Tiếp cận vốn sau đại dịch, doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
VOV.VN - Thời gian qua, Chính phủ cùng các cấp, ngành, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp vượt khó sau dịch Covid-19.
Tại TP.HCM, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề từng bước hoạt động trở lại với rất nhiều khó khăn, trong đó có thiếu nguồn tiền. Tuy nhiên đi vay vốn trong thời điểm này không dễ, dù nhà nước đã có chủ trương, chính sách.
Khó tiếp cận vốn vì thiếu tài sản thế chấp
Bà Kim Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư Tổng hợp H.A, chuyên về thiết bị điện tại huyện Nhà Bè, TP.HCM cho hay, công ty thành lập và hoạt động đến nay đã trên 10 năm, có hợp đồng với khá nhiều dự án lớn trong nước và đã xuất khẩu sản phẩm qua Myanmar. Bây giờ, để thực hiện kế hoạch mở rộng nhà xưởng sản xuất sau đại dịch, bà Kim Huỳnh đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đến đâu thì bà cũng nhận được câu hỏi dùng tài sản nào để thế chấp:
“Đủ điều kiện để cấp tín dụng 10 tỷ nhưng không đủ tài sản thì tôi cũng không được vay 10 tỷ. Do đó cứ 100% xét theo tài sản thì rất khó cho doanh nghiệp. Như nhà xưởng tôi mới xây đây thì ngân hàng họ chưa cho vay, vì không luân chuyển để tạo ra dòng tiền, ngân hàng chỉ ưu tiên là vay ngắn hạn, có thể thanh khoản nhanh", bà Kim Huỳnh nói.
Thực tế cho thấy, do thủ tục vay từ ngân hàng khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ phải tìm vốn từ nguồn khác. Doanh nghiệp khởi nghiệp càng khó khăn hơn khi đa số chủ doanh nghiệp chưa tích luỹ đủ tài sản để duy trì hoạt động đến khi có lợi nhuận đầu tiên. Công ty Cổ phần Công nghệ ShopNow là một điển hình khi hoạt động với một ít vốn tự có, không tài sản cố định. Anh Mã Văn Long, Giám đốc ShopNow chia sẻ, với đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp thì tài sản lớn nhất là bộ nhân sự và phương án kinh doanh. Cho nên, sau dịch bệnh, anh Long kỳ vọng sẽ tiếp cận được vốn từ ngân hàng và các quỹ khởi nghiệp bằng hình thức tín chấp.
“Tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, lý do là các quỹ đầu tư, các quỹ khởi nghiệp thường sẽ dựa vào các chỉ số kinh doanh để đánh giá doanh nghiệp hoạt động như thế nào trong vòng ít nhất 6 tháng trở lại. Sau giai đoạn dịch kéo dài quá lâu thì hoạt động kinh doanh của tôi ở mức cầm chừng, doanh số không đáp ứng đủ", anh Long nói.
Doanh nghiệp phải hiểu rõ nhu cầu của mình
Theo một số chuyên gia kinh tế, trước khi tiếp cận vốn ngân hàng, doanh nghiệp nhất thiết phải trả lời cụ thể những câu hỏi như: Nhu cầu vay là bao nhiêu? Mục đích vay để làm gì? Doanh nghiệp muốn kỳ hạn bao lâu? Có kế hoạch nào để đảm bảo trả nợ cho khoản vay đó? Bởi thực tế không ít doanh nghiệp hiện khi có nhu cầu vay vốn thì mới chuẩn bị hồ sơ đi vay và muốn vay được ngay, mà ngân hàng thì cần có thời gian để thẩm định, xử lý hồ sơ.
Ông Mai Quốc Thịnh, chuyên gia tư vấn tài chính doanh nghiệp cho biết, ngân hàng cũng là tổ chức kinh doanh nên sẽ đánh giá lựa chọn khách hàng trên cơ sở tiềm năng, trên cơ sở phương án kinh doanh của khách hàng. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải tự đánh giá được năng lực và chuẩn bị hồ sơ khả thi nhất.
Ông Mai Quốc Thịnh nói: “Một số sai lầm mà doanh nghiệp thường hay mắc phải như thiếu tính chủ động, thiếu lập kế hoạch nguồn vốn ngay từ ban đầu. Có khi doanh nghiệp vay vốn cho mục đích này nhưng lại sử dụng cho mục đích khác, đặc biệt là khi vay ngắn hạn nhưng lại sử dụng cho trung và dài hạn. Do đó, các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực quản trị tài chính. Đặc biệt tính kỷ luật trong việc sử dụng nguồn vốn".
Năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch và thiếu tài sản đảm bảo. Đây là những lý do chính ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giảng viên của Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) thì cho rằng, cơ hội tiếp cận vốn không đóng lại với các doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo nếu doanh nghiệp chứng minh được uy tín thông qua thời gian hoạt động, các đối tác và hợp đồng tiềm năng trong tương lai.
“Chúng tôi thấy có một vài điểm khó khăn khi tiếp cận chính là câu chuyện dựa trên tài sản. Chúng tôi sẽ có những phương án, có điều chỉnh để đảm bảo tỷ lệ hợp lý trong việc hỗ trợ hay chấp nhận những loại tài sản nào không phải của doanh nghiệp. Thậm chí là những trường hợp không có tài sản nhưng vẫn vay được thông qua những hợp đồng đầu ra, nếu doanh nghiệp có những hợp đồng với đối tác uy tín", ông Nguyễn Văn Hiệp nói.
Các ngân hàng cũng hiểu và chia sẻ nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong thời điểm khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 như hiện nay. Bà Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho biết, cần nhìn ở góc độ ngân hàng cũng là doanh nghiệp, sử dụng nguồn tài chính đi vay để cho vay, từ đó cùng nhau gỡ khó. Trước mắt, ngành ngân hàng sẽ thực hiện một số giải pháp, trong đó có hỗ trợ khoản vay, giảm lãi suất.
Bà Kim Xuân nói: “Các ngân hàng đều đồng thuận là sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trên cơ sở là phải căn cứ vào thực lực nguồn vốn, cũng như chính sách tín dụng của từng ngân hàng. Lãi suất giảm thì cũng hỗ trợ cho đúng đối tượng khách hàng mà đang có khó khăn thực khăn thực sự, doanh nghiệp có đơn hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Các tổ chức tín dụng làm sao phải triển khai chính sách hỗ trợ chính xác, cần phải trích lọc dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn cho hệ thống".
Rõ ràng, nếu doanh nghiệp chứng minh được tình trạng kinh doanh giảm sút là do các yếu tố khách quan như dịch bệnh, đồng thời xây dựng được phương án kinh doanh tốt thì sẽ tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, với đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, muốn làm được như vậy, rất cần hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, địa phương để nâng cao khả năng quản trị tài chính, khôi phục sản xuất kinh doanh./.