhập khẩu hàng trung gian nhiều (linh kiện lắp ráp, phụ kiện gia công phục vụ nền công nghiệp đẳng cấp thấp, đầu vào cơ bản của nông nghiệp). Còn xuất khẩu hàng tiêu dùng có đẳng cấp công nghệ thấp nhiều như dệt may, da giày, nông sản. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc nhiều hàng hóa trung gian phục vụ sản xuất của Trung Quốc “tức là Việt Nam từ chối cơ hội tự mình sản xuất để tăng giá trị”- ông Thiên nhấn mạnh.
Dẫn kết quả khảo sát biên mậu Việt Nam – Trung Quốc, ông Thiên cho hay, người Việt sang Trung Quốc được cõng một số hàng về và nước ta ưu tiên mức giá trị 2 triệu đồng thì không phải đóng thuế, đó là hàng về sử dụng không cần phải sản xuất nữa. Nhưng phía Trung Quốc lại ngược lại, họ khuyến khích người dân Trung Quốc sang Việt Nam cõng hàng về được miễn thuế ở ngưỡng giá trị 30 triệu đồng, nhưng ưu tiên hàng tư liệu phục vụ sản xuất.
Như vậy, “lô-gic rất ngược ở chỗ, Trung Quốc khuyến khích cõng hàng về để sản xuất và bán, còn Việt cõng hàng về để không phải sản xuất. Đây chính là bản chất của vấn đề và đây không phải là vấn đề của riêng năm 2014 mà là vấn đề của nền kinh tế trong nhiều năm qua”./.