Thủy điện tiếp tục làm "nóng" nghị trường
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tiếp tục đăng đàn Quốc hội phản hồi các ý kiến tranh luận của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và Dương Trung Quốc về đánh giá tác động của các dự án thủy điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương việc xét duyệt dự án thủy điện đã được quy định cụ thể trong luật
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng nêu lên “thủy điện có tính 2 mặt tích cực và hạn chế”. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta có quy trình pháp lý rất quan trọng, nhất là việc quản lý việc đầu tư và đảm bảo hiệu quả của các dự án. Cụ thể, đây Luật đầu tư có báo cáo về kinh tế - kỹ thuật, bên cạnh đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường và những nhân tố cơ bản để giúp cho các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư sẽ đánh giá xem những dự án đó có hiệu quả đầu và mức độ tác động như thế nào. Các dự án này phải thỏa mãn những giải pháp, biện pháp để khắc phục tác động tiêu cực.
“Liên quan đến các vấn đề về quản lý đất, nhất là đất rừng tự nhiên. Trên thực tế, đối với các dự án thủy điện khâu rất quan trọng là phải bổ sung quy hoạch và xuất phát từ địa phương. Địa phương phải căn cứ theo các Thông tư hướng dẫn như Thông tư 43 của Bộ Công Thương hướng dẫn việc xem xét các dự án thủy điện, trong đó nói rõ những tiêu chí để sử dụng đất, nếu vi phạm vượt quá 10 ha đất cho một 1 MW không được thực hiện, nếu là đất rừng tự nhiên thì không được xem xét” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Khi Bộ Công Thương đề nghị bổ sung dự án thủy điện vào quy hoạch thì phải xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng cũng như Bộ Công an và cơ quan khác đây là chốt chặn đầu tiên. Điều này sẽ đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên.
“Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là quyết định rất quan trọng để giúp cho cấp thẩm quyền thông qua để đảm bảo về các vấn đề môi trường. Các báo cáo đánh giá tác động môi trường đều phải công khai trên trang điện tử của cơ quan về thẩm quyền và chúng ta hoàn toàn có thể xem được” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Về ý kiến đại biểu Dương Trung Quốc về vấn đề các thủy điện nhỏ và vừa hết khấu hao dự án thì xử lý thế nào? Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đã có những quy định pháp luật trong Luật Xây dựng, Luật Điện lực hướng dẫn cụ thể, khi hết vòng đời của dự án thủy điện thì chủ đầu tư phải thực hiện đánh giá chất lượng hồ, đập hướng sử dụng hoặc phá bỏ. Về các dự án điện mặt trời thì đang xây dựng tiêu chuẩn về tấm pin năng lượng và xử lý khi hết thời hạn. Hiện nay, tất cả các chủ đầu tư phải xử lý pin quang điện.
Phát biểu như Bộ trưởng thì mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mới sai
Tranh luận với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về vấn đề thủy điện, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương cho rằng: “Nếu phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mới sai vì cho mưa nhiều quá. Bộ trưởng cũng có nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch, khâu tổ chức thực hiện…thì e rằng chưa ổn”.
Đại biểu này cho rằng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó có lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập lụt. “Chúng ta làm nhiều đập thủy điện nó không vỡ đập thủy điện mà vỡ ở các chỗ khác. Nước dâng cao thì phải tìm đường thoát, như vậ sẽ trái quy luật tự nhiên và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng” - đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói.
Tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai cho rằng, nói về câu chuyện thủy điện thì cần bàn về câu chuyện của 40 đến 50 năm sau chứ không phải câu chuyện của hôm nay. Nếu ta không nhìn trước được thì chúng ta sẽ để lại di họa cho con cháu mai sau.
“Hôm qua tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà thì Bộ trưởng có nói một giải pháp hợp lý hơn, đó là ngay từ đầu khi tham gia dự án thủy điện thì chủ đầu tư đã phải đóng khoán tiền như là phí môi trường để sau này xử lý hậu quả khi dự án thủy điện hết hạn sử dụng” - đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc ví dụ, có những câu chuyện khi lấy đất của dân mà còn chưa đền bù cho họ chứ nói gì để 40 đến 50 năm sau khi dự án thủy điện hết khấu hao. Ai là người bỏ tiền ra giải quyết vấn đề này? Cho nên, việc này phải nắm đằng chuôi, nhà nước phải đóng vai trò quản lý chứ doanh nghiệp thì họ rất dễ thoái thác, chối bỏ trách nhiệm.
Theo quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, nói về thủy điện và sự tàn phá của nó trong đợt mưa lũ vừa rồi thì cần phải nhìn nhận khách quan. Bởi vai trò của thủy điện không chỉ đơn thuần là cung cấp điện năng mà góp phần vào trị thủy. Dẫn chứng cho việc này đại biểu Lê Thanh Vân nhắc đến vai trò trị thủy của đập thủy điện Sông Đà.
“Trước đây khi chưa có đập thủy điện Sông Đà thì vùng đồng bằng sông Hồng rất hay bị ngập lụt, đặc biệt là trận lụt năm 1971 – Hà Nội phải phá đê ở Chương Mỹ (Hà Tây cũ) để cứu Hà Nội. Tuy nhiên, khi đập thủy điện Sông Đà được xây dựng thì đã giải quyết được nguy cơ lũ lụt ở hạ lưu dòng sông Đà”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến.
Theo đại biểu Vân, mặt trái của thủy điện chính là sự lạm dụng trong đặt vị trí xây dựng của các dự án. Một số chủ nhà máy thủy điện đã không làm đúng chức năng của đập thủy điện điều tiết mức nước, lợi dụng để phá rừng để trục lợi. “Chúng ta không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh./.