Tiềm năng hợp tác Việt Nam và Trung Đông- Bắc Phi rất lớn
VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KHĐT nhấn mạnh tại phiên tổng quan về môi trường đầu tư và kinh doanh của VN.
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi, sáng 4/11, trình bày tổng quan về môi trường đầu tư và kinh doanh, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập đến các vấn đề như: Môi trường và cơ hội kinh doanh đầu tư tại Việt Nam; Quan hệ đầu tư giữa Việt Nam với các nước Trung Đông – Bắc Phi; Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam và tiềm năng hợp tác kinh tế đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – Bắc Phi.
Về môi trường kinh doanh đầu tư, ông Nguyễn Văn Trung cho rằng, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, chú trọng vào tăng trưởng xanh.
Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và Trung Đông - Bắc Phi. |
Ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh: Việt Nam cũng đang ưu tiên thực hiện 3 khâu đột phá gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẵng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam đạt trên 70%. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng nâng cấp toàn diện hạ tầng giao thông đô thị lớn; tập trung phát triển năng lượng điện, phát triển nguồn năng lượng sạch mà Việt Nam có nhiều tiềm năng như: gió, mặt trời, địa nhiệt… Các giải pháp nêu trên sẽ được thực hiện một cách đồng bộ, triệt để nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, GDP bình quân lấy lại đà tăng trưởng 7-8%.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, việc tái cấu trúc lại nền kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư công, hệ thống ngân hàng tài chính và doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2013, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục đạt ổn định, lạm phát được kiềm chế; tăng trưởng GDP cả nước đạt 5,4%, cơ hơn mức tăng trưởng năm trước. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Nguyễn Văn Trung nêu rõ: Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông- Bắc Phi đã và đang tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Trong lĩnh vực đầu tư, các quốc gia vùng Vịnh hiện cũng đang tích cực tham gia vào nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số 14 dự án, vốn đăng ký đạt 168 triệu USD, tập trung vào các ngành dầu khí, bất động sản, công nghệ chế biến chế tạo, nông lâm nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cũng đã đầu tư sang khu vực Trung Đông – Bắc Phi 8 dự án với vốn đăng ký đạt 121 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các ngành dầu khí, viễn thông. Việt Nam và các đối tác Trung Đông- Bắc Phi cũng đã ký kết các hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật…
Việt Nam đang được coi là khu vực phát triển năng động của thế giới. Việt Nam cùng với cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là cơ hội kinh doanh đầu tư mới với thị trường 600 triệu dân và tổng GDP hơn 1.850 tỷ USD. Việt Nam đã là thành viên của APEC, WTO, AFTA… và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm ký kết các hiệp định FTA, TPP, hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 và các cơ chế hợp tác kinh tế, đầu tư quốc tế khác.
Ông Nguyễn Văn Trung khẳng định: Tiềm năng và cơ hội hợp tác để cùng phát triển giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông- Bắc Phi là rất lớn. Việt Nam khuyến khích các dự án đầu tư từ khu vực Trung Đông - Bắc Phi trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp dầu khí, khai khoáng, phát triển cơ sở hạ tầng theo mô hình hợp tác công tư - PPP; các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực; các dự án nông nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư sang khu vực Trung Đông - Bắc Phi mà Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm như: viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, khai khoáng, trồng cây nông nghiệp, nông nghiệp...
Việt Nam vừa đánh dấu cột mốc 25 năm mở cửa, thu hút vốn ĐTNN với những kết quả đáng kích lệ.
Việt Nam chú trọng thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cấu trúc nền kinh tế.